Xiaomi liệu đã sẵn sàng cho thương vụ IPO trị giá 100 tỷ USD?

Xiaomi liệu đã sẵn sàng cho thương vụ IPO trị giá 100 tỷ USD?

(ĐTCK) Năm nay, Xiaomi có thể tiến hành thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với giá trị có thể đạt 100 tỷ USD, nhiều khả năng trở thành vụ IPO đáng giá nhất trong lịch sử ngành công nghệ.

Trong ngành công nghiệp chế tạo smartphone cạnh tranh khốc liệt, không dễ để một doanh nghiệp có thể hồi sinh sau những sai lầm. Blackberry và Nokia chỉ là 2 trong số các hãng sản xuất điện thoại lớn đã phải chấp nhận số phận. Nhưng gần đây, Xiaomi - nhà sản xuất smartphone của Trung Quốc đã có màn quay trở lại hoành tráng, sau khi chịu đựng tổn thất trước những đối thủ đáng gờm.

Được sáng lập năm 2010 bởi doanh nhân Lei Jun, Xiaomi là công ty khởi nghiệp nổi tiếng bởi việc bán các thiết bị có cấu hình mạnh mẽ, thiết kế ưa nhìn với giá cả phải chăng. Sau quãng thời gian khó khăn mà đỉnh điểm là cuối năm 2016, khi doanh số bán hàng lao dốc, Xiaomi đã hồi sinh khi trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 trên thế giới trong quý IV/2017, với 28,1 triệu sản phẩm được bán ra thị trường (theo IDC).

Hiện tại, Xiaomi đang nộp hồ sơ IPO tại sàn chứng khoán Hồng Kông, kỳ vọng thu về khoảng 80 - 100 tỷ USD. Sàn Giao dịch chứng khoán Hồng Kông thậm chí sẵn sàng thay đổi các quy định, trong đó có việc cho phép niêm yết cổ phiếu 2 tầng để thu hút được thương vụ IPO đình đám này. Nếu thương vụ IPO của Xiaomi thành công, Lei Jun, đang sở hữu 31,41% cổ phần của Công ty, sẽ trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia không nghi ngờ về khả năng những điều trên xảy ra, khi chiến lược bán hàng kết hợp giữa online và cửa hàng truyền thống của Xiaomi đang mang lại kết quả khả quan, sự hiện diện trên toàn cầu của các sản phẩm cũng rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, có một số vấn đề mà Công ty cần cải thiện.

Li Wei, nhà kinh tế tại Trường Kinh tế Cheung Kong (Bắc Kinh) nhận định, để trở thành doanh nghiệp sản xuất smartphone với giá trị thị trường 100 tỷ USD, việc dựa vào doanh số bán hàng thôi là chưa đủ. Điều này xuất phát từ việc biên lợi nhuận của Xiaomi khá thấp so với các đối thủ trong ngành, dẫn tới những mối lo ngại về khả năng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Theo Cointerpoint Research, Xiaomi kiếm lợi trung bình 2 USD trên mỗi chiếc điện thoại bán ra trong quý III/2017. Con số này khá khiêm tốn so với 151 USD tại Apple, 31 USD đối với Samsung và 15 USD với Huawei. Năm ngoái, Công ty trong tình trạng báo động khi công bố thua lỗ 43,9 tỷ nhân dân tệ (6,9 tỷ USD), trong khi doanh thu đạt 114,5 tỷ nhân dân tệ (18 tỷ USD) do chi phí sản xuất và marketing tăng.

Về vấn đề này, Lei Jun từng giải đáp, ông coi Xiaomi là một nhà cung cấp dịch vụ Internet, không hẳn là nhà sản xuất smartphone. Theo đó, Xiaomi bán các thiết bị truy cập với giá thấp để mở ra cánh cửa giúp Công ty thống trị lĩnh vực game, sách điện tử, sản phẩm tài chính như các khoản vay giá trị nhỏ và quản lý tài sản. Lei Jun từng cam kết sẽ giữ mức lãi sau thuế của bộ phận phần cứng tại Xiaomi là 5%, để người tiêu dùng có thể mua những chiếc điện thoại với giá rẻ, nhưng lại chi nhiều tiền hơn cho các dịch vụ sau đó mà Công ty cung cấp.

Tuy nhiên, điều này chưa hẳn thuyết phục được giới đầu tư. Thị trường Internet Trung Quốc đang bị thống trị bởi Alibaba và Tencent. Xiaomi vẫn chưa có những bước tiến xa để khẳng định được vị thế là nhà cung cấp dịch vụ Internet, với doanh thu từ lĩnh vực này chỉ chiếm 8,6% tổng doanh thu của Công ty trong năm ngoái.

“Xiaomi là một công ty phần cứng thành công. Điều này dễ nhận thấy, nhưng bây giờ, họ muốn xây dựng một hệ sinh thái dựa trên dịch vụ Internet. Xiaomi còn một con đường rất dài phía trước phải vượt qua và phần cứng vẫn phải là nguồn thu nhập mang lại lợi nhuận chính”, CK Lu, Giám đốc nghiên cứu tại Gartner nói.

Nếu như vậy, nhà đầu tư có lý do để nghi ngờ sự phát triển của Công ty trong dài hạn.         

Tin bài liên quan