Xu hướng tăng rõ ràng hơn

Xu hướng tăng rõ ràng hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tuần giao dịch từ 23 - 27/9/2024, VN-Index có diễn biến tích cực khi có thời điểm chạm đến ngưỡng 1.300 điểm sau 4 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số chỉ giảm điểm vào phiên cuối tuần do áp lực chốt lời gia tăng.

Cơ hội tích lũy cổ phiếu

Nhóm ngành ngân hàng có diễn biến nổi bật nhất và là động lực chính dẫn dắt đà tăng của thị trường trong tuần qua. Nhờ sự cải thiện tâm lý thị trường khi nhóm ngành dẫn dắt xuất hiện, lực cầu mở rộng ảnh hưởng sang các nhóm ngành khác như chứng khoán, vật liệu xây dựng (thép), bất động sản. Tuy nhiên, diễn biến tăng trưởng vẫn chưa đồng đều và có thể cần thêm thời gian tích lũy để hỗ trợ cho đà tăng, dù nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tuần thứ hai liên tiếp với giá trị tăng dần, cho thấy dấu hiệu tích cực từ khối ngoại.

Với việc VN-Index đang giằng co tại ngưỡng kháng cự lịch sử 1.300 điểm, không loại trừ khả năng chỉ số sẽ có nhịp điều chỉnh để thu hút thêm dòng tiền chờ sẵn tại vùng 1.270 - 1.280 điểm. Các nhịp điều chỉnh nếu xảy ra sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu để đón kết quả kinh doanh quý III sắp tới.

Khi diễn biến VN-Index dần cải thiện bởi các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước đang sáng hơn, nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, với kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Các cổ phiếu tiềm năng là cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II và duy trì triển vọng tích cực cho đến nay. Cùng với đó là cổ phiếu nhận sự chú ý của dòng tiền như nhóm chứng khoán, với kỳ vọng hưởng lợi từ quá trình nâng hạng thị trường (SSI, HCM, VCI); nhóm ngân hàng (MBB, STB) nhờ tăng trưởng tín dụng và chính sách pháp lý thuận lợi; nhóm bất động sản (KDH, NLG, VHM) với cơ hội phục hồi từ những cải cách về hành lang pháp lý.

Trung Quốc kích thích kinh tế - Kỳ vọng lan tỏa hiệu ứng tích cực

Gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách nhằm kích thích kinh tế sau giai đoạn trì trệ kéo dài. Đầu tiên là hạ lãi suất điều hành, cụ thể là lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại. Tiếp theo là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, nới lỏng các quy định đối với việc vay mua bất động sản thứ hai và cho phép các ngân hàng được quyền tài trợ đối với các khoản vay mua lại dự án bất động sản. Bên cạnh đó, các biện pháp tài khóa được áp dụng như gói hỗ trợ các tổ chức tài chính vay tiền trực tiếp từ Chính phủ bằng tài sản đảm bảo hay hỗ trợ ngân hàng trong việc mua lại cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết.

Theo dự báo của một số tổ chức lớn, tổng giá trị các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc có thể lên tới 500 tỷ USD, tập trung vào việc bơm tiền cho nền kinh tế và hỗ trợ ngành bất động sản. Đây sẽ là một sự hỗ trợ rất mạnh đối với ngành bất động sản và xây dựng nước này, vốn chiếm hơn 25% trong cơ cấu GDP.

Sự tác động của ngành bất động sản Trung Quốc lên nền kinh tế cũng tương tự với Việt Nam, khi hiệu ứng lan tỏa trong sự phát triển của ngành luôn tác động tích cực đến nền kinh tế chung. Do đó, khi thông tin về gói kích thích kinh tế được công bố, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có phản ứng tăng điểm, giá nhiều loại hàng hóa cơ bản như đồng, thép, cao su cũng tăng đáng kể trong các phiên giao dịch gần đây.

Đối với kinh tế Việt Nam, kinh tế Trung Quốc có sự tác động không nhỏ, khi đây là đối tác lớn. Thị trường bất động sản Trung Quốc được hỗ trợ khiến giá thép bật tăng, từ đó ngành thép Việt Nam cũng được hưởng lợi khi sự cạnh tranh từ thép Trung Quốc sẽ giảm. Ngành cao su cũng có thể được hưởng lợi khi Trung Quốc là đối tác nhập khẩu mủ cao su (latex) lớn nhất của Việt Nam.

Nhìn chung, các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc đang tạo ra tác động tích cực về mặt thông tin lên thị trường Việt Nam, mặc dù cần có thời gian để các biện pháp kinh tế phát huy tác dụng. Chúng tôi kỳ vọng vào triển vọng phục hồi của kinh tế Trung Quốc và các tác động tích cực lên kinh tế toàn cầu, bao gồm Việt Nam.

Tin bài liên quan