Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Xu hướng doanh nghiệp offshore niêm yết trên sàn quốc tế

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Tại các sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu quốc tế như Luân Đôn, Hồng Kông…, ngày càng nhiều các công ty offshore được niêm yết. Điều gì đã tạo ra xu hướng này?

Cơ hội từ những thay đổi trong quy định

Khái niệm công ty offshore – các doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính thành lập và hoạt động tại những khu vực ưu đãi thuế, thường nhằm mục đích: bảo toàn tài sản, tăng cường bảo mật hoặc phát triển mở rộng các thị trường quốc tế.

Mặc dù có rất nhiều khu vực đưa ra các chính sách thuế và các ưu đãi hấp dẫn, chỉ một vài nơi có sự tín nhiệm và danh tiếng dựa trên nền tảng luật định chặt chẽ và được xem như là trung tâm tài chính offshore (OFC) như British Virgin Islands (BVI), Cayman Islands, Bermuda…

Những cái tên này tuy không quá phổ biến nhưng thực ra luôn nằm trong Top 20 quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Các quy định pháp lý gần đây đã có nhiều thay đổi đáng kể, góp phần tăng cường sự minh bạch và giúp củng cố uy tín cho những doanh nghiệp tại khu vực này.

Một thay đổi điển hình là việc ban hành luật về Bản chất Kinh tế (Economic Substance) ở nhiều trung tâm tài chính offshore sau khi bộ quy tắc ứng xử về thuế doanh nghiệp được Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) công bố vào năm 2017.

Nhờ ban hành kịp thời và giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện quy định bản chất kinh tế, cả Cayman Islands và BVI đã được EU đánh giá cao các cam kết và không còn bị liệt kê vào danh sách đen (không hợp tác cho mục đích thuế với EU).

Vươn xa hơn trên thị trường quốc tế

Những thay đổi pháp lý tích cực như thế đã giúp nhà đầu tư vững tin về cơ hội đầu tư tại các khu vực offshore.

Tại châu Mỹ, chỉ xét riêng hai sàn giao dịch lớn nhất là New York (NYSE) và NASDAQ đã có trên 200 doanh nghiệp offshore niêm yết với tổng giá trị vốn hóa hơn 2.000 tỷ USD. Bên bờ châu Âu, tại Sàn Giao dịch chứng khoán Luân Đôn (LSE) ghi nhận giao dịch của hơn 350 công ty từ các trung tâm tài chính offshore với tổng giá trị vốn hóa khoảng trên 600 tỷ USD.

Tại sàn chứng khoán Hồng Kông (HKEX), sàn giao dịch lớn thứ 4 trên thế giới, có trên 1.500 doanh nghiệp offshore đăng ký niêm yết, đạt mức giá trị vốn hóa xấp xỉ gần 2.700 tỷ USD. Thị trường Singapore cũng ghi nhận niêm yết từ hơn 70 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn hóa khoảng 129 tỷ USD.

Sàn HKEX cũng là một trong những nơi được các doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trên con đường niêm yết trên sàn quốc tế “chọn mặt gửi vàng” trong thời gian đầu. Điểm thú vị là số doanh nghiệp offshore niêm yết trên HKEX vượt qua số lượng các doanh nghiệp Hồng Kông.

Do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau bao gồm quy định về đầu tư, quy mô doanh nghiệp (doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đại đa số trong nền kinh tế Việt Nam) hay chưa sẵn sàng của doanh nghiệp… nên số lượng công ty Việt Nam niêm yết ở thị trường chứng khoán quốc tế không nhiều.

Việc xây dựng cơ cấu công ty offshore phù hợp sẽ đóng góp tích cực cho hành trình niêm yết ở các sàn giao dịch chứng khoán lớn như NYSE, HKEX hay LSE. Khi sử dụng mô hình công ty offshore, cần cân nhắc yếu tố loại hình hoạt động.

Thông thường, nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đầu tư, holding (quản lý vốn dưới dạng công ty hay cá nhân) là những cấu trúc được ưa chuộng nhất do linh hoạt về cơ cấu cũng như đơn giản trong quy trình. Với đặc trưng ưu đãi thuế và cho mục đích bảo toàn tài sản là những điểm thuận lợi nổi bật của doanh nghiệp offshore.

Tuy nhiên, cần lưu ý tuân thủ các quy định về đầu tư của Việt Nam cũng như các yêu cầu của khu vực pháp lý là cần thiết cho bất cứ hình thức đầu tư nào.

Để đáp ứng nhu cầu gia tăng của doanh nghiệp offshore và các yêu cầu ngày càng phức tạp về cấu trúc vốn, hạ tầng tài chính tại đây phát triển với rất nhiều sự lựa chọn cho dịch vụ ngân hàng, kiểm toán, tư vấn pháp lý..., Grant Thornton với quy mô toàn cầu hỗ trợ kết nối và tư vấn chuyên sâu tại từng khu vực pháp lý trong hệ sinh thái tài chính năng động này.

Tin bài liên quan