Số người giàu và siêu giàu tăng nhanh làm tăng tương ứng nhu cầu quản lý tài sản và đảm bảo an toàn tài sản.

Số người giàu và siêu giàu tăng nhanh làm tăng tương ứng nhu cầu quản lý tài sản và đảm bảo an toàn tài sản.

Xu hướng quản lý tài sản qua dịch vụ văn phòng gia đình

0:00 / 0:00
0:00
Sự gia tăng mạnh mẽ của nhóm khách hàng giàu và siêu giàu ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang thu hút sự chú ý của các văn phòng gia đình (family office) quốc tế.

Các văn phòng gia đình tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam

PENM Partners, quỹ cổ phần tư nhân tập trung vào Việt Nam có trụ sở tại Đan Mạch, đang tiếp cận các công ty quản lý tài sản của các gia đình và gia tộc kinh doanh lớn trên thế giới cho vòng huy động vốn thứ năm (PENM V).

Trước đây, PENM Partners đảm bảo các cam kết chủ yếu từ các quỹ hưu trí của châu Âu và Mỹ cho các phương tiện trước đây của mình.

Tuy nhiên, theo ông Hans Christian Jacobsen, Giám đốc phụ trách quản lý tại PENM Partners, việc gây quỹ thông qua kênh thông thường này đã trở nên "khó khăn hơn một chút so với trước đây", vì với tình hình nhiều biến động như hiện nay, các nhà đầu tư tổ chức rất thận trọng, trong khi lãi suất tăng.

Ông Jacobsen cho biết, các văn phòng gia đình có thể chấp nhận rủi ro cao hơn và ông đang nhắm đến những văn phòng gia đình chú ý tới thị trường Việt Nam và đa dạng hóa đầu tư ngoài thị trường Trung Quốc.

Có trụ sở tại Đan Mạch và hoạt động tại TP.HCM từ năm 2006, PENM Partners chủ yếu huy động vốn từ các quỹ hưu trí ở Đan Mạch, Hà Lan, Đức và châu Mỹ. Sau đó, quỹ này đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân có nhiều tiềm năng tại Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, thực phẩm, bán lẻ, dịch vụ, rồi giữ cổ phần cho đến khi các công ty này lên sàn chứng khoán.

Ông Jacobsen cho biết, năm ngoái, công ty của ông đã nối lại quy trình gây quỹ cho PENM V, với mục tiêu huy động từ 150 triệu đến 200 triệu USD.

Nhận định về thị trường Việt Nam, ông Jacobsen giữ thái độ lạc quan. “Các yếu tố cơ bản của Việt Nam vẫn rất hứa hẹn. Đây là nơi thích hợp để đầu tư nếu bạn muốn tăng cường hoạt động tại châu Á”, ông Jacobsen nói.

Ông cũng kỳ vọng, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay.

Theo trang tin Dealstreetasia, ABB Merchant Banking, công ty đầu tư tư nhân đặt trụ sở tại Việt Nam, thành viên của Asia Business Builder (ABB) đang tiếp cận với các văn phòng gia đình, bên cạnh các tổ chức tài chính phát triển và các nhà đầu tư khác để phục vụ cho vòng gọi vốn quỹ đầu tư thứ 2, dự tính huy động 100 triệu USD.

ABB dự tính kết thúc đợt gọi vốn trong nửa đầu năm 2023. Trước đó, lần huy động đầu tiên cho quỹ này diễn ra vào năm 2018, với giá trị 20 triệu USD.

Với lần gọi vốn cho quỹ thứ 2, ông Peter Sorensen - đồng sáng lập và đối tác quản lý của ABB cho biết, Công ty sẽ tiếp tục rót vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có doanh thu tốt.

Hầu hết các công ty cổ phần tư nhân trong nước đã huy động được nhiều vốn từ các tổ chức tài chính phát triển như Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO), Norfund có trụ sở tại Na Uy và các tổ chức khác.

Tháng 5/2023, Văn phòng Gia đình Raffles (Raffles Family Office), văn phòng đa gia đình với các dịch vụ quản lý tài sản dành cho giới siêu giàu có trụ sở tại Hồng Kông và Singapore đã thông báo việc đẩy mạnh đầu tư tư nhân tại Đông Nam Á.

Động thái chiến lược này một phần được thúc đẩy bởi những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra và rủi ro pháp lý bắt nguồn từ Trung Quốc, cộng thêm những lo ngại xung quanh việc tăng lãi suất, lạm phát và bóng ma suy thoái.

Theo Nikkei Asia, bà Jo Huang, Giám đốc bộ phận Private Equity của Văn phòng Gia đình Raffles cho biết, Văn phòng đã phân bổ 10 - 15% tài sản được quản lý đặc biệt cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực đầu tư tư nhân.

Bà Huang nhấn mạnh, giá trị của sự linh hoạt về địa lý và ngành được xem như một biện pháp để giảm thiểu rủi ro cho các cam kết đầu tư của Công ty. Đồng thời, bà bày tỏ mong muốn mở rộng phạm vi tiếp cận sang các thị trường khác.

