Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị mong muốn những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực sớm hơn vì nguồn cung nhà ở xã hội đang thiếu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị mong muốn những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực sớm hơn vì nguồn cung nhà ở xã hội đang thiếu.

Xin chỉ đạo 3 nội dung nếu Luật Nhà ở được thông qua trước Luật Đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiếp tục Chương trình phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, chiều nay (16/11), dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đề nghị quy định về nhà ở xã hội được áp dụng sớm hơn

Trình bày báo cáo xin ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, chiều 26/10, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ngay sau phiên họp, thực hiện chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Theo đó, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn như: Chỉnh lý Điều 57 về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân; quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê tại khoản 4 Điều 80; Chỉnh lý quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại điểm d khoản 2 Điều 85; Quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại Điều 94; không quy định về nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp...

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều 16/11.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều 16/11.

Ông Tùng cho biết, liên quan đến một số vấn đề lớn xin ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, về nhà ở thuộc tài sản công (Điều 13); quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công (Điều 125); về việc bán nhà ở thuộc tài sản công tại khoản 3 Điều 125; về bổ sung đối tượng thuê nhà ở công vụ (Điều 45)..., Thường trực Ủy ban Pháp luật đã thống nhất ý kiến với Cơ quan chủ trì soạn thảo và đưa ra phương án đề nghị chỉnh lý đối với từng điều khoản.

Tham gia thảo luận, các ĐBQH có mặt tiếp tục đóng góp xây dựng cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần có cái nhìn dài hạn trong việc bố trí nhà công vụ, đảm bảo chính sách xuyên suốt, lực lượng vũ trang, cơ yếu thì có chính sách ưu tiên phù hợp (Điều 45 của dự thảo Luật).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề nhà ở công vụ và cho biết, việc tiếp cận nhà ở công vụ đối với cán bộ công tác còn hạn chế, khó đáp ứng được yêu cầu thực tế. Dự thảo luật hiện đang có hướng giải quyết cho vấn đề này, tuy nhiên nếu mở rộng hết các đối tượng được sử dụng thì không có đủ nguồn nhà ở công vụ cho các lực lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chiều 16/11.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chiều 16/11.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung: bố trí tùy theo quỹ nhà ở công vụ của lực lượng vũ trang hoặc của địa phương; với số cán bộ điều động, luân chuyển, giao Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh xem xét cân nhắc bố trí thêm cho các trường hợp khác.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, một trong những yêu cầu khi xây dựng pháp luật là phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, từng giai đoạn phải có chính sách phù hợp. Luật Nhà ở hiện hành đã quy định đối tượng được hưởng chế độ thuê nhà ở công vụ. Dự thảo Luật Nhà ở lần này cũng mở rộng thêm đối tượng là hạ sĩ quan. Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng đã tiếp thu, đề xuất thêm để tương ứng với chính sách của cán bộ, công chức, viên chức khi đi công tác vùng sâu vùng xa, cố gắng nghiên cứu để đáp ứng được mức tốt nhất trong phạm vi ngân sách có thể đáp ứng.

Phát biểu thảo luận, Đại diện Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cho biết, dự thảo luật mới có bổ sung khoản 3 Điều 125, quy định việc xử lý đối với các trường hợp nhà ở cũ thuộc sở hữu của Nhà nước, trường hợp Nhà nước không có nhu cầu sử dụng thì người đang thuê có nhu cầu sẽ bán theo cơ chế thị trường. Trường hợp người đang thuê không có nhu cầu mua thì thực hiện bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công.

Để đảm bảo tính khả thi, đại diện Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính đề nghị quy định theo hướng, trong trường hợp người đang thuê không có nhu cầu thì thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng nêu quan điểm cá nhân về việc bố trí nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp, theo đó cần điều chỉnh về khái niệm và thuật ngữ, có thể bố trí khu lưu trú nhưng phù hợp với điều kiện về môi trường, an toàn, theo quy hoạch. Việc sử dụng cụm từ “trong khu công nghiệp” sẽ dẫn tới cách hiểu lầm, là bố trí cho nhà ở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Về chính sách nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng khẳng định, cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc quy định về 20% diện tích nhà ở thương mại trong khu nhà ở xã hội. Mặc dù quy định như vậy nhằm thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa nhưng cũng xuất hiện một số vấn đề bất hợp lý phát sinh trong quá trình thực hiện.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo trước đây Chính phủ gửi UBTVQH không có quy định về điều kiện được thuê nhà công vụ ở vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, trong dự thảo mới đã mở rộng với các đối tượng là cấp Phó thủ trưởng ngành cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Chủ tịch huyện, Phó giám đốc sở… thì được bố trí nhà ở công vụ.

Đối với lực lượng vũ trang, Chính phủ cũng rất ủng hộ việc bổ sung đối tượng là công nhân, viên chức của Bộ Quốc phòng và cán bộ cơ yếu. Tuy nhiên đề nghị chỉnh lý, bỏ chữ “và” để thể hiện rõ là có đối tượng công an.

Liên quan đến nội dung về hiệu lực thi hành của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ mong muốn những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực sớm hơn, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong điều kiện hiện nay, khi nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu.

Đề nghị "bỏ ngỏ" một số nội dung của Luật Nhà ở để chờ tham chiếu từ Luật Đất đai

Liên quan đến hiệu lực thi hành sớm hơn của nội dung về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở; hiệu lực thi hành của Luật Nhà ở và Luật Đất đai, Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu rõ, trường hợp Luật Nhà ở được thông qua tại kỳ họp này trước Luật Đất đai, đề nghị UBTVQH xem xét, có ý kiến chỉ đạo về các nội dung sau:

Thứ nhất là thống nhất ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở (và Luật Đất đai) là từ ngày 01/01/2025 để có cơ sở quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chiều 16/11.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chiều 16/11.

"Việc xác định thời điểm có hiệu lực như vậy cũng phù hợp với Luật Đất đai (dự kiến được Quốc hội thông qua chậm nhất tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024) để Chính phủ kịp ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đáp ứng yêu cầu khẩn trương đưa Luật vào cuộc sống.

Thứ hai, chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm tính thống nhất với các nội dung chính sách của Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được UBTVQH nhất trí theo Báo cáo số 661/BC-UBTVQH15 ngày 22/10/2023 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và đã được thể hiện trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Thứ ba, về một số vấn đề chính sách khác của Luật Đất đai liên quan đến Luật Nhà ở phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền hoặc cần tiếp tục thảo luận, cho ý kiến mới có phương án chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH cho phép tiếp thu theo hướng: Luật Nhà ở không quy định cụ thể mà dẫn chiếu thực hiện theo Luật Đất đai để bảo đảm thận trọng, chặt chẽ.

Điều hành nội dung phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cho đến nay, cơ bản dự thảo Luật tiếp thu, đạt được sự đồng thuận cao của các cơ quan, tổ chức liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Trong phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận về cơ bản việc tiếp thu giải trình là phù hợp. Đồng thời, đề nghị tập trung giải trình thuyết phục một số nội dung như nhà ở lưu trú ngoài khu công nghiệp hay quy định về Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội…

Đối với một số nội dung khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ lưỡng điều khoản chuyển tiếp, thời điểm áp dụng, một số nội dung như về nhà ở xã hội có thể có hiệu lực thi hành sớm hơn...

Tin bài liên quan