Xu hướng M&A bất động sản của khối ngoại: Tạo lập thị trường ở xa trung tâm

Xu hướng M&A bất động sản của khối ngoại: Tạo lập thị trường ở xa trung tâm

(ĐTCK) Với đà hồi phục của thị trường bất động sản hiện nay, giới phân tích cho rằng, M&A trong lĩnh vực này sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2017 và kéo sang 2018. Tuy nhiên, xu hướng sẽ chuyển dần sang M&A dự án có quỹ đất sạch, xa khu trung tâm...

Sôi động M&A bất động sản

Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn nước ngoài nhờ nền kinh tế tăng trưởng nhanh, chính sách khuyến khích đầu tư rộng mở… Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong nửa đầu năm 2017, Việt Nam đã thu hút khoảng 19,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nổi lên là các giao dịch của nhà đầu tư ngoại thông qua các hoạt động M&A.

Tháng 6 vừa qua, thị trường chứng kiến 2 thương vụ M&A đáng chú ý là CTCP Tập đoàn Đầu tư P.H (P.H Group) nhận chuyển nhượng Khách sạn Future Otis Hotel (Nha Trang) và Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) chuyển nhượng dự án Diamond Rice Flower Complex giá trị 1.500 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Mặt Trời (Growing Sun).

Trước đó, tháng 5/2017, nhiều khu đất tại TP.HCM cũng được “sang tên, đổi chủ”. Chẳng hạn, dự án Saigon One Tower được Saigon M&C RE Joint chuyển nhượng cho Alpha King Real Eslate
Development; dự án Thủ Thiêm New Urban Area Project được CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) chuyển nhượng cho Hongkong Land; Vinaland JV Thăng Long GTC chuyển nhượng dự án Hanoi Times Square tại Hà Nội cho Elite Capital Resources Limited…

Phân tích thị trường M&A diễn ra trong thời gian vừa qua, Công ty Nghiên cứu tư vấn JLL cho biết, hiện có hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài đang chờ để đổ vào thị trường trong nước. Sự quan tâm của họ ở hầu hết các phân khúc như nhà ở, văn phòng, khách sạn, khu công nghiệp…

“Thời gian qua, trong khi phân khúc nhà ở bình dân thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước, thì khách sạn là phân khúc thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại. Bên cạnh đó, phân khúc khu công nghiệp cũng có sự tăng trưởng tốt… Dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp diễn thời gian tới”, Báo cáo của JLL nêu rõ.

Hướng đến quỹ đất xa trung tâm

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam cho biết, nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua tập trung vào các dự án bất động sản có tỷ suất lợi nhuận vừa phải tại các thành phố lớn.

“Trước đây, nhà đầu tư ngoại thường tìm đến các dòng sản phẩm bất động sản tại khu trung tâm. Nhưng nay đã quan tâm nhiều hơn đến các dự án bất động sản có quỹ đất sạch, hoặc mua lại dự án hay liên doanh với doanh nghiệp có đất”, bà Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, một xu hướng M&A mới nổi lên của khối ngoại là hướng đến các dự án có quỹ đất ở xa trung tâm nhằm tạo lập thị trường mới.

Xu hướng M&A bất động sản của khối ngoại: Tạo lập thị trường ở xa trung tâm ảnh 1

“Tại Hà Nội, dự án Ecopark nhận được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư ngoại. Đây là mô hình dự án mà họ có nhiều kinh nghiệm và đã được triển khai thành công ở quốc gia họ”, bà Hằng chia sẻ và cho biết, nhà đầu tư ngoại muốn áp dụng dự án bất động sản nhiều không gian xanh, sạch, đầy đủ tiện ích tại thị trường Hà Nội, khi mà dân cư đang tập trung nhiều ở khu vực trung tâm hơn so với ở xa thành phố. Bằng hạ tầng đang dần hoàn thiện như các tuyến metro, các tuyến đường vành đanh mở rộng, nếu nhà đầu tư tạo lập thị trường ở khu vực xa hơn, chất lượng hơn thì có thể trong tương lai họ có những dự án không phải bỏ nhiều chi phí quảng cáo, khách hàng tự tìm đến họ.

“Trong tương lai không xa, việc giải ngân cũng sẽ gia tăng bởi quỹ đất ở trong trung tâm đã cạn kiệt, trong khi quỹ đất ngoài trung tâm vẫn còn nhiều. Để xóa bỏ quan ngại về việc cần thiết có được sự khác biệt khi làm dự án ở khu rìa trung tâm, chủ đầu tư muốn tạo ra một sản phẩm có nhiều tiện ích, đủ sức kéo khách hàng về với mình”, bà Hằng cho hay.

Hiện nay các nhà đầu tư khi thực hiện dự án không chỉ quan tâm mỗi đến cảnh quan, hạ tầng, mà còn chú trọng vào các tiện ích đi kèm như trường học, bệnh viện, công viên…, để cư dân dù sống ở khu vực xa trung tâm vẫn có thể yên tâm về các dịch vụ thiết yếu.

“Tạo lập thị trường mới, không gian sống đầy đủ tiện ích là cách mà nhà đầu tư ngoại đang quan tâm thực hiện tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là xu hướng nổi bật trên thị trường M&A bất động sản vừa qua và còn tiếp diễn trong thời gian tới. Hoạt động M&A diễn ra sôi nổi với quy mô đa dạng là một minh chứng cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam đang giữ vững đà tăng trưởng”, đại diện Savills nhấn mạnh. 

Diễn đàn thường niên mua bán, sáp nhập doanh nghiệp năm 2017 (M&A Việt Nam 2017) được Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào thứ Năm, ngày 10/8/2017 tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM). Đây là sự kiện thường niên có quy mô lớn thu hút sự quan tâm của các cơ quan Chính phủ, đông đảo các chuyên gia hàng đầu và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ Diễn đàn M&A 2017 với chủ đề "Tìm bước đột phá - Seeking a big push", Báo Đầu tư sẽ xuất bản Đặc san “Toàn cảnh thị trường Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2017 - Vietnam M&A Outlook 2017”. Đặc san được xuất bản bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh, phát hành rộng rãi qua các kênh phát hành của Báo Đầu tư ở trong nước và nước ngoài và là tài liệu chính thức của Diễn đàn M&A Việt Nam 2017.

Tin bài liên quan