Trong khi nhiều “ông bạn hàng xóm” thất trận tại thị trường đông dân nhất thế giới này thì Starbuck mới đây khai trương cửa hàng thứ 3.000 và dự kiến đến năm 2021 sẽ nâng số cửa hàng lên 5.000. Cứ đà này, chẳng mấy chốc Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của Starbuck, chứ không phải “tổng hành dinh” là Mỹ.
Tại sao cùng là các tập đoàn lớn của Mỹ nhưng người này thành công, người kia lại thất bại? Một trong những nguyên nhân được mổ xẻ là quá trình tăng trưởng của Starbuck gắn với phát triển bền vững.
Họ rất chú trọng đến các đặc tính văn hóa, ý thức cộng đồng, xã hội của vùng đất họ đến đầu tư. Nào là lao động địa phương được ưu tiên tuyển dụng, được đào tạo, hưởng các chính sách lương thưởng, phúc lợi xã hội đầy đủ, nào là diện tích cửa hàng được nới rộng hơn so với tiêu chuẩn truyền thống, được thiết kế ít vách ngăn hơn, phù hợp với văn hóa tập thể, cộng đồng của người dân bản xứ…
Ðó là một ví dụ cho thấy, trong thời đại ngày nay, tăng trưởng chỉ có thể duy trì lâu bền khi doanh nghiệp chú trọng đến nhiều yếu tố như chăm lo cho người lao động, bảo vệ môi trường, tích cực hỗ trợ các hoạt động văn hóa, lợi ích cộng đồng…
Trên thực tế, không thiếu những doanh nghiệp tăng trưởng hai con số nhưng tàn phá môi trường, vắt kiệt sức lực của người lao động. Ở thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, những doanh nghiệp như vậy rất có thể sẽ sớm phải đối mặt với khủng hoảng và chấm dứt đà tăng trưởng.
Hàng năm, Cộng đồng Doanh nghiệp tăng trưởng toàn cầu đều có cuộc bình xét vào - ra dành cho người cũ, kẻ mới. Các ứng viên được chọn phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí.
Chẳng hạn, chứng minh số liệu về tốc độ tăng trưởng hàng năm không dưới 15%; doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược và tiềm năng để xây dựng một doanh nghiệp toàn cầu; nằm trong Top các doanh nghiệp dẫn đầu ngành của mình với doanh thu từ 100 triệu USD đến 5 tỷ USD. Ðáng chú ý, doanh nghiệp phải có kế hoạch và tiềm năng phát triển vững chắc, doanh nghiệp có uy tín vững mạnh…
Ðã có những doanh nghiệp Việt Nam lọt vào cộng đồng này nhưng không duy trì được dài lâu khi một vài năm sau đã tụt hậu, thậm chí còn không giữ được kết quả hoạt động như những năm trước. Không khó để tìm kiếm các lý do giải thích cho kết quả này, trong đó ngoài những nguyên nhân khách quan là vô số các lỗ hổng quản trị của bản thân doanh nghiệp.
Lựa chọn và hành động để phát triển bền vững không hề dễ, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp còn chưa biết liệu ngày mai có thể tồn tại tiếp hay không? Song kinh nghiệm của những doanh nghiệp thành công ở Việt Nam và trên thế giới là chọn hướng đi bền vững, cơ hội sống và sống lâu là cao hơn, có như vậy doanh nghiệp mới có thể nói đến giấc mơ trường tồn.
Những thông điệp và khung thể chế được ban hành gần đây đều cho thấy, Ðảng và Chính phủ coi trọng tăng trưởng, nhưng đi kèm với tăng trưởng phải đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, duy trì ổn định các cân đối lớn, đảm bảo tốt an sinh xã hội…
Hãy nhìn xa vì tương lai của doanh nghiệp, vì tương lai của cả nền kinh tế, trên mọi miền và cho mọi thế hệ.