Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ IPO có giá trị lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ.
Theo giá trị tại vòng gọi vốn gần đây nhất vào năm 2014, Xiaomi đạt mức 46 tỷ USD, trở thành công ty công nghệ tư nhân lớn nhất vào thời điểm đó.
Hiện tại, nhờ các chiến dịch truyền thông lớn cùng hoạt động bán hàng tích cực, nhà sản xuất smartphones Trung Quốc này đang là "unicorn" (công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD) lớn thứ ba trên thế giới, sau Didi Chuxing và Uber, theo số liệu của CB Insights.
Quay lại hoành tráng năm 2017
Sau một vài năm hoạt động thất thường, Xiaomi (mang ý nghĩa “hạt gạo nhỏ” trong tiếng Trung) đã có màn quay trở lại hoành tráng năm 2017. Theo đó, trong quý II/2017, doanh số bán hàng của Công ty đã vượt qua Apple tại thị trường Đại lục nhờ vào các mẫu điện thoại mới và chiến lược bán hàng trực tiếp tới khách hàng.
Bên cạnh đó, dù chiến lược bán hàng chính của Xiaomi là qua mạng, nhưng việc mở các cửa hàng truyền thống đã được đẩy mạnh trong năm qua. Các cửa hàng này cung cấp trải nghiệm sản phẩm cho người tiêu dùng trước khi mua hàng, đồng thời hỗ trợ tốt hơn hoạt động hậu mãi.
Với kế hoạch mở 1.000 cửa hàng “Mi Home” cho tới năm 2019, gấp đôi số lượng cửa hàng của Apple trên toàn cầu, Lei Jun - Chủ tịch Công ty cho rằng, chiến lược bán hàng kết hợp giữa thương mại điện tử và phong cách truyền thống sẽ giúp Xiaomi bán được 100 triệu smartphones mỗi năm, kể từ năm 2018.
Tăng trưởng bùng nổ tại Ấn Độ
Không chỉ thành công tại thị trường nội địa, Xiaomi đã có những bước phát triển mạnh mẽ tại thị trường Ấn Độ, với tốc độ tăng trưởng thị phần trong quý III/2017 đạt 290% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhà nghiên cứu thị trường IDC, bước tiến này có được là nhờ sự gia tăng các cửa hàng truyền thống Mi Home, cửa hàng ủy nhiệm, cũng như sự hợp tác tích cực với các nhà bán lẻ địa phương.
Bên cạnh đó, các sản phẩm của Xiaomi tập trung vào phân khúc trung cấp với mức giá phù hợp tại thị trường tiêu dùng Ấn Độ, vốn có tiềm năng luôn được đánh giá cao. Hiện tại, Xiaomi đang là doanh nghiệp bán smartphone lớn thứ hai tại Ấn Độ, chỉ sau Samsung.
Chiến lược gia Rushabh Doshi tại Canalys, hãng phân tích thị trường công nghệ toàn cầu ra đời năm 1998 nhận định: “Chúng tôi dự báo Xiaomi sẽ tiếp tục bùng nổ tại thị trường Ấn Độ và nhiều khả năng chiếm vị trí thứ nhất của Samsung trong vài quý tới đây”. Hiện tại, Xiaomi chiếm 17% thị phần tại thị trường Ấn Độ, chỉ thấp hơn vài phần trăm so với người đứng đầu là Samsung".
Với kinh nghiệm thu thập được từ Ấn Độ, Xiaomi đang tiếp tục kế hoạch mở rộng ra toàn cầu khi chính thức có mặt tại Tây Ban Nha vào tháng 11/2017. Công ty Trung Quốc này lựa chọn Madrid làm "cửa ngõ" bước vào châu Âu, bởi nơi đây sở hữu một lượng khách hàng trung thành lớn đã từng mua các sản phẩm online.
Ngày càng nhiều sản phẩm
Bên cạnh việc mở rộng về mặt địa lý, một thành công khác của Xiaomi trong thời gian qua là nâng số lượng các dòng sản phẩm lên con số hơn 80.
“Một khi trở thành người hâm mộ của sản phẩm nào đó, người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm và tiếp tục sử dụng thêm các sản phẩm khác của hãng, không chỉ smartphone, mà còn là TV, các thiết bị gia đình”, Hans Tung, nhà đầu tư "hạt giống" (đầu tư khởi nghiệp) tại GGV Capital nói và cho biết, Xiaomi đang nhanh chóng thực hiện theo chiến lược này.
Theo báo cáo mới nhất về thị trường thiết bị điện tử đeo tay của IDC, sản phẩm đồng hồ thông minh do Xiaomi dẫn đầu danh sách bán nhiều nhất trong quý III/2017, vượt qua tên tuổi đình đám là Apple. Bên cạnh đó, Công ty vừa ra mắt dòng sản phẩm giày thông minh vào đầu năm 2018, nhưng mới nhắm tới thị trường Trung Quốc.
Phát triển mới nhất của Xiaomi là việc hợp tác với Baidu trong công nghệ internet vạn vật (IoT). Mối liên kết này được tạo ra nhằm nâng cao trải nghiệm của người dùng đối với các thiết bị điện tử thông minh của Xiaomi.