Xử lý 4.257 vụ hàng lậu, hàng giả trong 1 tháng, thu nộp ngân sách 38 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Từ 15/7/2024 đến ngày 14/8/2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 4.257 vụ vi phạm về hàng hóa nhập lậu, không rõ xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thu nộp ngân sách nhà nước trên 38 tỷ đồng.
Xử lý 4.257 vụ hàng lậu, hàng giả trong 1 tháng, thu nộp ngân sách 38 tỷ đồng

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.

Chỉ trong vòng 1 tháng, từ ngày 15/7/2024 đến ngày 14/8/2024, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 4.257 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 38 tỷ đồng.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng.

Hàng giả, nhái và nhập lậu bị phát hiện nhiều nhất vào các thời điểm lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.

Quản lý thị trường phạt 52,5 triệu đồng, tịch thu 230 chiếc xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Hưng Yên, hôm 11/9.

Quản lý thị trường phạt 52,5 triệu đồng, tịch thu 230 chiếc xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Hưng Yên, hôm 11/9.

Các nhóm hàng có nhu cầu cao, bị phát hiện vi phạm nhiều nhất, gồm: thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm... Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa.

Đối với nhóm hàng như thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, khí bóng cười (N2O), trong những tháng đầu năm, tỷ trọng các vụ việc vi phạm với các hành vi vi phạm chủ yếu như: nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng.

Trong đó, các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này như Hà Nội, TP.HCM, An Giang, Long An, Khánh Hoà, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh.

Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, đa số các thương nhân tổ chức kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn hàng ở các tỉnh thành phố; giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát.

Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hoá và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng.

Do tốc độ lưu chuyển hàng hoá nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hoá tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động. Trong 8 tháng đầu năm 2024, qua giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này, Quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu đang trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, làm tổn hại đến doanh nghiệp chân chính và quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều ĐBQH đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương làm rõ thêm và cho biết những giải pháp nào đã và đang triển khai để hướng tới xử lý triệt để vấn đề này trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc tháng trước.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nói: "Công việc phòng chống hàng giả, trốn thuế, gian lận thương mại rất quan trọng với tất cả các quốc gia và Việt Nam. Gian lận thương mại là đặc trưng trong kinh tế thị trường, là thách thức với Chính phủ, Bộ ngành để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Giải pháp tới đây, Bộ này sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu về sửa đổi bổ sung chính sách, tập trung vào chế tài xử phạt, xử lý kịp thời sai phạm, thực hiện hiệu quả Đề án chống hàng giả, kém chất lượng.

Tập trung xử lý vi phạm về gian lận thương mại và hàng giả theo từng tuyến, địa bàn trọng điểm. Chú trọng kiểm tra các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả và các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng như: rượu, thuốc lá, thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm chức năng, điện tử, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm.

Tin bài liên quan