Xu hướng ESG ngày càng bao trùm

Xu hướng ESG ngày càng bao trùm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc đưa hàng triệu người chưa tiếp cận ngân hàng vào hệ thống tài chính chính thức, mở ra cơ hội tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Việt Nam đang hướng tới các mục tiêu trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Theo đó, mọi người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, chi phí hợp lý do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm. Để thực hiện thành công các mục tiêu này, cần có sự tham gia, vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Lào và Campuchia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi số an toàn, bảo mật để thúc đẩy minh bạch trong dữ liệu tài chính, từ đó mở ra nhiều cơ hội tiếp cận tài chính hơn cho mọi người, đặc biệt là các cộng đồng dễ tổn thương như các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Theo bà Winnie Wong, nhờ những nỗ lực chung của Chính phủ, các tổ chức tài chính cùng các công ty công nghệ tài chính, khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính ở Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng, giúp cá nhân và doanh nghiệp nhỏ tham gia đầy đủ hơn vào nền kinh tế. Bằng cách tận dụng công nghệ và các sản phẩm tài chính sáng tạo, Việt Nam có tiềm năng đưa hàng triệu người chưa được tiếp cận ngân hàng và dịch vụ tài chính vào hệ thống tài chính chính thức, mở ra những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Trong ngành bao bì, triển khai ESG đã trở thành đòi hỏi sống còn. Theo bà Võ Xuân Minh Kha, Giám đốc SIG Việt Nam, ngành bao bì Việt Nam hiện đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và dự kiến sẽ tăng trưởng từ 15 - 20% mỗi năm trong những năm tới. Số liệu do Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc công bố cũng cho thấy, quy mô thị trường bao bì giấy Việt Nam ước tính đạt 2,6 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 4,14 tỷ USD vào năm 2029. Động lực tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước, sự phát triển của thương mại điện tử và xuất khẩu, giúp Việt Nam có vị thế quan trọng trên thị trường bao bì toàn cầu.

Hơn nữa, nhận thức ngày càng tăng về tác động của rác thải nhựa tới môi trường cũng góp phần thúc đẩy tiềm năng của ngành bao bì. Các sáng kiến của Chính phủ tập trung vào tính bền vững đang tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của ngành. Quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) của Việt Nam yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu phải thu gom, xử lý và tái chế các sản phẩm và bao bì sau khi tiêu dùng, điều này tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự đổi mới và phát triển.

Hiện SIG Việt Nam ưu tiên phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng các vật liệu có thể tái chế dễ dàng trong sản xuất bao bì các-ton của mình.

Chiến lược của SIG về bao bì bền vững bao gồm tất cả bao bì đều được làm từ giấy bìa có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng và được sản xuất bằng 100% năng lượng tái tạo. SIG là công ty đầu tiên trong ngành đạt được mục tiêu sản xuất trung hòa các-bon.

Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), trong xu thế toàn cầu đang chuyển hướng sang phát triển bền vững và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái tích cực đón nhận các mục tiêu liên quan đến ESG. Dù vậy, vai trò và hành động của mỗi doanh nghiệp mới là quan trọng. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi doanh nghiệp phải có những nhìn nhận đúng đắn về ESG cũng như chủ động hơn trên hành trình này.

Tin bài liên quan