Việt Nam vẫn là điểm đến tuyệt vời
Ghi nhận từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 đã lên đến 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế đến từ châu Á đạt 14,38 triệu lượt người, chiếm 79,9% tổng số khách quốc tế, tăng 19,1% so với năm trước. Còn khách đến từ châu Âu đạt 2,1 triệu lượt người, tăng 6,4% so với năm 2018. Khách đến từ châu Mỹ đạt 973,8 nghìn lượt người, tăng 7,7%; khách đến từ châu Úc đạt 432,4 nghìn lượt người, giảm 1,2%; khách đến từ châu Phi đạt 48 nghìn lượt người, tăng 12,2%.
Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn tiếp tục được đánh giá cao trong con mắt của du khách quốc tế nhờ vào nền tảng chính trị ổn định cùng tiềm năng từ các cảnh quan thiên nhiên và lợi thế vùng biển kéo dài, khí hậu nắng gió gần như quanh năm. Trong giai đoạn vừa qua, ngoài các thị trường nghỉ dưỡng truyền thống như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…, trên bản đồ du lịch Việt Nam đã có thêm nhiều vùng đất mới nổi như Bình Định, Phan Thiết, Quảng Bình và cả những địa điểm nghỉ dưỡng núi như Hòa Bình, Lao Cai…
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút mạnh dòng khách du lịch, là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế cao nhất thế giới. Năm 2018, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng (chiếm 8% GDP). Tính đến 11 tháng đầu năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 649.000 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 12 tỷ USD, trong đó dịch vụ du lịch đạt 8,4 tỷ USD (chiếm 70,2% tổng kim ngạch), tăng 11%.
Theo đánh giá của ông Michael Paul Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital, sự cải thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch luôn là một trong những mảng đầu tư được ưu tiên của Việt Nam đã là tiền đề tạo sức bật cho nhiều thành phố du lịch trong giai đoạn vừa qua. Đây được xem là cơ sở nền tảng cho bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục bứt phá trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh du khách cả trong và ngoài nước ngày càng khắt khe trong yêu cầu về nơi ăn, chốn ở, các cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng chất lượng cao được xem là đòn bẩy kích thích sự phát triển bền vững cho phân khúc bất động sản du lịch trong dài hạn.
Ghi nhận thực tế của Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, hiện nay, dù có sự cải thiện nhưng so với đà tăng của hoạt động kinh doanh du lịch thì các cơ sở du lịch hiện nay vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu và thị hiếu của du khách, đặc biệt là dòng khách quốc tế hướng đến du lịch trải nghiệm. Mức chi tiêu của khách du lịch đến Việt Nam vẫn còn thua xa so với các nước. Khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu 96 USD/ngày, trong khi ở Singapore là 330 USD/ngày, Thái Lan là 115 USD/ngày.
Do đó, theo ông Trương Xuân Quý, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Flamingo, trong năm 2020, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư có nhiều điểm sáng. So với tiềm năng thực tế thì mức độ khai thác vẫn chưa nhiều và còn triển vọng lớn trong tương lai. Tuy nhiên, nếu muốn có bước nhảy vọt để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì cần có sự thay đổi lớn ở dịch vụ và sản phẩm du lịch.
Mở đường cho xu hướng bất động sản mới
Sự sụt giảm nguồn cung mới tại các thị trường truyền thống song song với việc mở rộng tại các thị trường mới nổi là xu hướng nổi bật trong năm 2019. Xu hướng này đặc biệt rõ ràng ở những địa phương có kết nối thuận tiện với những thị trường trọng điểm như Bà Rịa - Vũng Tàu (gần TP.HCM), Quảng Nam (gần Đà Nẵng), Bình Thuận (4,5 tiếng lái xe từ TP.HCM), Hạ Long (2,5 tiếng lái xe từ Hà Nội, cải thiện đáng kể nhờ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long). Một số dự án nổi bật trong thời gian gần đây có thể kể đến Royal Park FLC Hạ Long, Malibu Hội An, NovaHills Mũi Né, NovaWorld Hồ Tràm...
Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia (TAB), thành viên Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, bên cạnh việc mở rộng kinh doanh tại những khu vực mới, các chủ đầu tư bắt đầu hướng đến việc đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản du lịch mới. Trong đó, yêu cầu đổi mới, tạo trải nghiệm “độc - lạ” trong thiết kế các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được đặc biệt quan tâm nhằm hướng tới đa trải nghiệm cho du khách và tạo ra "dấu ấn riêng" của từng bất động sản du lịch hay tour du lịch.
Đồng quan điểm, ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Phú Long, nhà phát triển dự án L’Alyana Senses World Phú Quốc cho rằng, đổi mới, tạo trải nghiệm trong thiết kế các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang được đặc biệt quan tâm. Để đảm bảo tính bền vững, thiết kế dự án nghỉ dưỡng cần có sự hòa hợp với các yếu tố tự nhiên và văn hóa bản địa. Xu hướng thiết kế xanh, kiến trúc bền vững đặc biệt được chú trọng trong xây dựng các dự án nghỉ dưỡng.
Chẳng hạn, một hình thức được nhiều khách du lịch quốc tế hiện nay ưa chuộng là hình thức du lịch kết hợp kết hợp với trải nghiệm chăm sóc sức khỏe và cân bằng cảm xúc trong tâm hồn. Các quốc gia đi đầu về mô hình này phải kể đến Nhật Bản với hình thức tắm onsen tạo nên thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng của xứ sở Phù Tang, tắm đá muối tại Hàn Quốc, các tour du lịch kết hợp thiền định và Yoga tại Ấn Độ…
"Cảnh quan thiên nhiên vượt trội, hệ thống khách sạn và resort cao cấp nở rộ ở các điểm đến nổi tiếng là cơ hội để Việt Nam khai thác loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Đơn cử như Phú Quốc, nhiều chuyên gia nhận định, sức hấp dẫn về du lịch cũng như đầu tư bất động sản đến từ đường bờ biển dài 150 km, thiên nhiên phong phú, thời tiết thuận lợi cho hoạt động du lịch quanh năm", ông Cường nhấn mạnh và cho biết thêm, mục tiêu phát triển dự án L’Alyana Senses World Phú Quốc không chỉ là một điểm đến đa trải nghiệm quy mô rộng lớn để du khách có thể lưu trú dài ngày, mà còn mang đến cho khách hàng một trải nghiệm cao cấp, giải phóng tinh thần, thanh lọc cơ thể, tái tạo năng lượng và khơi nguồn sức sống mới.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, điểm nổi bật của du lịch Việt Nam giai đoạn sắp tới là sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch.
"Cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp du lịch, điều này sẽ tạo dựng thêm nhiều sản phẩm đẳng cấp, các điểm đến hấp dẫn, các khu du lịch có thương hiệu mạnh với quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng chính là đòn bẩy tăng trưởng du lịch tới đây", ông Chung nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com