LTS: “Chỉnh trang và phát triển đô thị” là chương trình đột phá mới trong 7 chương trình đột phá mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. HCM khóa X đưa ra.
Mục tiêu của chương trình là tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ công; tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh; phù hợp với sự phát triển chung của đô thị đặc biệt; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nhân văn, trong đó vai trò của các doanh nghiệp bất động sản được Thành phố xác định là khá quan trọng.
Đầu tư Bất động sản giới thiệu bài viết của bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation, người có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết xây dựng những công trình xanh hiện nay.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation
Thế nào là công trình xanh?
Thời gian qua, các vấn đề về biến đổi khí hậu do thiếu hụt mảng xanh nghiêm trọng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt là các đợt mưa lớn vừa qua đã khiến cho tình trạng giao thông, hệ thống thoát nước của TP. HCM trở nên quá tải. Theo số liệu thống kê năm 2015, tỷ lệ cây xanh tại Singapore là 30,3 m2/người, Seoul (Hàn Quốc) 41 m2/người, Berlin (Đức) 50 m2/người, Paris (Pháp) 25 m2/người. Theo quy hoạch chung của TP. HCM đến năm 2015, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người trong nội thành hiện hữu là 2,4 m2/người, nội thành phát triển mới là 7,1 m2/người, ngoại thành 12 m2/người. Trong khi đó, thực tế tại Hà Nộ là 3,02 m2/người và tại TP. HCM là chưa đến 1 m2/người.
“Môi trường xanh”, “giải pháp kiến trúc xanh”, “công trình xanh”, hay “kiến trúc bền vững” đã dần được biết đến như sự lựa chọn tất yếu để ứng phó với hiện trạng bê tông hoá đô thị ngày nay. Công trình xanh - kiến trúc xanh là một trong những giải pháp để thích ứng với việc biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính, giải quyết đáng kể các vấn đề liên quan đến môi trường sống của cư dân tại khu vực. Vậy đâu là những tiêu chí để xác định bất động sản xanh?
Công trình xanh được thiết kế, xây dựng và vận hành trong cả vòng đời theo hướng sử dụng tài nguyên hiệu quả, đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng, giảm tác động đến môi trường, đem lại lợi ích kinh tế lâu dài. Tất cả các yếu tố trên phải định lượng được.
Theo tài liệu của GreenViet, năm 2010 - 2011 chỉ có 2 công trình xanh tại Việt Nam, thì tới năm 2012 - 2013 đã tăng lên 15 công trình và đến năm 2016 - 2017 dự kiến sẽ có hơn 42 công trình dự án được cấp giấy chứng nhận công trình xanh.
Thực tế cho thấy, các công trình xanh tại Việt Nam hiện đang tập trung đa phần vào ngành công nghiệp (các nhà máy) với 15/42 dự án, kế đến là các dự án văn phòng 10/42 dự án. Các dự án khu dân cư, căn hộ, trung tâm thương mại hay trường học đều ở con số rất khiêm tốn với 5-6/42 dự án.
Điều đáng lưu ý hiện nay chính là sự phát triển nhanh về số lượng, cũng như chất lượng của các công trình xanh tại Việt Nam. Tuy số lượng công trình xanh hiện nay tại Việt Nam không phải là con số to lớn, nhưng khi nhìn vào tốc độ gia tăng, chúng ta có thể nhận thấy rằng, sự vận động, đóng góp của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) thông qua các hệ thống đánh giá chuẩn mực, là không hề nhỏ. Trên thế giới đã có hơn 30 nước có hệ thống đánh giá công trình xanh như USGBC (Mỹ), Bream (Anh), DGNB (Đức), HQE (Pháp), BCA Green Mark (Singapore), Lotus (Việt Nam)… Trong đó, hệ thống đánh giá LEED của USGBC (Mỹ) là hệ thống thông dụng nhất, được hơn 150 quốc gia áp dụng.
Tìm hiểu về hệ thống đánh giá LEED và Lotus
Tại Việt Nam, có 3 hệ thống đánh giá công trình xanh đã được đưa vào sử dụng là LEED, Lotus và BCA Green Mark. Trong đó, hệ thống LEED đươc xem là tiêu chuẩn có những yêu cầu khắt khe nhất. Được biết, để một công trình đạt chứng nhận LEED, tổ chức USGBC (US Green Building Council) sẽ xem xét và cho điểm các hạng mục sau là vật liệu, tài nguyên sử dụng phải là vật liệu tái sử dụng, thân thiện môi trường, vật liệu địa phương có nguồn gốc gia công sản xuất; Chất lượng môi trường không khí trong nhà (thông gió, quản lý chất lượng không khí trong công trình, sự thoải mái về nhiệt, ánh sáng ban ngày và tầm nhìn); Thiết kế đổi mới mang tính ứng dụng cao; Giảm tiêu thụ điện năng (khi công trình giảm tiêu thụ năng lượng, khí thải nhà kính cũng được giảm theo, tác động mạnh đến việc bảo vệ môi trường); Sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm; Kết nối giao thông công cộng; Địa điểm bền vững.
Công trình đạt được từ 40 - 49 điểm sẽ đạt được chứng nhận LEED Xanh, 50-59 điểm sẽ đạt chứng nhận LEED Bạc, 60-79 điểm đạt chứng nhận LEED Vàng, trên 80 điểm là chứng nhận LEED Bạch Kim.
