Ảnh Internet
Theo đó, quý III/2021 BTS đạt doanh thu 657,3 tỷ đồng, giảm 14,5% so với quý III/2020. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp giảm 39% xuống còn 49,6 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm rất ít, khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 11,2 tỷ đồng.
Nhờ có khoản lợi nhuận khác 3,6 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế quý III/2021 âm 7,6 tỷ đồng, trong khi quý III năm ngoái lãi 12,4 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, BTS đạt doanh thu 2.126 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 25,1 tỷ đồng, giảm 47% so với 9 tháng đầu năm 2020.
Tại 30/9/2021, tiền và tương đương tiền là 71,1 tỷ đồng, giảm 36,5% so với đầu năm, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng là 226,3 tỷ đồng, tăng gấp 37,7 lần so với đầu năm. Đáng chú ý, BTS có vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.129,9 tỷ đồng, gấp đôi so với tài sản ngắn hạn và tăng 26 tỷ đồng so với đầu năm.
Số liệu trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, BTS có lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 62,5 tỷ đồng, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư âm 403 triệu đồng, nhờ có khoản thu từ đi vay ngắn hạn, dài hạn nên Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ chỉ còn âm 41,4 tỷ đồng.
Công ty giải trình, nguyên nhân lỗ do tình hình dịch bệnh Covid lần thứ 4, thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam (đây là địa bàn tiêu thụ cốt lõi của xi măng Bút Sơn, chiếm hơn 50% sản lượng tiêu thụ), đã tác động trực tiếp đến công tác tiêu thụ xi măng của Công ty, sản lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh, doanh thu bán hàng đạt thấp là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận giảm.
Xi măng Bút Sơn có vốn điều lệ 1.235 tỷ đồng, cổ đông nhà nước là Tổng công ty Vicem nắm giữ 98,2 triệu cổ phiếu, tương đương 79,5% vốn điều lệ. Địa bàn kinh doanh chủ yếu của BTS là ở Hà Nam, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Trong vòng 10 năm gần đây, BTS không chia cổ tức bằng tiền mặt mà chỉ có 2 lần chia cổ tức bằng cổ phiếu vào tháng 9/2017 và tháng 9/2020.