Xin tăng room tín dụng, mới chỉ là cá biệt

Xin tăng room tín dụng, mới chỉ là cá biệt

(ĐTCK) Không ít nhà băng nhỏ đã được Ngân hàng Nhà nước nâng “room” tín dụng lên cao so với chỉ tiêu nhận được đầu năm.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp kém, kế hoạch tăng trưởng tín dụng liệu có khả thi?

Xin tăng room tín dụng, mới chỉ là cá biệt ảnh 1

Sau TienPhong xin tăng trưởng tín dụng lên 27%, HDBank xin thêm 7% để nâng “room” lên 17%, ngày 13/8, OecanBank cho biết đã được NHNN cho điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 lên mức tối đa 27%.  Các ngân hàng cũng cho biết đang lên kế hoạch đẩy vốn ra thị trường đón đầu mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Chẳng hạn, tại OceanBank, tổng dư nợ tín dụng đến hết quý II/2012 đạt 30.169 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với năm 2011. Sau khi được cấp thêm hạn mức tăng trưởng, dòng vốn tín dụng của Ngân hàng tập trung lớn vào lĩnh vực y tế và hỗ trợ xã hội; ngành công nghiệp phụ trợ; dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí… ưu đãi lãi suất, để có thể kích thích được dòng chảy tín dụng.

TienPhong Bank cho biết, quý I/2012, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng tăng chậm do phải tập trung nỗ lực tái cơ cấu. Dư nợ cho vay của TienPhong Bank tăng 6,8% ở quý II/2012. Vì thế, với “room” tín dụng nhận thêm, 6 tháng cuối năm, Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay để có thể hoàn thành được chỉ tiêu kinh doanh.

Tổng giám đốc HDBank, ông Nguyễn Hữu Đặng cho biết, tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng qua của HDBank đạt 8 - 9%. Tuy nhiên, với kế hoạch kinh doanh đã được hoạch định và xu hướng đi xuống của lãi suất sẽ kích thích được nhu cầu vốn nên HDBank cũng đã có kiến nghị lên NHNN xin được nâng “room” tăng trưởng tín dụng từ mức 10% lên 17%.

Các NHTM kỳ vọng, tăng trưởng dư nợ tín dụng sẽ dần được cải thiện trong những tháng còn lại của năm để có thể đẩy mạnh cho vay, hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận. Bởi hơn 2 quý đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vẫn chưa thoát được tình trạng âm. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp đã được nhiều nhà băng giảm về mức thấp nhất 10%/năm và tối đa 15%/năm, nhưng tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đến hết tháng 7/2012 chỉ mới đạt 1% so với chỉ tiêu

15 -17%.

Mục tiêu tăng trưởng dư nợ trong của ngành ngân hàng trong hai quý còn lại của năm 2012 được NHNN đưa ra ở mức 8 -10%, theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, khó khả thi khi nền kinh tế đang trong tình trạng khó hấp thu vốn. Sức mua của thị trường giảm khiến doanh nghiệp không còn mặn mà với việc sử dụng vốn vay kinh doanh, đầu tư mới.

Ông Đức Văn Mười, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP. HCM, Tổng giám đốc CTCP Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, việc kinh doanh hiện đang gặp khó khăn trên diện rộng, do sức mua của thị trường suy giảm, tồn kho trong nền kinh tế rất lớn. Do đó, việc giảm lãi suất chưa đủ để ổn định kinh tế và phát triển lâu dài. Theo ông Mười, lãi suất cho vay phải về 10%/năm thì DN mới ổn định để phát triển.

Trong khi đó, các NHTM phải rất thận trọng khi trao vốn, vì e ngại rủi ro nợ xấu tiếp tục gia tăng, nên khả năng tăng trưởng tín dụng mạnh trong thời gian tới sẽ rất khó khăn. Do vậy, các NHTM nhỏ xin nâng “room” tín dụng chưa hẳn dễ đẩy mạnh cho vay của cả hệ thống ngân hàng trong những tháng còn lại của năm.

Thực tế, các NHTM nhỏ chỉ muốn gia tăng uy tín khi được nâng “room” tín dụng, do chỉ tiêu nhận được đầu năm nay của các nhà băng này là rất ít, một chuyên gia nhận xét. 

Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận, hơn 7 tháng qua, Ngân hàng mới sử dụng hết hơn 1% chỉ tiêu tín dụng, nhưng nhà băng vẫn lên kế hoạch xin được nâng “room” tín dụng lên 30%.