Xử lý DNNN đầu tư ngoài ngành, hiệu ứng kép

Xử lý DNNN đầu tư ngoài ngành, hiệu ứng kép

(ĐTCK) Các biện pháp xử lý tình trạng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đầu tư ngoài ngành bắt đầu phát huy hiệu ứng kép kể từ tháng 9/2013.

>> Yêu cầu DNNN khẩn trương thoái vốn ngoài ngành

>> Dù lãi hay lỗ, DNNN cũng buộc phải thoái vốn ngoài ngành  

Chặn tái diễn

Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhất là các khoản đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, để đảm bảo hoàn thành trước năm 2015.

Quan điểm trên tiếp tục được tái khẳng định, khi tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra mới đây, khi trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc Chính phủ có xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu DNNN, nếu để quá trình tái cấu trúc, trong đó có tổ chức thoái vốn đầu tư ngoài ngành chậm trễ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, thời gian qua, xã hội bức xúc chuyện DNNN đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản. Chính phủ đang cương quyết chỉ đạo các DNNN phải thoái vốn, nhưng thực hiện có lộ trình chặt chẽ để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, đồng thời không làm rối thị trường. Cùng với đó, Chính phủ rất quan tâm thúc đẩy tái cấu trúc DNNN. Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định rất cụ thể về chức năng, nhiệm vụ với từng tập đoàn theo hướng các tập đoàn kinh tế Nhà nước chỉ tập trung vào ngành nghề chính.

Xử lý DNNN đầu tư ngoài ngành, hiệu ứng kép ảnh 1Theo quy định mới, DNNN sẽ bị “cấm cửa” đầu tư ngoài ngành với những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán

Sở dĩ nói các biện pháp xử lý DNNN đầu tư ngoài ngành bắt đầu phát huy hiệu ứng kép từ tháng 9 này, bởi cùng với sự chỉ đạo quyết liệt thoái vốn ngoài ngành của Chính phủ, một cơ chế mới ngăn chặn các DNNN tái diễn tình trạng đầu tư ngoài ngành bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9. Đó là Nghị định 71/2013 về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo quy định mới, DNNN bị “cấm cửa” đầu tư ngoài ngành đối với lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, CTCK, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp các DN đã đầu tư vào các lĩnh vực này không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, phải thoái hết số vốn đã đầu tư…

 

Cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Quy định mới đã đề cập chi tiết các lĩnh vực DNNN không được phép đầu tư. Tuy nhiên, theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, không chỉ Nghị định 71/2013, mà trong nhiều văn bản pháp lý hiện hành chưa quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu DNNN khi vi phạm các quy định về đầu tư ngoài ngành. Trong thực tế, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu DNNN (nếu có) cũng còn có sự nể nang, nương nhẹ. Chính điều này làm cho kỷ luật đầu tư của các DNNN có phần bị buông lỏng, chưa được kiểm soát chặt.

Thực tế cho thấy, quyết định đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào các ngân hàng, CTCK, công ty bảo hiểm… những năm trước đây đều có liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu DNNN. Theo một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), vì liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu DNNN nên đây đang là một trong những nguyên nhân chính khiến quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành gặp nhiều cản trở. Không ít quyết định đầu tư ngoài ngành do cá nhân lãnh đạo DNNN quyết, chứ không tuân thủ quy định phải đưa ra bàn bạc và quyết định tập thể. Vì điều này mà khi khoản đầu tư ngoài ngành rơi vào tình trạng thua lỗ nặng như hiện tại, nên việc thoái vốn tất yếu sẽ làm mất vốn của Nhà nước. Hơn nữa, nhiều lãnh đạo ra quyết định đầu tư hiện đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công việc khác, nên khó quy trách nhiệm cho họ.

“Bất kể là cán bộ đã nghỉ hưu, hay chuyển sang làm những công việc khác, nếu DNNN thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chỉ đạo của Chính phủ mà dẫn đến làm mất vốn lớn của Nhà nước, cần mạnh tay xử lý những người đã đưa ra quyết định đầu tư ra ngoài ngành…”, ông Doanh đề nghị và cho rằng, ngoài buộc những cán bộ này bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, cần xem xét đình chỉ chức vụ để làm rõ trách nhiệm, thậm chí xem xét xử lý hình sự nếu có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, làm mất vốn lớn của DNNN. Chỉ có làm mạnh tay như vậy mới tạo ra tính răn đe, qua đó, giảm thiểu nguy cơ các DNNN đua nhau đầu tư ra ngoài ngành trong tương lai.