Đi xa để thanh bình
Nếu không có quyết định dũng cảm chuyển về sinh sống tại một khu đô thị phức hợp phía Tây Hà Nội ngày ấy, có lẽ, mỗi buổi sáng tôi sẽ không có thời gian để tận hưởng cái cảm giác thư thái và dễ chịu đến vậy.
Thay vì sự gò bó và ngột ngạt của khu tập thể cũ trong một con ngách nhỏ tại phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng trông giống như một cái hộp với nhiều ô cửa, căn nhà mới của chúng tôi mang lại một không gian sống hoàn toàn mới.
Căn nhà cũ, tuy là nơi dạt dào tình yêu thương với đầy ắp những kỷ niệm, nhưng đó cũng là nơi tôi bắt đầu một ngày mới bằng guồng quay chóng mặt của người Hà Nội, tất bật gọi con dậy, tất bật chuẩn bị quần áo, rồi lại tất bật lấy xe, đưa 2 đứa đến trường, rồi mới đến chỗ làm.
Tiếng là ở giữa trung tâm thành phố, nhưng vì là khu tập thể cũ, đã xây hàng chục năm, nên nó có đủ "ba không": Không thang máy, không nơi đổ rác, không chỗ để xe, nơi để xe chính là cái sân chung rộng độ gần 100 m2.
So với ngôi nhà cũ, nhà mới dẫu có xa trung tâm thành phố đến 5 - 6 cây số, nhưng tôi thấy niềm hạnh phúc nhiều hơn trong ánh mắt và nụ cười của các thành viên trong gia đình.
Không phải đưa con đến trường học khi có sẵn ngôi trường chất lượng cao cách tòa nhà chung cư chưa đến 100 m. Cũng không phải tất bật chạy ngược chạy xuôi về để đi chợ khi mọi thứ đều nằm ở dưới chân nhà. Và nhất là những đứa trẻ rất vui sướng khi được chạy nhảy, nô đùa một cách an toàn trong không gian xanh mát của khu chung cư.
Tạo ra cộng đồng sống văn minh
Trong đời sống hiện đại, người ta có xu hướng phân biệt con người bằng các giá trị. Nền kinh tế thị trường và công nghệ thông tin hiện đại đã mang lại cho con người nhiều giá trị vật chất, nhưng nó lại tạo ra những khoảng trống trong đời sống tinh thần.
GS. KTS. Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Tái định cư, trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, trong xu hướng của đời sống hiện đại, giá trị tinh thần của con người càng chiếm ưu thế và nó là yếu tố để phân biệt người này với người khác, cộng đồng dân cư này với cộng đồng dân cư khác.
Sau 20 năm, công nghệ xây dựng phát triển, các doanh nghiệp địa ốc hiện nay có thể xây dựng các tòa nhà cao chọc trời một cách dễ dàng, nhưng lại thiếu đi khả năng bù đắp lại những thiếu hụt trong đời sống của con người, đó là sự thiếu hụt của một đời sống tâm hồn.
Để làm cho đời sống phong phú, con người cần có được sự đa dạng về mặt văn hóa, đa dạng về mặt thưởng thức, đặc biệt phải gắn bó với thiên nhiên, gắn bó giữa con người với con người. Bởi theo GS Thục, nếu không gắn bó với thiên nhiên thì tâm hồn khô héo, nếu không gắn bó với con người thì mất đi nhân tính.
Trong nhịp sống xô bồ hiện đại, con người đang thiếu đi cái đẹp trong hành vi cư xử giữa con người với nhau. Trong cộng động đó, con người nếu chỉ nghĩ đến cái đẹp của bản thân thì không đủ, mà còn hướng đến vẻ đẹp của cộng đồng, một vẻ đẹp của năng lực tiếp nhận cởi mở.
Thực tế, không gian sống tại các khu đô thị luôn khiến các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đô thị phải trăn trở. Đô thị hóa là quá trình tất yếu, không thể cưỡng lại được, nhưng làm thế nào để kiểm soát được đô thị hóa là bài toán khó.
Theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hầu hết các dự án xây dựng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM từ khi quy hoạch đến thiết kế đều chuẩn "khuôn vàng, thước ngọc". Tuy nhiên, đến khi thực thi lại điều chỉnh lên, xuống. Thậm chí, thay đổi nhiều lần về số tầng cao, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ văn phòng sang nhà ở, từ cây xanh sang công trình hỗn hợp. Điều này đẩy nhiều khu đô thị vừa đưa vào sử dụng đã quá tải về hạ tầng, điện nước và các công trình phúc lợi công cộng.
Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng và liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Diện tích đất đô thị Việt Nam đã tăng từ 630 km2 vào năm 1998 lên mức hơn 41.700 km2 vào năm 2016 và hiện nay, dân số đô thị của Việt Nam đạt khoảng 36,6%, tương đương với 34 triệu dân và ước tính đến năm 2020 có khoảng 42%, tương đương 40 triệu dân Việt Nam sống trong khu vực đô thị. Điều này tạo áp lực lớn lên khu vực đô thị, nhất là về cơ sở hạ tầng, cơ sở xã hội.
Đi tìm mô hình chuẩn
Tại TP.HCM, theo tính toán của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cứ mỗi 5 năm, dân số địa phương này tăng thêm 1 quận. Còn tại Hà Nội, các thống kê cũng ước tính, trung bình mỗi năm, dân số Thủ đô tăng khoảng 200.000 người. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội là 2.279 người/km2, nhưng phân bố không đều, dân cư tập trung tại các quận nội thành khá cao (mật độ dân số trung bình của 12 quận là 11.220 người/km2, trong đó cao nhất là quận Đống Đa 42.171 người/km2, thấp nhất là quận Long Biên 4.840 người/km2), cao gấp 4,9 lần so mật độ dân số trung bình toàn Thành phố.
Theo đánh giá của TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, đân số tăng nhanh, cầu về nhà ở cũng tăng theo, làm cho đô thị Hà Nội và TP.HCM phát triển “nóng”, nhất là ở “vùng lõi” (các quận nội thành).
Các dự án nhà ở cao tầng, cao ốc, văn phòng cho thuê mọc lên ở nhiều tuyến phố huyết mạch thuộc “vùng lõi” làm cho hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội vốn đã quá tải càng quá tải hơn, gây mất cân đối giữa đời sống vật chất và tâm hồn.
"Không những vậy, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người cảm thấy có động lực để sống, để làm việc nhằm thỏa mãn những nhu cầu tốt đẹp của mình. Khi con người thiếu cảm hứng và thiếu động lực dẫn truyền cảm hứng, thì điều gì làm thay đổi họ?", ông Nghiêm đặt vấn đề và cho biết, nếu mất đi cảm hứng, con người trở nên xơ cứng trong sự tỉnh táo.
Trong cuộc sống đô thị, vì nhiều lý do, cư dân bị thui chột cảm hứng, hoặc bị dồn nén cảm hứng. Điều này dẫn tới việc, con người bằng lòng với cuộc sống trì trệ, luẩn quẩn với những suy nghĩ tầm thường và ích kỷ. Do đó, mục tiêu hướng tới là phải tìm ra hướng phát triển các mô hình đô thị mới, theo hướng những tiểu đô thị vệ tinh, hay còn gọi là mô hình "siêu đô thị" trong lòng đô thị để giảm tải cho "vùng lõi".
Các đô thị vệ tinh này bảo đảm cho mỗi người dân có nhà ở gắn với nơi làm việc, dịch vụ công, trường học, bệnh viện, siêu thị, khu vui chơi... đầy đủ và hiện đại. Thậm chí, sinh sống trọn đời trong đó. Ngoài ra, việc kết nối giao thông từ đô thị vệ tinh đến “vùng lõi” cũng phải đảm bảo thông suốt, nhằm tăng cường tính liên kết, giao lưu, hợp tác.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần phát triển đô thị sinh thái, bao gồm những khu không gian xanh, hình thành nên các vành đai xanh, hành lang xanh để giúp cho Thủ đô hình thành nên thành phố xanh, hướng tới đô thị thông minh.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com