Xu hướng tự sáp nhập của doanh nghiệp niêm yết

Xu hướng tự sáp nhập của doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) Trong xu hướng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang diễn ra, thì sự chủ động sáp nhập giữa các doanh nghiệp có chung cổ đông sáng lập hay các công ty sở hữu chéo được đánh giá là một xu thế tích cực.

ĐHCĐ CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) mới đây đã thông qua phương án phát hành 18,8 triệu cổ phần để hoán đổi toàn bộ cổ phần của CTCP Thép Phúc Tiến (PHT). Đây là hai công ty có cùng cổ đông sáng lập cá nhân và hiện TLH đang sở hữu hơn 20% cổ phần PHT.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT TLH cho biết, việc sáp nhập sẽ mang lại lợi thế về quy mô hoạt động, vì hai công ty có sản phẩm tương đồng là thép trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp như nhà xưởng, cầu đường. TLH có vị thế lớn ở miền Nam, còn PHT quy mô vốn nhỏ hơn, nhưng lại khá nổi tiếng ở phía Bắc và phát triển chuyên sâu mảng vật liệu xây dựng. Ngoài thép cho công nghiệp, PHT còn có sản phẩm tấm ốp tường, tấm meca thay thế cho kính…

Theo ông Hà, việc sáp nhập không phải vì công ty nào có thua lỗ hay nợ lớn, năm 2011, cả hai công ty đều có lãi để chi trả cổ tức. Sau khi sáp nhập, TLH sẽ tận dụng được hệ thống kho bãi lớn của PHT ở miền Bắc để đưa sản phẩm ra thị trường này.

Tại Tổng công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (DPM), kế hoạch mua lại Nhà máy Đạm Cà Mau đã được ĐHCĐ thông qua một cách dễ dàng, bởi lý do duy nhất là DPM phải duy trì được lợi thế dẫn đầu thị trường mới có thể cạnh tranh về chi phí, đa dạng sản phẩm trong bối cảnh thị trường phân đạm sẽ có tình trạng cung lớn hơn cầu vào giữa năm nay.

Trước đó, CTCP Licogi 16.6 (LCS) thông qua phương án sáp nhập Licogi 16.9. Cả hai công ty này đều là có cổ đông lớn là CTCP Licogi 16 và hoạt động trong lĩnh vực xây lắp các công trình thủy điện. Licogi 16.9 có quy mô nhỏ với 2,5 triệu cổ phần, nên sáp nhập vào LCS sẽ giúp gọn nhẹ bộ máy điều hành. Tương tự, ĐHCĐ CTCP Sông Đà 6.06 (SSS) thông qua phương án sáp nhập vào CTCP Sông Đà 6 (SD6).

CTCP Kinh Đô (KDC) sẽ sáp nhập Vinabico trong năm nay khi đặt rõ chính sách mở rộng quy mô và đa dạng sản phẩm bằng chiến lược M&A. Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT KDC cho biết, KDC đã đầu tư Vinabico cách đây 5 năm và hỗ trợ quản trị để công ty này đạt được mức tăng trưởng 30%. Trong kế hoạch, KDC sẽ có đối tác để phát triển dòng sản phẩm mì gói và dầu ăn. Nhiều khả năng, trong tương lai, các đối tác này cũng sẽ được sáp nhập vào KDC.

Ngoài lý do các công ty sáp nhập để tạo lợi thế cạnh tranh về sản phẩm, thị trường…, thì còn có lý do lịch sử là sự bùng nổ của TTCK trước đây giúp cho việc niêm yết các công ty riêng lẻ có lợi cho cổ đông sáng lập cả về giá cổ phiếu và về khả năng phát hành huy động vốn. Hiện tại, các lợi ích này không dễ dàng đạt được với công ty nhỏ. Vì thế, các công ty trong quá trình tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả hơn cũng đang có xu hướng tăng quy mô hoạt động, tăng quy mô vốn để không chỉ cạnh tranh trên thị trường, mà còn cạnh tranh thu hút nhà đầu tư trên TTCK. Cổ phiếu của công ty lớn bao giờ thanh khoản cũng tốt hơn.

Xu thế sáp nhập kiểu “lại về một nhà” này được nhận định là sẽ gia tăng, vì quy mô của nhiều doanh nghiệp niêm yết hiện nay còn rất nhỏ, trong khi điều kiện niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM trong thời gian tới được nâng cao hơn.