Công nghệ đang phát triển mạnh mẽ
Chat GPT từng là “cơn sốt” toàn cầu và nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng khi xuất hiện lần đầu vào tháng 11/2022. Ứng dụng này đã đạt 10 triệu người dùng hàng ngày sau 40 ngày ra mắt chính thức và nhanh chóng đạt 100 triệu người dùng chỉ trong 2 tháng ra mắt, điều mà chưa có một ứng dụng công nghệ nào làm được trước đó.
Chat GPT có thể trò chuyện với con người, trả lời các câu hỏi nhanh chóng, tạo ra văn bản, khả năng viết content, làm luận văn, hình ảnh, video, sáng tác thơ, thậm chí lập trình cho máy tính,… Chính những khả năng “ưu việt” của nó đã gây ra nhiều luồng ý kiến về việc sử dụng GPT trong công việc nghiên cứu, học tập.
Nhiều trường đại học trên thế giới đã ra thông báo cấm sinh viên của mình sử dụng Chat GPT hoặc các công nghệ tương tự để tránh gian lận trong quá trình học tập, ảnh hưởng đến khả năng áp dụng kiến thức trong thực tế sau này. Bên cạnh đó là không đảm bảo tính trung thực và công bằng trong việc đánh giá kiến thức giữa các sinh viên.
Ngược lại, một số ngôi trường thì khuyến khích học sinh, sinh viên của mình sử dụng nó để hỗ trợ cho việc học. Các công cụ hỗ trợ, chatbot có thể cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của từng sinh viên, giúp người học tiết kiệm thời gian và tăng cường hiệu suất học tập. Ngoài ra, với xu hướng công nghệ ngày càng phát triển, việc sử dụng công nghệ từ sớm sẽ giúp sinh viên có thêm những kỹ năng thích nghi với môi trường làm việc sau này.
Chat GPT chỉ là một ví dụ để minh chứng cho việc công nghệ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI),… đang phát triển một cách mạnh mẽ và ngày càng đi sâu vào đời sống thường ngày. Nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh trong tương lai không xa, công nghệ sẽ thay thế con người trong rất nhiều công việc, lĩnh vực và làm xáo trộn thị trường lao động.
Trải qua giai đoạn dịch bệnh sau đó là nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy yếu, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh cơ cấu bộ máy hoạt động, cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí, đồng thời ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất kinh doanh. Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp tăng cường sức cạnh tranh, cải thiện hiệu suất, và đáp ứng nhanh chóng với sự biến động của thị trường. Nhưng đồng nghĩa, sẽ có một nhóm đối tượng lao động bị ảnh hưởng từ sự thay đổi này, đặc biệt là giới trẻ.
Giới trẻ có lo mất việc hay khó xin việc trong tương lai?
Giới trẻ hay gen Z là nhóm đối tượng chủ đạo đang và sắp bước vào thị trường lao động. Với việc được tiếp xúc với các nền tảng, ứng dụng công nghệ từ rất sớm, nhóm này sở hữu nhiều lợi thế và kỹ năng sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, chính lợi thế này cũng đặt ra nghi hoặc là giới trẻ có lo mất việc hay khó xin việc trong tương lai?
Tại Talkshow do Báo Đầu tư tổ chức ngày 3/1/2024 có chủ đề Công nghệ “biến hoá” trải nghiệm khách hàng, ông Nguyễn Phúc Nguyên, Giám đốc Công nghệ thông tin CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, AI có thể làm những công việc mang tính chất đơn lẻ, lặp đi lặp lại, tự động hoá, thậm chí AI đã lan sang lĩnh vực mỹ thuật, đồ hoạ hay đọc báo cáo tài chính và tổng hợp lại. Tuy nhiên, để công nghệ thay thế được con người sẽ còn rất lâu nữa và cũng chưa biết có thể thay thế được hay không.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên (giữa), Giám đốc Công nghệ thông tin CTCK Bảo Việt (BVSC) và ông Lương Tuấn Thành (phải), Giám đốc khối công nghệ và chuyển đổi số Ngân hàng OCB chia sẻ tại talkshow. |
Có những việc mà AI sẽ không thể tiếp cận được như những công việc cần kỹ năng, làm dự án… AI có thể đọc báo cáo tài chính nhưng không thể tổng hợp và hiểu nó cũng như đánh giá về tính trung thực của báo cáo. AI cũng không giải quyết được những bài toán phức tạp cần nhiều yếu tố từ con người như tập hợp một nhóm người làm dự án hay thực hiện mục tiêu nào đó.
“Sẽ có sự phân biệt giữa người biết sử dụng AI và người không biết. Các bạn trẻ nên tập trung vào các lĩnh vực AI không làm được, có thể là kỹ năng giao tiếp như thế nào, kết hợp như thế nào với các nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức,… để mình có được sự đầu tư hiệu quả hơn”, ông Nguyên dành lời khuyên.
Theo quan điểm của ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc khối công nghệ và chuyển đổi số Ngân hàng OCB, ở lĩnh vực ngân hàng, trong tương lai, những đội ngũ nhân sự không sử dụng công cụ để tăng hiệu suất, hiệu quả làm việc như AI sẽ tự đào thải chính mình. Mất việc hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng chúng ta thích nghi, thích ứng sử dụng những công cụ hỗ trợ đó để tăng hiệu suất làm việc. Sẽ có sự đào thải giữa những người có hiệu suất kém với những người biết sử dụng công nghệ, có khả năng học hỏi những thứ mới, khả năng thích nghi cao thì cơ hội phát triển sẽ nhiều hơn.
Còn vấn đề có lo mất việc không, ông Thành cho rằng, nếu chúng ta đặt mục tiêu sử dụng AI để học nhiều thứ mới, áp dụng vào công việc thì chắc chắn là không thể mất việc được, vì khoảng cách để công nghệ có thể thay con người 100% là rất xa. Dù vậy, cũng không thể phủ nhận, trong một số công việc AI sẽ làm tốt hơn con người như kế toán hay học hỏi các kiến thức dài, ghi nhớ lâu…
“Tôi cho rằng đội ngũ bạn trẻ sắp tới đi làm chắc chắn sẽ phải học lại rất nhiều công cụ hỗ trợ cũng như nền tảng công nghệ mới”, ông Thành khẳng định.