Xóa nợ hơn 1.000 tỷ đồng thuế là cần thiết
Trong số các vấn đề mới tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, mà Chính phủ đang trình Quốc hội thảo luận, có nội dung sửa Luật Quản lý thuế theo hướng xử lý các khoản nợ thuế cho 2 đối tượng DN để góp phần thúc đẩy tái cơ cấu, CPH DNNN.
Thứ nhất, Chính phủ đề xuất Quốc hội xóa nợ thuế đối với DNNN thuộc danh sách sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, mà hiện có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế của DNNN, thì được xem xét xóa nợ thuế ở mức để giá trị thực tế vốn nhà nước tại DN đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại DNNN tại thời điểm thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại.
Thứ hai, xóa nợ thuế đối với DNNN đã thực hiện CPH hoặc chuyển đổi sở hữu mà khi xác định giá trị DN để CPH, giao, bán, khoán, cho thuê, cơ quan có thẩm quyền chưa xác định số thuế nợ trong giá trị của DN...
Giải thích rõ hơn quy định: xóa nợ thuế ở mức để giá trị thực tế vốn nhà nước tại DN đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại DNNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, điều này có nghĩa, việc xóa nợ thuế đảm bảo DN còn vốn chủ sở hữu dương, thì mới đủ điều kiện CPH, nếu không thì tiến hành giải thể, phá sản...
“Trước một số ý kiến đặt vấn đề xóa nợ thuế như vậy có công bằng, hợp lý không, chúng tôi khẳng định giải pháp như Chính phủ đề xuất với Quốc hội là cần thiết và hợp lý, vì đây là những tồn tại phát sinh trong quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN, nên Nhà nước phải có trách nhiệm tháo gỡ.
Mặt khác, không có lý do gì bắt các cổ đông, NĐT mua cổ phần tại DN sau CPH phải gánh trách nhiệm với khoản nợ thuế của DN trước CPH...”, ông Tuấn khẳng định và cho biết thêm, theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu được Quốc hội chấp thuận, thì tổng giá trị khoản thuế được xóa cho hai đối tượng DN trên vào khoảng 1.000 tỷ đồng.
Coi chừng bị lợi dụng
Khi thẩm tra dự thảo luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí xoá các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là DNNN thuộc danh sách CPH, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như dự thảo luật, nhằm đẩy nhanh tiến trình CPH các DNNN...
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo luật sẽ dẫn đến trường hợp các DN hiện nay chưa đến thời điểm thực hiện CPH, cố tình chây ì, chậm nộp tiền thuế để tăng số nợ thuế lớn hơn số lỗ lũy kế của DN hoặc cố tình không kê khai số thuế nợ trong giá trị của DN để được hưởng chính sách xóa nợ thuế của Nhà nước.
Vì vậy, chỉ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với DNNN trong khoảng thời gian được giới hạn trước ngày 31/12/2015, không nên quy định trong luật thành một chính sách thường xuyên. Theo đó, đây là nội dung mang tính cá biệt, nên đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp của DNNN và bổ sung vào Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Liên quan đến đề xuất xóa tiền nợ thuế đối với trường hợp DNNN đã thực hiện CPH hoặc chuyển đổi sở hữu mà khi xác định giá trị DN để CPH, giao, bán, khoán, cho thuê, cơ quan có thẩm quyền chưa xác định số thuế nợ trong giá trị của DN và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt này..., đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nhất trí với phương án này của Chính phủ và cho rằng, đây là các DNNN đã CPH, nhưng khi CPH không xác định số nợ thuế trong giá trị của DN, nên việc quy định pháp nhân mới chịu trách nhiệm và nghĩa vụ đối với khoản nợ thuế này là chưa hợp lý.
Mặc dù vậy, cũng có một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội không nhất trí với đề xuất trên vì cho rằng: theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, nguyên tắc khi CPH hoặc chuyển đổi sở hữu thì công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi...
Vì vậy, quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp đối với DNNN đã thực hiện CPH, hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Các ý kiến trái chiều trên sẽ tiếp tục được bàn thảo tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội đang diễn ra, trước khi theo kế hoạch dự thảo luật sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này và áp dụng từ ngày 1/1/2016 như đề xuất của Chính phủ.