Bà Melissa Merry Weather, Giám đốc Công ty Green Consult - Asia , Chủ tịch VGBC, đơn vị tư vấn công trình đạt tiêu chuẩn LEED cho biết, chứng chỉ LEED của Mỹ được công nhận trên toàn cầu là một chứng nhận cao cấp về công trình xanh, được thẩm định cho những dự án kiến trúc từ khâu thiết kế, xây dựng và vận hành, hướng đến việc cải thiện hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả thoát nước, giảm lượng khí thải CO2.
Hiện nay, chỉ có số ít người dân Việt Nam hiểu về công trình xanh và lợi ích của nó. Đa phần chỉ cần đáp ứng nhu cầu chỗ ở. Các điều kiện còn lại như môi trường, không khí, giao thông... vẫn bị bỏ ngỏ.
“Tuy công trình xanh là một xu thế mạnh trên thế giới, nhưng đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, thì đây vẫn còn rất mới... Tuy nhiên, giờ đây chúng ta biết rằng, công trình xanh có thể được thực hiện ở Việt Nam, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên. Đó chính là sự cộng hưởng cùng tham gia trong sự phát triển công trình xanh của các nhà đầu tư, các ngành xây dựng”, bà Weather đánh giá và cho biết, hiện nay, trên thế giới, có hơn 150 quốc gia áp dụng tiêu chuẩn xanh LEED trong xây dựng, trong đó riêng tại Mỹ có tới 60.000 công trình. Từ năm 2000, tiêu chí này được công nhận trên toàn thế giới trong việc xây dựng nhà cao tầng.
Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam vẫn đang sử dụng hệ thống đánh giá Lotus - một hệ thống đánh giá mang tính tự nguyện theo định hướng thị trường do VGBC xây dựng riêng cho môi trường xây dựng của Việt Nam.
Hệ thống đánh giá Lotus cũng có 4 cấp độ là Lotus Xanh (40%), Lotus Bạc (55%), Lotus Vàng (65% ) và Lotus Bạch Kim (75%). Lotus được tập trung phát triển phù hợp dựa trên các nguyên tắc chung của các hệ thống đánh giá công trình xanh khác, đánh giá dựa trên các tiêu chí như sử dụng năng lượng và nước hiệu quả, nguyên vật liệu bền vững, giảm chất thải và ô nhiễm, tăng cường sức khỏe và tiện nghi, phát triển cộng đồng.
Lợi ích của công trình xanh
Khi đáp ứng các tiêu chí quan trọng của công trình xanh, cộng đồng cư dân tại dự án sẽ được thụ hưởng những lợi ích như tăng 3 - 5% năng suất lao động của người sử dụng công trình; giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe người sử dụng; giảm 30 - 50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo, qua đó giảm phát thải khí nhà kính; giảm 10 - 15% chi phí vận hành và bảo dưỡng; tăng giá trị, sự bền vững và tuổi thọ công trình.
Mặt khác, các công trình xanh khi vận hành cũng góp phần không nhỏ đối với quá trình phát triển đô thị như giảm thiểu tác động xã hội, tạo lập môi trường sống bền vững, thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc, quảng bá hình ảnh đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế du lịch.
Những thách thức và giải pháp của công trình xanh
Với chủ đầu tư, để phát triển công trình xanh, các chủ đầu tư đối mặt với không ít thách thức như chi phí đầu tư ban đầu; thời gian đầu tư và các thủ tục, pháp lý phức tạp hơn các dự án thông thường; cơ chế chính sách hiện nay chưa khuyến khích chủ đầu tư phát triển công trình xanh; thị trường đầu vào cũng như đầu ra chưa có đủ thông tin về sản phẩm mới mẻ này.
Hiện nay, chỉ có số ít người dân Việt Nam hiểu về công trình xanh và lợi ích của nó. Đa phần chỉ cần đáp ứng nhu cầu chỗ ở. Các điều kiện còn lại như môi trường, không khí, giao thông... vẫn bị bỏ ngỏ. Các nhu cầu của người dân trước đây chỉ tập trung vào việc có được nơi ở, nhưng không chú trọng vào yếu tố tương lai. Do vậy, câu chuyện công tác truyền thông cần được chú trọng làm thế nào để thay đổi nhận thức của người dân là khá quan trọng.
Ở góc độ quản lý, hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu cũng như ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và thiếu kiểm soát. Trong khi đó, hệ thống giáo dục chưa đủ để giúp cho các thế hệ tương lai thực sự hiểu và nhận thức sâu sắc về lối sống xanh. Hệ thống tiêu chuẩn xanh và cơ chế chính sách còn nghèo nàn và chưa đi vào thực tế.
Do vậy, theo tôi, các cơ quan quản lý cần ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xanh để thuyết phục các nhà đầu tư quyết định theo các dự án xanh, TP. HCM cần xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư công trình xanh, Thành phố cần tạo ra các ưu đãi về nhiều mặt cho các nhà đầu tư khi quyết định đăng ký đầu tư các dự án xanh như ưu đãi về tài chính, vốn vay, thuế, thủ tục hành chính, các hệ số quy hoạch (mật độ xây dựng, tầng cao…), đơn giá thiết kế và xây dựng, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, với nhà đầu tư, cần mạnh dạn tiên phong, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội nhân văn bền vững. Mặt khác, các nhà cung cấp, các đơn vị tổng thầu, các đơn vị tư vấn hợp lực cùng chủ đầu tư, cùng nhau phát triển để kiến tạo nên các công trình xanh cho các thế hệ tương lai.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com