Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Đoàn giám sát, đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, làm rõ những chuyển biến trong thực hiện chính sách, pháp luật ngay trong quá trình giám sát; phân loại các tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời cần hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, cân đối cung - cầu, đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản; chỉ đưa vào nghị quyết giám sát những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện các đề xuất, kiến nghị để giải quyết việc triển khai dự án bất động sản vướng mắc, kéo dài, giải pháp về kiểm soát dòng vốn tín dụng bất động sản, việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ cũng đề nghị khẩn trương xử lý dứt điểm các dự án bất động sản, nhà ở xã hội gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi. Đề nghị tiếp tục rà soát, phân loại và xây dựng phương án giải quyết, ban hành theo thẩm quyền cơ chế giải quyết phù hợp, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trước đó, báo cáo Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, tại Hà Nội có khoảng 712 dự án có vướng mắc pháp lý. Tại TP.HCM, theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện có 220 dự án gặp vướng mắc pháp lý.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 có nhiều quy định mới, có tác động trực tiếp đến hoạt động của nhiều đối tượng, từ người dân đến doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.
Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai, công tác thi hành Luật vẫn còn nhiều vướng mắc bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, VARS cho rằng một số văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của trung ương, hầu hết văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương chưa được ban hành, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các luật khi nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương. Điều này xuất phát từ thực tế, nhiều cán bộ chuyên trách chưa nắm luật, chưa được tham gia các chương trình phổ biến, tập huấn về các quy định mới.
Trong đó, liên quan đến phân khúc nhà ở xã hội, do chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cũng là nguyên nhân chính gây ra vướng mắc cho công tác triển khai phân khúc này tại nhiều địa phương.
Cụ thể, Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, đã có quy định, trong thời hạn 7 ngày, văn phòng hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ phải xác nhận thông tin của người đăng ký không sở hữu nhà và không có tên trong sổ đỏ tại tại địa phương, nơi có dự án nhà ở xã hội. Và cũng trong thời hạn 7 ngày, UBND cấp xã sẽ xác nhận điều kiện về thu nhập cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai, nhiều địa phương vẫn gặp vướng mắc trong việc xác nhận thực trạng nhà ở và điều kiện về thu nhập. Do các cơ quan trực tiếp thực thi pháp lý với người dân chưa có căn cứ hướng dẫn thực hiện.