"Chúng tôi đã đầu tư nhiều hơn vào Đông Nam Á và chúng tôi cũng tiếp xúc nhiều hơn với các giao dịch toàn cầu. Năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa sang nhiều thị trường hơn", bà Huang nói.

Theo bà Huang, chiến lược đầu tư được Văn phòng Gia đình Raffles áp dụng đòi hỏi thời gian nắm giữ tương đối ngắn, với ưu tiên xem xét rút lui trong vòng một ngày. "Chúng tôi là nhà đầu tư tăng trưởng, không phải nhà đầu tư mạo hiểm, do vậy chúng tôi tìm cách giảm thiểu rủi ro và sẽ rút vốn khi phù hợp”, bà Huang cho biết.

Giới siêu giàu tại Việt Nam tìm kiếm dịch vụ văn phòng gia đình

Các gia đình giàu hoặc siêu giàu có thể chọn xây dựng văn phòng gia đình nội bộ với đội ngũ chuyên gia hoặc cũng có thể sử dụng các nền tảng và dịch vụ bên ngoài. Văn phòng gia đình cung cấp cấu trúc, quy trình và kiến thức chuyên môn để tối ưu hóa việc quản lý tài sản và đảm bảo việc bảo toàn tài sản của gia đình qua các thế hệ.

- Ông Siew Quan Ng, lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp tư nhân và gia đình châu Á - Thái Bình Dương của PwC Singapore

Giới giàu và siêu giàu tại Việt Nam cũng đang tìm kiếm dịch vụ văn phòng gia đình, trong bối cảnh các dịch vụ này ngày càng phổ biến, đặc biệt ở những trung tâm tài chính quốc tế lớn như Hồng Kông.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện của InvestHK, cơ quan xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hồng Kông cho biết, ông nhận thấy mối quan tâm ngày càng tăng của các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao ở Việt Nam đối với các dịch vụ văn phòng gia đình tại trung tâm tài chính này.

"Chúng tôi kỳ vọng, xu hướng khách hàng giàu và siêu giàu tại Việt Nam tìm kiếm các dịch vụ tư vấn, quản lý tài sản và dịch vụ văn phòng gia đình ở Hồng Kông sẽ ngày càng tăng. Hồng Kông là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, cung cấp nhiều dịch vụ tài chính chuyên nghiệp, đa dạng, khiến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư và những người muốn tiếp cận dịch vụ quản lý tài sản một cách chuyên nghiệp. Ngoài ra, với tư cách là cửa ngõ vào Trung Quốc, Hồng Kông mang đến những cơ hội tuyệt vời cho đầu tư và tăng trưởng vốn, với thị trường vốn lớn và đòi hỏi các văn phòng gia đình đa dạng hóa danh mục đầu tư”, vị đại diện này nói.

Theo Báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đã tăng từ 583 người trong năm 2017 lên 1.059 người vào cuối năm 2022, tức tăng gần gấp đôi trong 5 năm.

Để được tổ chức này xếp vào nhóm người siêu giàu, cá nhân phải sở hữu khối tài sản ròng (đã trừ các khoản vay) từ 30 triệu USD trở lên, bao gồm cả bất động sản mà họ đang sử dụng.

Knight Frank dự báo, đến năm 2027, số người siêu giàu của Việt Nam sẽ gần chạm mốc 1.300 người, tăng thêm 22% so với hiện tại và tương đương mức tăng 122% trong vòng 10 năm.

Cũng theo báo cáo trên, số người giàu tại Việt Nam - những cá nhân có tài sản từ 1 triệu USD trở lên (bao gồm bất động sản đang sử dụng) đã tăng 70% trong 5 năm qua, từ 40.971 người vào năm 2017 lên gần 70.000 người vào năm ngoái. Knight Frank dự báo, Việt Nam sẽ có hơn 112.200 người giàu vào năm 2027, tương đương mức tăng trưởng 173% trong 10 năm.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Siew Quan Ng, lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp tư nhân và gia đình châu Á - Thái Bình Dương của PwC Singapore cho biết, việc thành lập văn phòng gia đình có thể là một nguồn lực quý giá cho các gia đình giàu có ở Việt Nam.

Theo ông Siew Quan Ng, văn phòng gia đình phục vụ như một cơ quan quản lý tài sản giám sát các vấn đề tài chính, đầu tư và tính bền vững lâu dài của tài sản gia đình. Quyết định thành lập văn phòng gia đình phụ thuộc vào sự sẵn sàng của gia đình trong việc chuyên nghiệp hóa các hoạt động quản lý tài sản của họ.

“Các gia đình giàu hoặc siêu giàu có thể chọn xây dựng văn phòng gia đình nội bộ với đội ngũ chuyên gia hoặc cũng có thể sử dụng các nền tảng và dịch vụ bên ngoài. Văn phòng gia đình cung cấp cấu trúc, quy trình và kiến thức chuyên môn để tối ưu hóa việc quản lý tài sản và đảm bảo việc bảo toàn tài sản của gia đình qua các thế hệ”, ông Siew Quan Ng chia sẻ.

Tin bài liên quan