Một số hình thức trục lợi bảo hiểm được sử dụng nhiều nhất do cơ quan chức năng phát hiện, như: Tạo hiện trường giả, giả mạo giấy tờ, giả mạo thông tin nhân thân, làm giả hồ sơ y tế, tự gây thương tích…
Có thể điểm một số vụ án liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm gây rúng động dư luận thời gian gần đây, như vụ "giết người mượn xác" để đòi tiền bảo hiểm nhân thọ xảy ra tại Đắk Nông vào 5/2020; hay vụ người phụ nữ thuê người chặt chân chặt tay, sau đó tạo hiện trường giả bị tai nạn tàu hỏa cán để đòi tiền bảo hiểm xảy ra tại Hà Nội vào tháng 8/2016; hoặc vụ một người đàn ông mua 19 hợp đồng bảo hiểm đã bị các công ty bảo hiểm tố giác có dấu hiệu gian dối trong kê khai mua bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm…
Đáng chú ý, đây chỉ là những vụ việc được cơ quan công an điều tra làm rõ, báo chí đưa tin. Vậy, đâu là nguyên nhân của những hành vi này, và làm thế nào để chấm dứt tình trạng này.
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường đánh giá, hiện pháp luật nước ta chưa có quy định cụ thể thế nào là hành vi “trục lợi bảo hiểm” mà chỉ quy định về hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.
Theo Luật sư, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đề cập đến “nghĩa vụ cung cấp thông tin” và “quyền của doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay”, do đó từ chối chi trả, bồi thường khi bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin gian dối. Theo đó, chế tài mới chỉ dừng lại ở việc doanh nghiệp bảo hiểm được phép từ chối thực hiện nghĩa vụ dân sự, giao dịch theo hợp đồng bằng cách tuyên bố "hợp đồng vô hiệu".
Theo quy định pháp luật, hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, tùy tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Có thể nói hành vi trục lợi bảo hiểm xuất phát chủ yếu từ sự bất cập của hệ thống luật pháp hiện hành. Ngoài ra, còn xuất phát từ nguyên nhân một số cơ quan chức năng chưa phối hợp, hỗ trợ, thậm chí gây khó khăn cho các công ty bảo hiểm trong việc điều tra, xác minh các khiếu nại đáng ngờ về hành vi trục lợi; các tổ chức giám định, sửa chữa cung cấp vật tư, các cơ sở y tế chưa có ý thức đề phòng vụ lợi, dễ bị mua chuộc để làm giả, làm sai lệch hồ sơ yêu cầu bồi thường nhằm trục lợi, thiếu quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp phát hiện các đối tượng trục lợi bảo hiểm”, Luật sư Cường nêu quan điểm.
Ngoài việc các quy định pháp luật còn nhiều hạn chế, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho rằng, các chế tài xử lý vi phạm vẫn còn thiếu và không đủ mạnh, chưa đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn đặt ra.
Luật sư đưa ra kiến nghị, để hạn chế và xử lý có hiệu quả các hành vi trục lợi bảo hiểm thì các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu và xem xét, để có thể hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật theo hướng quy định chi tiết, chặt chẽ và đầy đủ hơn về các hành vi trục lợi bảo hiểm, các biện pháp phòng ngừa và chế tài xử lý (về dân sự, hành chính và hình sự) tương xứng với tính chất và mức độ vi phạm, phù hợp với yêu cầu đấu tranh, xử lý và phòng ngừa vi phạm, cũng như các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Trước thực trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm có chiều hướng gia tăng, theo các Luật sư, cần có những biện pháp khắc phục và chế tài xử lý đủ mạnh trong trường hợp người mua bảo hiểm có hành vi gian dối, khai báo không đúng sự thật, dùng các thủ đoạn để tạo ra sự kiện bảo hiểm nhằm lấy được số tiền bảo hiểm này.
Trường hợp đã bị xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả nhưng vẫn tiếp tục tái phạm thì áp dụng các quy định của pháp luật hình sự để xử lý. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh bảo hiểm cần phải có kế hoạch cụ thể trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm.
Nhằm ngăn chặn và hạn chế tối đa tình trạng này ngoài việc bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động triển khai các giải pháp mang tính nội bộ, chuyên môn, Luật sư cho rằng rất cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng, như: Cơ quan điều tra, y tế, giám định, kiểm định… để xác định rõ nguyên nhân, đánh giá chính xác hậu quả thiệt hại thực tế của từng hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Việc làm này vừa đảm bảo được quyền lợi hợp pháp cho khách hàng tham gia bảo hiểm, vừa loại bỏ được những trường hợp trục lợi bảo hiểm gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
“Cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét, bổ sung, chi tiết hóa các hành vi trục lợi bảo hiểm trong các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao tính răn đe trong việc thực thi pháp luật, cần có quy định luật pháp với chế tài mạnh mẽ hơn… Nghiên cứu thành lập tổ chức điều tra, cơ quan chuyên trách phòng chống gian lận, trục lợi bảo hiểm độc lập. Cơ quan này sẽ là đầu mối kết nối dữ liệu chung về bảo hiểm, hỗ trợ các doanh nghiệp thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi sai phạm, đồng thời kết nối với các doanh nghiệp để chia sẻ dữ liệu, xử lý các vụ việc thông qua các biện pháp thương lượng, hòa giải và trọng tài bảo hiểm”, Luật sư Cường nói.