Xiaomi cược lớn với xe điện

0:00 / 0:00
0:00
Hãng điện thoại thông minh Xiaomi cho biết họ đã xác định được phân khúc khách hàng sẵn sàng chi trả cho chiếc ô tô điện sắp ra mắt của mình trên thị trường cạnh tranh khốc liệt này.
Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Xiaomi, ông Lei Jun, phát biểu tại buổi giới thiệu mẫu xe điện SU7 đầu tiên của tập đoàn này tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào cuối tháng 12/2023. Ảnh: Reuters

Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Xiaomi, ông Lei Jun, phát biểu tại buổi giới thiệu mẫu xe điện SU7 đầu tiên của tập đoàn này tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào cuối tháng 12/2023. Ảnh: Reuters

Chi hàng tỷ USD để phát triển hệ sinh thái

"Chúng tôi nghĩ rằng đây là điểm khởi đầu tốt cho chúng tôi trong phân khúc cao cấp vì chúng tôi đã có 20 triệu người dùng cao cấp ở Trung Quốc dựa trên điện thoại thông minh", chủ tịch tập đoàn Xiaomi Weibing Lu chia sẻ với đài CNBC trước thềm ra mẫu xe mới tại triển lãm viễn thông và di động MWC 2024 diễn ra ở ở Barcelona từ ngày 26/2.

"Tôi nghĩ những lần mua hàng đầu tiên sẽ rất trùng lặp với người dùng điện thoại thông minh", chủ tịch Xiaomi nói.

Ông Lu cho biết tập đoàn này đã cân nhắc nhiều mức giá khác nhau, từ bình dân đến hạng sang, cho một chiếc ô tô mà hãng đang chi 10 tỷ USD để phát triển.

Trước đó, Xiaomi đã công bố mẫu xe điện SU7 tại thị trường Trung Quốc vào cuối năm 2023, nhưng chưa công bố mức giá cụ thể. Ông Lu cho biết bản ra mắt chính thức sẽ đến "rất sớm" và cho biết việc giao xe trong nước sẽ bắt đầu ngay sau quý II năm nay.

Xiaomi là công ty dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh trong nước, đứng thứ ba về doanh số toàn cầu sau Apple và Samsung, theo công ty phân tích thị trường Canalys. Dữ liệu của Canalys cho thấy Xiaomi chiếm khoảng 13% thị trường toàn cầu và xuất xưởng 146,4 triệu điện thoại trong năm 2023.

Những năm gần đây, tập đoàn điện thoại thông minh Trung Quốc đã lấn sân sang lĩnh vực TV và thiết bị gia dụng và phát triển những sản phẩm này có thể điều khiển bằng điện thoại thông minh. Điện thoại đóng góp phần lớn doanh thu của Xiaomi, trong khi thiết bị gia dụng và các sản phẩm tiêu dùng khác chiếm chưa đầy 30% doanh thu.

Xiaomi thường được biết đến với các sản phẩm có giá cả phải chăng hơn. Điều đó làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu họ có thể bán ra một chiếc ô tô điện được "quảng cáo" sánh ngang với đối thủ Porsche.

Chủ tịch Xiaomi cho biết cách tiếp cận của tập đoàn này dựa trên sự phát triển hệ sinh thái, cũng như chiến lược "cao cấp hóa" điện thoại thông minh ra mắt vào năm 2020 và kể từ đó "đã đạt được kết quả rất tốt".

Trong báo cáo lợi nhuận công bố vào tháng 11/2023, ông Lu cho biết tập đoàn này đã phát triển Xiaomi 14 - sản phẩm điện thoại mới nhất ngang tầm với iPhone 15 Pro, thậm chí còn bất ngờ tuyên bố rằng mẫu điện thoại mới đã "vượt mặt" Apple, theo tổng hợp của FactSet.

Thực tế thì thị phần của Apple cũng đang bị đe dọa tại Trung Quốc khi Huawei tung ra sản phẩm Mate60 Pro với giá khởi điểm 6.499 nhân dân tệ (tương đương 900 USD), nằm trong tầm giá giữa Xiaomi 14 Pro và iPhone 15 Pro.

Theo dữ liệu của Canalys, Huawei đã vượt lên trên Xiaomi khi doanh số bán điện thoại thông minh của hãng này tại thị trường Trung Quốc đại lục trong quý IV/2023 đã tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.

Với lợi thế công nghệ của một công ty viễn thông và điện thoại thông minh, Huawei cũng đã nhanh chóng nhập cuộc thị trường ô tô điện Trung Quốc.

