Từ sản xuất...
Trong lần tiếp xúc với ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cách đây không lâu để tìm hiểu thông tin viết bài, vị doanh nhân này đề nghị “nhà báo viết gì thì viết, nhưng rất mong nói về câu chuyện phát triển bền vững trong ngành tôm”.
Được thành lập 22 năm trước ở vùng đất mũi Cà Mau, nhờ tâm huyết của gia đình doanh nhân Lê Văn Quang, Minh Phú đã trở thành một trong những công ty chế biến xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới.
Các nhà máy của Minh Phú có công suất chế biến hơn 300 tấn tôm nguyên liệu/ngày, được thiết kế hiện đại, có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn ISO, môi trường làm việc sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh… Sau giai đoạn suy giảm 2 năm 2015 – 2016, kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú đã tăng mạnh trở lại mức 692,5 triệu USD, phấn đấu đạt 800 triệu USD trong năm nay.
Nhưng, ông Quang không muốn nói về những điều đó. Điều ông trăn trở chính là vấn nạn lạm dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đang lan tràn toàn cầu, mà Việt Nam cũng không là ngoại lệ, hay tình trạng phá rừng để mở rộng vùng nuôi thiếu quy hoạch đang trở thành những thách thức lớn đối với ngành tôm Việt Nam.
Trong chiến lược phát triển mới, Minh Phú đã xây dựng "Chuỗi giá trị tôm có trách nhiệm", bắt nguồn từ các quy trình nuôi tôm hướng đến cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống người nông dân.
Tập đoàn đang triển khai một số mô hình nuôi tôm mới, đơn cử mô hình nuôi tôm rừng với tôm giống kháng bệnh đạt năng suất cao, giúp cải thiện đời sống người nông dân dưới tán rừng, đồng thời trồng lại diện tích rừng đã mất do quy trình nuôi tôm cũ trước đây.
Hay với mô hình tôm lúa với giống tôm kháng bệnh, nông dân sẽ thực hiện một vụ tôm, một vụ lúa xen kẽ, làm bền vững môi trường cho cả hai đối tượng nuôi trồng, đặc biệt là tôm.
Ngoài ra, Minh Phú còn triển khai mô hình nuôi tôm mô phỏng tự nhiên với tôm giống kháng bệnh. Đây là mô hình nuôi công nghiệp sử dụng thức ăn lên men tự nhiên giúp cân bằng sinh thái, tái sử dụng nước không để xả thải ra môi trường, tăng cường bảo vệ môi trường.
Tập đoàn này cũng đã thành lập các doanh nghiệp xã hội tổ chức triển khai mô hình nuôi tôm hướng đến cân bằng sinh thái đến rộng rãi bà con nông dân, giúp các nông hộ đạt được nhiều chứng nhận (BAP, ASC, Global GAP, Naturland, BIO Suisse, EU BIO...) cho các chuỗi giá trị tôm.
“Chúng tôi muốn chia sẻ những sản phẩm tốt nhất tới đối tác và khách hàng, song song với việc nâng cao thu nhập và nhận thức của mỗi người nông dân, công nhân, đối tác xuyên suốt chuỗi giá trị, giúp họ hiểu rõ về các tác động của những việc họ thực hiện, từ đó có trách nhiệm góp phần tạo ra những sản phẩm tươi ngon an toàn phục vụ cho xã hội, đồng thời bảo vệ môi trường”, ông Quang cho biết.
Tại sao ông Quang và Minh Phú lại hứng thú với câu chuyện phát triển bền vững như vậy?
Giới phân tích cho rằng, rất có thể câu trả lời nằm ở chỗ, người tiêu dùng quốc tế, đặc biệt là ở các thị trường phát triển sẽ chi tiêu nhiều hơn, thậm chí chấp nhận bỏ ra giá cao hơn để mua các sản phẩm là kết quả của sự phát triển bền vững. Câu chuyện về nuôi trồng, chế biến có trách nhiệm chắc chắn sẽ tác động, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng và khiến họ gắn bó hơn.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển hướng chiến lược như Minh Phú. Các doanh nghiệp sản xuất gạo công bố chuỗi giá trị khép kín cho phép truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng gạo sạch. Doanh nghiệp ngành chăn nuôi thì công bố chiến lược từ trang trại đến bàn ăn, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chứng minh hệ thống xử lý rác thải đạt chuẩn quốc tế…
Sức ép từ người tiêu dùng đã trở thành động lực lớn để các doanh nghiệp không ngại đầu tư và thay đổi. Đi đầu trong chiến lược phát triển bền vững, sớm hay muộn họ cũng là người gặt hái lợi nhuận.
