Dòng tiền có dấu hiệu quay lại nhóm vốn hóa lớn
Trong tuần qua, VN-Index tăng 2%, đóng cửa tại 1.124,44 điểm. Thanh khoản cũng có sự cải thiện đáng kể, với khối lượng giao dịch bình quân hơn 4,6 tỷ cổ phiếu khớp lệnh trên HOSE, tương ứng với giá trị hơn 16.000 tỷ đồng. Sự cải thiện về mặt thanh khoản và diễn biến giá cho thấy xu hướng giá tích cực hơn, sau khi VN-Index vượt qua vùng 1.080 - 1.100 điểm.
Đáng chú ý, dòng tiền có dấu hiệu chốt lời ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ để quay lại nhóm vốn hóa lớn thuộc VN30 và VN100. Trong các cổ phiếu đóng góp nhiều vào mức tăng của VN-Index xuất hiện không ít gương mặt mới như BID, BCM, HPG, TCB, MSN. Trong giai đoạn trước, tháng 9 - 10/2023, nhóm VN30 bị bán mạnh nhất so với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng, lên đến 3.500 tỷ đồng, tập trung vào các mã cổ phiếu VHM, VND, STB và chứng chỉ quỹ FUEVFVND.
Về yếu tố kỹ thuật, VN-Index đang dao động trong vùng 1.100 - 1.130 điểm, là vùng đỉnh ngắn hạn gần nhất và hợp lưu của EMA 200 ngày. Áp lực chốt lời theo đó có thể xuất hiện trong các phiên chỉ số kiểm nghiệm lại ngưỡng 1.130 điểm.
Xu hướng nhiều khả năng sẽ được xác nhận khi VN-Index vượt qua mốc 1.130 điểm. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng cần duy trì sự cẩn trọng, khi tuần giao dịch mới có nhiều sự kiện kinh tế lớn của thế giới như dữ liệu CPI và cuộc họp FOMC quyết định lãi suất của Fed.
Bức tranh tín dụng 2023 và vai trò của Thông tư 02
Từ đầu năm 2023 đến nay, mặt bằng lãi suất giảm dần khi Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng. Bức tranh tín dụng tại Việt Nam có thể được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Từ đầu năm đến hết quý III. Giai đoạn này, tín dụng tăng trưởng chậm, chỉ đạt 5,6%, cách xa mục tiêu 14 - 15% cả năm. Nguyên nhân chính đến từ tình hình vĩ mô không thuận lợi, tăng trưởng kinh tế thấp, xuất khẩu thu hẹp và các doanh nghiệp không có nhiều nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, các quy định về cho vay được siết chặt đối với các nhóm ngành bị cho là rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, vốn có nhu cầu vay lớn, khiến dòng vốn tắc nghẽn, dù lãi suất giảm.
Giai đoạn 2: Từ tháng 10 đến nay. Tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này được cải thiện, đạt 7,5% tính đến cuối tháng 11, bởi chính sách từ phía Ngân hàng Nhà nước có phần “thoáng” hơn, kinh tế có dấu hiệu tích cực như thương mại phục hồi, đầu tư công được đẩy mạnh, dòng vốn FDI gia tăng theo xu hướng dịch chuyển của chuỗi giá trị toàn cầu.
Với việc lạm phát, tỷ giá đang được kiểm soát tốt, Ngân hàng Nhà nước có cơ sở để duy trì mức lãi suất điều hành thấp, theo đuổi mục tiêu kích thích kinh tế thông qua nới lỏng chính sách tiền tệ trong giai đoạn cuối 2023 và năm 2024.
Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô ngày 7/12 là yếu tố tích cực đối với vấn đề tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế dần phục hồi, tín dụng tăng trưởng tích cực sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân…
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Việc Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kéo dài thời hạn của Thông tư 02 là thông tin tích cực đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại, giúp các ngân hàng giảm bớt áp lực về nợ xấu và gia tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng, tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng tiếp tục được cải thiện trong giai đoạn tới. Theo đó, cổ phiếu ngân hàng sẽ dần hấp dẫn hơn.