Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chủ tịch Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA)
Cơ hội của khu công nghiệp cam kết phát triển xanh
Thưa ông, đang có những nhận định tích cực về triển vọng của làn sóng FDI thế hệ mới tới Việt Nam. Đây được cho là tín hiệu tích cực trong thị trường bất động sản công nghiệp. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang trở thành điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI nhờ vào chi phí thấp và vị trí chiến lược. Tuy vậy, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên khắt khe hơn trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư trong chiến lược tái cấu trúc và dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ.
Thứ nhất, các nhà đầu tư yêu cầu cơ sở hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng giao thông, liên kết vùng, liên kết khu vực đến chất lượng cung cấp điện, nước và viễn thông…
Thứ hai, họ quan tâm đến chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và các cơ chế khuyến khích khác trong thu hút FDI.
Thứ ba, nguồn nhân lực dồi dào, tay nghề cao và chi phí lao động cạnh tranh cũng là ưu tiên lựa chọn của nhà đầu tư.
Ngoài ra, theo quan sát của chúng tôi, trong làn sóng dịch chuyển này, các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghệ cao, như sản xuất điện tử, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo... xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt, các nhà đầu tư đang quan tâm nhiều đến phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội.
Đây là các tín hiệu tích cực cho sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp, nhưng cũng đặt các khu công nghiệp vào giai đoạn phát triển mới, với yêu cầu cao hơn về nhiều mặt.
Có thể nói, đây là cơ hội cho những khu công nghiệp có cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, phát triển xanh…
Thực tế đang ghi nhận nhiều hơn kế hoạch hành động được xây dựng, thực thi để hiện thực hóa các mục tiêu xanh từ cả chính quyền các địa phương cũng như các nhà đầu tư, thưa ông?
Việc các địa phương và chủ đầu tư tập trung vào phát triển xanh sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả môi trường, doanh nghiệp và cộng đồng.
Trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, xu hướng này đang tạo nên sự thay đổi tích cực và cần thiết. Vì phát triển xanh là điều kiện tiên quyết để các khu công nghiệp thu hút được các nhà đầu tư chất lượng cao, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia có yêu cầu cao và khắt khe về tiêu chuẩn môi trường.
Không những thế, các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên không chỉ nhằm mục tiêu thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, mà chính là giải pháp giảm chi phí vận hành lâu dài cho các doanh nghiệp. Ví dụ, việc sử dụng năng lượng tái tạo hoặc hệ thống quản lý nước thông minh có thể giảm chi phí năng lượng, chi phí trong sử dụng nước sạch và nước thải…
Đặc biệt, phát triển xanh còn mang đến một môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn và thân thiện với môi trường sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu suất làm việc của người lao động…
Vậy, yếu tố nào thúc đẩy các nhà phát triển bất động sản công nghiệp phải xanh hơn, bền vững hơn, thưa ông?
Xã hội ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tạo áp lực cho các doanh nghiệp và các chính phủ phải hành động. Chính vì vậy, phát triển xanh trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà đang và sẽ trở thành các yêu cầu, quy định bắt buộc.
Điều này xuất phát từ nhiều lý do, cả về kinh tế, xã hội lẫn pháp lý. Có thể nhìn thấy hàng loạt quy định ngày càng nghiêm ngặt trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững được cập nhật trên toàn cầu, như tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu về khí thải CO2 và quản lý chất thải…
Việt Nam cũng có nhiều chính sách, cả khuyến khích và bắt buộc, trong thực hiện yêu cầu phát triển xanh, như Luật Bảo vệ môi trường, các chương trình tiết kiệm năng lượng cũng như các tiêu chuẩn xây dựng xanh.
Người tiêu dùng cũng đang thay đổi thói quen, quan tâm hơn đến các sản phẩm và dịch vụ bền vững.
Tất cả những điều này tạo áp lực cho các doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh để duy trì và mở rộng thị trường trong và ngoài nước cũng như để duy trì, phát triển các quan hệ hợp tác với các đối tác toàn cầu.
