Dự báo, có thể chỉ còn khoảng 30 CTCK trụ vững trong giai đoạn tới

Dự báo, có thể chỉ còn khoảng 30 CTCK trụ vững trong giai đoạn tới

Xu hướng đào thải sẽ diễn ra nhanh hơn trong ngành chứng khoán

(ĐTCK) “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cuộc thanh lọc trong ngành chứng khoán đã diễn ra quyết liệt trong những năm qua, khi TTCK trầm lắng. Sau giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, nhiều CTCK nhỏ, yếu kém đã chấp nhận giải thể hoặc sáp nhập vào CTCK khác, số lượng CTCK giảm khoảng 1/4, từ trên 100 công ty đến nay chỉ còn 81 công ty. Xu hướng đào thải dự báo tiếp tục diễn ra nhanh hơn.

Khi các quy định mới đối với khối CTCK được ban hành như điều kiện cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trong ngày, điều kiện tham gia TTCK phái sinh…, thì quá trình đào thải các CTCK yếu kém sẽ diễn ra nhanh hơn.

Chẳng hạn, theo dự thảo mới nhất Thông tư hướng dẫn về giao dịch chứng khoán, để được cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trong ngày, CTCK phải đạt tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất.

Hiện tại, nhiều CTCK không đáp ứng được yêu cầu này. Dự báo, trên thị trường có thể chỉ còn khoảng 30 CTCK trụ vững trong giai đoạn tới. Đây là những công ty có doanh thu, có dòng tiền về, phân biệt với một số công ty vẫn còn nguồn tiền, nhưng hầu như không có hoạt động và dòng tiền âm.

Dự báo trên có vẻ mạnh bạo, nhưng rất có thể sẽ sớm trở thành hiện thực, dù hoạt động của khối CTCK hiện tại được cơ quan quản lý đánh giá là “chắc tay” hơn, nhiều CTCK trụ lại được qua giai đoạn khó khăn, củng cố năng lực tài chính, có lãi trở lại sau thời gian dài thua lỗ nhờ nỗ lực tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị. Đặc biệt, các cơ quan quản lý đã hoàn thiện dần hàng lang pháp lý cho hoạt động lành mạnh, bền vững của khối CTCK, như quy định về tách bạch tài khoản giữa CTCK và NĐT, chỉ tiêu an toàn tài chính, quy định về margin…

Sau giai đoạn “trăm hoa đua nở” của các CTCK giai đoạn 2006 - 2007, thứ bậc của các công ty ngày càng được NĐT quan tâm hơn, trong đó thị phần môi giới thường được nhắc đến nhiều nhất. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, thứ bậc trong thị phần môi giới hiện chưa phản ánh thực chất xếp hạng chất lượng hoạt động của các CTCK.

Bởi lẽ, khi lựa chọn CTCK, nhiều khách hàng chủ yếu nhìn vào mức vốn, khả năng cho vay ký quỹ của các công ty, mà ít coi trọng các yếu tố như năng lực phân tích, cung cấp thông tin, tư vấn… Không ít khách hàng chọn những CTCK “phá rào” cho vay vượt quy định, dù điều này tạo ra rủi ro cao cho chính bản thân khách hàng.

Một đặc điểm khá đặc trưng của các CTCK Việt Nam hiện nay là thực hiện cùng lúc nhiều nghiệp vụ: môi giới, tư vấn, tự doanh. Trong khi đó, trên thế giới, CTCK đa phần chỉ cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán, còn nghiệp vụ tự doanh thuộc về các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư; nghiệp vụ tư vấn do các công ty chuyên về tư vấn thực hiện. Vì vậy, để đưa ra thứ bậc của các CTCK trên thị trường, thiết nghĩ, cần nhiều hơn tiêu chí (chẳng hạn hệ số ROE), điều kiện, thay vì chỉ nhìn vào bảng xếp hạng thị phần môi giới.

Một điểm yếu của ngành chứng khoán Việt là thiếu tính liên kết, hợp tác giữa các CTCK, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và chính điều này “tạo đất” để không ít khách hàng có cơ hội “ép” lại CTCK.

Để đánh giá chất lượng hoạt động, uy tín của các CTCK, một số tiêu chí quan trọng khác là khả năng quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, minh bạch. Nếu không đề cao những tiêu chí này, thị trường sẽ cạnh tranh thiếu minh bạch và hệ lụy là những CTCK tuân thủ pháp luật, minh bạch lại khó phát triển, còn khách hàng có thể phải chịu rủi ro.

Để đưa ra được đánh giá đầy đủ và toàn diện về thứ bậc của các CTCK, cơ quan quản lý nên chăng có thang điểm cụ thể, trong đó phân bổ tỷ lệ tính điểm hợp lý cho từng nghiệp vụ, những công ty đạt điểm tổng cộng cao nhất sẽ là những CTCK có thứ hạng cao trên thị trường. Đây không chỉ thước đo giúp khách hàng nhìn nhận được đâu là CTCK tốt, mà cổ đông của CTCK cũng có thể đánh giá được phần vốn mình góp vào được vận hành và quản lý hiệu quả hay không.

Đáng lưu ý, một điểm yếu của ngành chứng khoán Việt là thiếu tính liên kết, hợp tác giữa các CTCK, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và chính điều này “tạo đất” để không ít khách hàng có cơ hội “ép” lại CTCK. Lấy chuyện phí môi giới làm ví dụ, Bộ Tài chính đã ban hành quy định khung phí môi giới cho hoạt động mua bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là từ 0,15 - 0,5% giá trị giao dịch.

Trên thực tế, do cạnh tranh lẫn nhau nên mức phí môi giới thực thu của nhiều CTCK hạ xuống mức sàn, đồng thời trích hoa hồng môi giới và các loại hoa hồng phí khác, dẫn đến doanh thu từ phí môi giới không đủ bù chi. Các công ty này phải lấy doanh thu từ hoạt động cho vay margin để bù đắp lại, trong khi rủi ro từ việc cho vay khá cao, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn.

Dù vẫn còn những tồn tại và khiếm khuyết, nhưng triển vọng phát triển của các CTCK trong giai đoạn tới là rất lớn. Nền kinh tế dự báo tiếp tục ổn định và phục hồi, cùng với tiến trình cổ phần hóa DNNN đang được tiến hành mạnh mẽ, chủ trương gắn cổ phần hóa với niêm yết… sẽ góp phần tăng nguồn cung hàng hóa chất lượng và quy mô trên thị trường, kéo theo nhiều NĐT lớn vào Việt Nam.

Vấn đề là các thành viên thị trường có theo kịp và đáp ứng được sự bùng nổ (nếu có) hay không. Việc chuẩn bị các kịch bản ứng phó tốt nhất để tận dụng tối đa cơ hội là việc làm cần thiết của các CTCK lúc này.

Tin bài liên quan