… Đến tư duy và tầm nhìn dài hạn
Trước đây, các doanh nghiệp thường tìm cách tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông, chủ sở hữu, mà bỏ qua các bên liên quan. Tuy nhiên, các bên liên quan đang ngày càng có ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo thành công trong dài hạn, giá trị cho các bên liên quan như người lao động, khách hàng, đối tác cung cấp nguyên vật liệu, nhà phân phối, rộng hơn là cả xã hội… cũng phải được tối đa hóa.
Một khảo sát của PwC cho thấy, đa số lãnh đạo doanh nghiệp đặt các xu hướng toàn cầu trong tốp các nhân tố làm chuyển đổi mô hình kinh doanh trong vòng 5 năm tới như phát triển công nghệ, khan hiếm tài nguyên, biến đổi khí hậu, chuyển dịch kinh tế toàn cầu.
Các CEO tin rằng, việc đáp ứng nhu cầu xã hội và bảo vệ quyền lợi của các thế hệ tương lai có ý nghĩa rất quan trọng, mục đích kinh doanh là để cân bằng lợi ích của các bên liên quan.
Khảo sát cũng cho thấy, 92% doanh nghiệp biết đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; 71% doanh nghiệp cho biết, họ đã lên kế hoạch hành động.
Trong khi đó, 90% người dân tin rằng việc các doanh nghiệp đăng ký thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là quan trọng, 78% cho biết khả năng họ sẽ mua hàng hóa và dịch vụ từ các doanh nghiệp đã đăng ký hơn.
Thực tế cũng cho thấy, các tài sản vô hình như giá trị thương hiệu, uy tín, kế hoạch nghiên cứu và phát triển, mức độ hài lòng của khách hàng, sức khỏe và an toàn, hiệu quả hoạt động về môi trường, sự đồng thuận của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp đang dần chiếm tỷ trọng lớn hơn, tới gần 65% trong giá trị thị trường của các doanh nghiệp trong S&P 500.
Ngay nguồn nhân lực trong doanh nghiệp cũng đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các khía cạnh liên quan đến phát triển bền vững. Khảo sát năm 2018 được thực hiện bởi Deloitte đã chỉ ra một thực tế đáng ngại, là người lao động trẻ đang thất vọng với động lực và đạo đức của doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp muốn thay đổi phải có giải pháp hành động mạnh mẽ.
Cụ thể, số người đồng ý rằng lãnh đạo doanh nghiệp cam kết giúp cải thiện xã hội giảm 15%; số người tin rằng doanh nghiệp hành xử theo cách thức phù hợp đạo đức giảm 17%; số người tin rằng doanh nghiệp chỉ có mục tiêu về lợi nhuận tăng 12%; số người tin rằng doanh nghiệp tập trung vào lợi ích của họ hơn là chú ý tới xã hội tăng 16%.
Quan tâm đến các vấn đề xã hội là một ưu tiên của thế hệ lao động trẻ, bởi vậy nếu doanh nghiệp không quan tâm đến những ưu tiên của thế hệ lao động trẻ, doanh nghiệp có thể thất bại trong chiến lược quản trị nhân sự.
Các doanh nghiệp thường hồ hởi công bố các con số tài chính tăng trưởng đáng kinh ngạc với giới đầu tư. Nhưng dưới góc nhìn của Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp, nếu doanh nghiệp đó vắt kiệt sức lực của người lao động, không ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực, quan tâm đến cộng đồng, tàn phá môi trường thì kết quả đó khó có thể lâu bền.
Trên thực tế, thiếu gì những doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng hai con số trên cơ sở vắt kiệt sức người lao động; hay doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh lại không thân thiện với môi trường.
Chỉ khi nào, tăng trưởng kéo theo sự phát triển thì cộng đồng mới mong đạt được tính bền vững. “Chỉ có những doanh nghiệp đào tạo bài bản cho người lao động, giúp họ trở nên lành nghề với chứng chỉ chuyên môn, tạo điều kiện cho họ thăng tiến trong chuyên môn và vị trí công việc thì khi ấy tăng trưởng mới có thể được gọi là phát triển. Đó là phát triển con người! Phát triển con người là nguồn gốc của mọi hình thức phát triển”, Giáo sư Phan Văn Trường nhấn mạnh.