Huawei đã ra mắt thương hiệu xe Aito vào cuối năm 2021 và bán hệ điều hành HarmonyOS cũng như phần mềm khác cho nhiều nhà sản xuất ô tô. Huawei cũng tích cực quảng bá cho một số mẫu xe Aito, bao gồm cả dòng SUV Aito M9 giá cao, bằng cách trưng bày chúng tại các cửa hàng điện thoại thông minh của mình.

Trong khi đó, Apple vẫn chưa chính thức nhập cuộc thị trường xe điện mặc dù có nhiều thông tin cho rằng họ đang nghiên cứu thị trường này. Trái lại, công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc Nio đã nhanh chóng phát triển điện thoại thông minh Android của riêng mình vào mùa thu năm trước.

Xiaomi đã cho ra mắt hệ điều hành mới vào mùa thu năm trước với tên gọi HyperOS. Tập đoàn này tuyên bố hệ điều hành HyperOS bao gồm một cấu phần trí tuệ nhân tạo có thể học hỏi từ hành vi của người dùng để tự động điều chỉnh các thiết bị được kết nối, chẳng hạn như hệ thống chiếu sáng trong nhà.

"Trong tương lai, chúng tôi nghĩ rằng không phải chúng tôi đưa ra hướng dẫn cho thiết bị mà thực tế là thiết bị có thể hiểu nhu cầu của người dùng và đáp ứng nhu cầu của họ một cách chủ động", chủ tịch Xiaomi nói thêm.

HyperOS hiện chỉ có trên dòng điện thoại Xiaomi 14. Tuy nhiên, ông Lu cho biết hệ điều hành này sẽ được triển khai trong những tháng tới cho các thiết bị và ô tô sắp ra mắt.

Chi hàng tỷ USD cho hệ sinh thái và ô tô đều là một phần trong nỗ lực của Xiaomi nhằm tồn tại trong một lĩnh vực mà tập đoàn này cho rằng sẽ ngày càng trở nên cạnh tranh hơn.

Chủ tịch Xiaomi cho biết, trong 10 hoặc 20 năm nữa, thị trường xe điện có thể sẽ rất giống với thị trường điện thoại thông minh ngày nay - với 5 thương hiệu hàng đầu nắm giữ khoảng 70% thị phần. "Nếu không có số tiền khổng lồ, chúng tôi không nghĩ mình có thể trở thành người chơi sau cùng".

Ông Lu cho biết thêm, sau khi cho ra mắt mẫu xe điện đầu tiên, bước tiếp theo của Xiaomi là xây dựng nhà máy của riêng mình và tự sản xuất các linh kiện, phụ tùng chính.

Đầu tháng này, Xiaomi thông báo nhà máy điện thoại thông minh mới của họ tại Bắc Kinh đã bắt đầu hoạt động, với năng lực sản xuất hơn 10 triệu sản phẩm.

Đối với mẫu xe điện SU7, các thông cáo của chính quyền Trung Quốc hiện xác định một công ty con của tập đoàn sản xuất ô tô nhà nước Baic là nhà sản xuất, theo đài CNBC. Thế nhưng, Xiaomi cho biết họ hiện không có thông tin công khai để chia sẻ.

Kỳ vọng vào "bộ khuếch đại" quốc tế

Tương tự như ngày càng nhiều công ty Trung Quốc khác, Xiaomi đang tìm kiếm sự phát triển ở nước ngoài trong tương lai. Trong sáu năm qua, khoảng 40% đến 50% doanh thu của tập đoàn này đến từ bên ngoài Trung Quốc đại lục, chủ yếu là châu Âu và Ấn Độ.

Ngoài vị trí chủ tịch tập đoàn, ông Lu cũng kiêm chức người đứng đầu mang danh quốc tế của tập đoàn. Vị chủ tịch Xiaomi cho biết ông dành "rất nhiều thời gian" cho thị trường nước ngoài.

"Nó sẽ là bộ khuếch đại hoạt động kinh doanh của Xiaomi", ông Lu cho biết, đồng thời lưu ý rằng thị trường điện tử tiêu dùng ở nước ngoài có quy mô gấp ba lần thị trường Trung Quốc.

Chủ tịch Xiaomi thừa nhận môi trường chính trị hiện này khiến tập đoàn gặp khó khăn hơn trong việc vươn ra toàn cầu, nhưng khẳng định họ có thể vượt qua những thách thức đó bằng cách nâng cao năng lực nội bộ và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trên toàn cầu và theo sản phẩm.

Đối với mẫu xe điện mới ra mắt, chủ tịch Xiaomi từ chối nêu rõ khung thời gian ra mắt ở thị trường nước ngoài, nhưng ông cho biết thông thường phải mất từ 2 đến 3 năm.

Tin bài liên quan