Bị cáo này đã từng có 2 lần ra tòa vì cùng tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, năm 2003, Ngọc lĩnh 13 năm tù giam, năm 2005 bị tuyên phạt 11 năm tù giam. Thế nhưng, cũng trong thời gian đang phải thi hành tổng hợp hình phạt là 24 năm tù giam, Mông Thị Ngọc đã kịp gây thêm vụ án khác.
Được biết, sau khi bị kết án, Ngọc được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù với lý do người bị kết án ốm đau, bệnh tật, sau khi xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong thời gian từ 27/9/2010 – 27/9/2011. Hết thời hạn nói trên, khi lực lượng thi hành án đến nơi cư trú của Ngọc thì được biết Ngọc đang điều trị bệnh tâm thần.
Tuy nhiên, trong khi điều trị tâm thần, không hiểu sao Ngọc vẫn lọt ra ngoài và bị các chủ nợ giữ lại, sau đó bị cơ quan công an bắt giữ để thi hành bản án 24 năm tù giam.
Thời gian tạm hoãn thi hành hình phạt, Ngọc vẫn kịp lừa đảo 5 tỷ đồng của Ngân hàng. Cụ thể, tháng 3/2010, bà Nguyễn Thị Điệp có nhu cầu vay vốn của Ngọc. Ngọc đã cho bà Điệp vay 1,5 tỷ đồng, lãi suất 2%/tháng và thế chấp tài sản là nhà và đất có diện tích 106 m2 ở xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội).
Hai bên thỏa thuận, bà Điệp làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để làm tin, khi nào bà Điệp trả gốc và lãi thì Ngọc trả lại sổ đỏ và hủy hợp đồng chuyển nhượng.
Đồng thời, lập văn bản thỏa thuận rõ ràng, sau 1 năm kể từ ngày 18/5/2010, bà Điệp phải trả gốc, lãi cho Ngọc, nếu không trả Ngọc có quyền sang tên đối với nhà đất nói trên.
Ngọc yêu cầu bà Điệp phô tô các giấy tờ liên quan đến nhà đất, CMND, hộ khẩu và lấy xác nhận của UBND xã Xuân Đỉnh về việc chồng bà giao cho bà toàn quyền định đoạt nhà đất.
Sau đó, Ngọc đến Văn phòng Việt ở số 219 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) nhờ tư vấn thủ tục sang tên. Ngọc đưa một người giả làm chồng bà Điệp đến gặp công chứng viên ký, viết, điểm chỉ vào hợp đồng.
Khi đã có sổ, Ngọc lấy lý do vay vốn mua nhà để làm thủ tục vay vốn tại Chi nhánh Hoàn Kiếm của Ngân hàng A, vay 5 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là nhà đất của bà Điệp, được Ngân hàng định giá là 6,6 tỷ đổng.
Không biết gì về việc Ngọc đã sang tên sổ đỏ, ngày 12/1/2011, bà Điệp mang tiền trả cho Ngọc 600 triệu đồng, trả tiếp 200 triệu đồng và nhiều lần trả tiền khác. Cuối cùng, khi đã trả được 1 tỷ đồng, vợ chồng bà Điệp vẫn không thấy Ngọc trả sổ đỏ mà hứa hẹn nhiều lần với nhiều lý do khác nhau.
Nghi ngờ, vợ chồng bà Điệp đi kiểm tra mới biết Ngọc đã sang tên sổ đỏ và đem cầm cố cho Ngân hàng.
Bà Điệp khai do cần tiền, nhưng chồng không cho thế chấp “sổ đỏ”, nên bà đã giấu, đến khi bà trả tiền cho Ngọc thì chồng bà mới biết. Chồng bà Điệp khẳng định, ông không đồng ý cho vợ đem “sổ đỏ” đi thế chấp để vay tiền, đến tận tháng 1/2011 ông mới biết, nên đã đem 600 triệu đồng trả cho Ngọc. Chồng bà Điệp cũng đề nghị làm rõ ai đã giả mạo ông để ký hợp đồng ủy quyền?
Tại Cơ quan điều tra, Ngọc phủ nhận việc cho bà Điệp vay tiền và khai, số tiền 1,5 tỷ đồng đó là tiền Ngọc mua nhà đất 106 m2 nói trên. Theo thỏa thuận, khi nào bà Điệp có tiền chuộc lại thì Ngọc trả sổ đỏ. Đó là thỏa thuận miệng, không có văn bản. Về văn bản cam đoan khi bà Điệp trả tiền, Ngọc trả sổ đỏ, Ngọc khai, đó là do văn phòng công chứng soạn hộ, Ngọc không đọc nội dung. Giấy biên nhận, bảng tính lãi, bản cam kết… là do chồng bà Điệp ép Ngọc ký.
Nhưng căn cứ vào các lời khai, các tài liệu đã được giám định... cơ quan công tố cho rằng, có đủ căn cứ xác định Ngọc đã có hành vi gian dối trong việc lập hợp đồng, làm thủ tục sang tên sổ đỏ để chiếm đoạt tài sản của bà Điệp.