Vài năm trở lại đây, ngoài việc thông qua các nhà phân phối, bán lẻ chuyên nghiệp, các nhà sản xuất cũng tự xây dựng cho mình hệ thống brandshop riêng, nhằm tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng, trưng bày các sản phẩm theo cách riêng của họ.
Mới đây nhất, Tập đoàn Sunhouse, chuyên sản xuất và kinh doanh đồ gia dụng đã chi 500 triệu đồng để mở brandshop đầu tiên của mình với diện tích 60 m2 tại Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội).
Vị trí và thiết kế của brand shop, cũng như tất cả các cửa hàng nằm trong hệ thống Sunhouse đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe chung của Công ty. Đảm bảo cách thức trưng bày khoa học hợp lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để khách hàng trải nghiệm sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hàng.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse lý giải, Công ty chấp nhận chi tiền để mở brandshop nhằm hỗ trợ các đại lý là khách hàng thân thiết của Sunhouse trong nhiều năm. Động thái trên của Sunhouse cho thấy, dù thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm - gia dụng, mặt hàng thiết yếu Sunhouse cũng không tránh khỏi khó khăn khi kinh tế đi xuống.
Đặc biệt, nhu cầu của người tiêu dùng thời gian tới sẽ cắt giảm chi tiêu, hướng tới những dòng hàng thiết yếu có giá trị cao, giá tốt, chất lượng tốt. Do đó, cùng với việc thiết lập hệ thống brandshop, Sunhouse tập trung nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm giá thành tốt, chất lượng cao.
Trước đó, Fagor Electrodomésticos, tập đoàn đa quốc gia về thiết bị gia dụng lớn nhất Tây Ban Nha, cũng nhanh chóng chiếm được thị phần về thiết bị nhà bếp cao cấp trên thị trường Việt Nam.
Cuối năm 2010, Công ty BestHome Việt Nam được chọn là nhà phân phối chính thức của Fagor có trụ sở tại 228 - Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội). Với mục tiêu phát triển mở rộng thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, Fagor đã kết hợp với Besthome xây dựng thành công mô hình brandshop đầu tiên tại Hà Nội.
Mô hình brandshop - hỗ trợ đại lý đang được nhiều doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và quen thuộc với người tiêu dùng khắp thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây vẫn là một xu thế mới và lần lượt các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ, điện tử, tiêu dùng như Samsung, LG, Sony… áp dụng vài năm trở lại đây.
Việc các nhà sản xuất đang cạnh tranh nhau khốc liệt bằng cách nhân rộng hệ thống brandshop sẽ giúp người tiêu dùng tránh gặp phải hàng giả, hàng nhái.
Trở lại với Sunhouse, việc nhân giống địa điểm đối với nhà sản xuất này không dễ, bởi một số đối thủ cạnh tranh trong ngành đi trước đã chiếm hầu hết các vị trí “vàng”.
Song là thương hiệu đã có uy tín trên thị trường sân nhà, nên việc phát triển mô hình này có phần dễ dàng hơn. Trong thời gian tới, Sunhouse sẽ nghiên cứu kỹ thị trường và mở thêm các bandshop khác ở Hà Nội và khu vực lân cận.
Nếu không tranh thủ tìm cơ hội, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu như Sunhouse khó giữ được thị phần khi các đối thủ trong khu vực ồ ạt tấn công thị trường Việt Nam khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập vào năm 2015, đặc biệt là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
“Chưa nói đến thị trường xuất khẩu cạnh tranh với các nước trong khối TPP, ít nhất cũng phải giữ được miếng bánh thị phần của mình ngay tại thị trường trong nước”, ông Phú cho biết.