Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm bao gồm: điện thoại di động và phụ kiện (đạt 7,6 tỷ USD), sản phẩm điện tử - máy tính và phụ tùng (đạt 2,94 tỷ USD).
Đó là thông tin từ cuộc họp báo thường kỳ tháng 4/2014 của Bộ Công thương diễn ra chiều 5/5/2014.
Một số mặt hàng có quy mô và tốc độ xuất khẩu tăng cao là dệt may (tăng 20%, đạt 5,936 tỷ USD), giày dép các loại (tăng 21,9%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (tăng 22,4%), điện thoại và linh kiện (tăng 29,2%)... Đặc biệt, clinker, xi măng đã trở thành điểm sáng, về xuất khẩu, với mức tăng kỷ lục về lượng (tăng 44,2%).
Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, 4 tháng qua, ngành xi măng đã xuất khẩu 3,5 triệu tấn, gồm cả xi măng và clinker. Những doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu xi măng và đóng góp chủ yếu vào kết quả xuất khẩu của ngành xi măng là Xi măng Thăng Long, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tập đoàn Xi măng The Vissai…
Đối với ngành dệt may, tại thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp lớn đã ký kết đơn hàng xuất khẩu hết quý III, thậm chí cho cả năm 2014.
Ông Nguyễn Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) cho biết, dù cạnh tranh về giá rất gay gắt, nhưng dệt may đang có nhiều thuận lợi về xuất khẩu.
“Với lượng đơn hàng đã ký kết, việc hoàn thành mục tiêu gần 100 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014 là trong tầm tay”, ông Thời nói.
Trái ngược với tình hình xuất khẩu khả quan của một số ngành kể trên, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản lại khá ì ạch, với khi kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua chỉ đạt 2,9 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, với nhóm háng nông sản, giá xuất khẩu giảm đã khiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm 207 triệu USD.
Bức tranh xuất khẩu 4 tháng đầu năm được ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định là khá sáng sủa, phản ánh nỗ lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực.
Tuy vậy, nhìn vào kết quả xuất khẩu, không khó để nhận thấy, quy mô xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước còn khá khiêm tốn so với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Cụ thể, 4 tháng 2014, doanh nghiệp FDI tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, chiếm 66,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 30,35 tỷ USD, tăng 17,2%; trong khi khối doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 15,38 tỷ USD, chiếm 33,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng của cả nước tăng thêm 6,6 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng khoảng 4,7 tỷ USD, đóng góp hơn 70% kim ngạch xuất khẩu tăng thêm.
Tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 45,1 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 26,3 tỷ USD, tăng 18,2%, chiếm tỷ trọng 58,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 18,86 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 41,7%.
Ông Hải khẳng định, trong bối cảnh hầu hết các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của nhiều ngành phải nhập khẩu, thì xuất siêu trong 4 tháng đầu năm là kết quả khá tích cực.