Theo quan sát của chúng tôi, các doanh nghiệp tiên phong áp dụng các giải pháp phát triển xanh thường có uy tín cao hơn, khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường…
Những doanh nghiệp tiên phong áp dụng các giải pháp phát triển xanh thường là các doanh nghiệp có uy tín, có năng lực cạnh tranh tốt hơn trên thị trường |
Quỹ hỗ trợ phát triển khu công nghiệp xanh
Nền tảng pháp lý trong việc phát triển khu công nghiệp xanh đã có, cụ thể là đã được quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp vẫn cho rằng, việc triển khai chưa thực sự thuận lợi. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
Đúng là quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, liên quan đến các vấn đề về quy hoạch, tài chính cũng như việc nhận thức, năng lực triển khai và cả khung pháp lý.
Đầu tiên là vấn đề về quy hoạch và phát triển hạ tầng. Quy hoạch khu công nghiệp xanh đòi hỏi phải có sự đồng bộ trong việc bố trí hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, khu xử lý nước thải và các công trình phục vụ công nghệ xanh. Thực tế, tính đồng bộ này đang gặp khó khăn do sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan chức năng và sự chồng chéo trong các quy định.
Thứ hai là việc nâng cấp và phát triển hạ tầng xanh, như hệ thống xử lý nước thải, hệ thống năng lượng tái tạo, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất sạch… với các khu công nghiệp hiện hữu cần chi phí đầu tư lớn và thời gian kéo dài.
Thứ ba, phát triển khu công nghiệp xanh đòi hỏi đầu tư lớn vào các công nghệ tiên tiến và hạ tầng bền vững. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể gặp khó khăn trong việc huy động vốn để thực hiện các dự án xanh.
Trong khi đó, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ và khuyến khích chuyển đổi xanh cũng như nguồn tín dụng ưu đãi chưa thực sự hiệu quả và dễ dàng. Các quy trình thủ tục phức tạp và thời gian phê duyệt kéo dài có thể làm nản lòng các nhà đầu tư.
Những vướng mắc này đang cản trở tốc độ phát triển khu công nghiệp xanh ở Việt Nam. Ông có nghĩ như vậy không?
Đó là thực tế cần khắc phục để thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp.
Quan trọng nhất là cần có quy hoạch tổng thể chi tiết cho các khu công nghiệp xanh, bao gồm các tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật, không gian xanh, khu xử lý nước thải và các công trình hỗ trợ khác. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương phối hợp thực hiện, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả.
Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng xanh thông qua hình thức hợp tác công - tư (PPP) và các cơ chế tài chính khác, từ đó tăng tốc kế hoạch nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển các dự án hạ tầng mới, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.
Ngoài ra, cần mở rộng và làm rõ các chính sách ưu đãi về thuế, phí và các hỗ trợ tài chính khác cho dự án bất động sản công nghiệp xanh. Thủ tục xin hỗ trợ tài chính cần được đơn giản hóa, song song với đó là cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả của các chính sách và quy định về phát triển xanh. Các chế tài cũng cần được xây dựng, áp dụng một cách nghiêm minh, đảm bảo tính tuân thủ.
Đặc biệt, Chính phủ có thể nghiên cứu, thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển khu công nghiệp xanh với sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế và các quỹ đầu tư vào các dự án xanh. Các chương trình tín dụng ưu đãi cũng cần được mở rộng để hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư vào công nghệ và hạ tầng xanh.
Quay trở lại sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư toàn cầu. Theo ông, chúng ta cần làm gì để đón cơ hội từ dòng vốn đầu tư mới?
Đầu tiên là cải thiện chất lượng hạ tầng, đầu tư và nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay để cải thiện khả năng kết nối và vận chuyển hàng hóa.
Thứ hai là các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thiết thực, hiệu quả, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và các chi phí liên quan khác…
Thứ ba là cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo sự ổn định của cơ chế, chính sách, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư.
Đặc biệt, chúng ta rất cần cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo trong sản xuất và quản lý, trong nghiên cứu và phát triển công nghệ môi trường…