Áp lực tăng giá
Khoảng 20 thương hiệu xi măng đã đồng loạt công bố đợt tăng giá mới trong những ngày cuối tháng 10. Mức điều chỉnh giá trong đợt này cao hơn nhiều so với đợt tăng giá gần nhất. Theo đó, trong đợt này, phần lớn doanh nghiệp đều tăng 80.000-90.000 đồng/tấn, tăng mạnh nhất là Xi măng Chinfon, tăng 100.000 đồng/tấn.
Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Long điều chỉnh tăng giá bán các loại xi măng bao PCB 30, PCB 40 thêm 80.000 đồng/tấn trên giá đang áp dụng. Xí nghiệp Tiêu thụ và Dịch vụ Vicem Hà Tiên điều chỉnh tăng giá bán với sản phẩm Xi măng Hà Tiên bao 50 kg các loại thêm 80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) từ 1/11/2021.
Trong đợt điều chỉnh giá lần này, Vicem Hoàng Thạch và Hoàng Mai tăng giá thấp nhất, 50.000 đồng/tấn đối với tất cả chủng loại xi măng tiêu thụ trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Thời gian áp dụng từ ngày 25/10.
Đợt điều chỉnh này là đợt tăng giá thứ 2 trong năm nay của xi măng, sắt thép. Hồi đầu năm, xi măng, sắt thép trong nước đã có đợt tăng giá mạnh. Giá vật liệu tăng sốc khiến các nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản.
Nhà máy Xi măng Duyên Hà cũng điều chỉnh tăng 90.000 đồng/tấn so với giá hiện hành đối với sản phẩm xi măng bao. Trong khi Công ty Xi măng Nghi Sơn cũng gửi thông báo cho các nhà phân phối tại khu vực Nghệ An và Hà Tĩnh về việc điều chỉnh tăng giá bán các loại xi măng bao PCB 40, PCB 40 dân dụng, PC 40, PC 50 và Type II, từ ngày 26/10 thêm 80.000 đồng/tấn.
“Trong thời gian qua, các nguyên, nhiên liệu đầu vào trong sản xuất xi măng như than, dầu, thạch cao… đều tăng. Dù doanh nghiệp đã quản lý, giám sát chặt chẽ nhằm ổn định và duy trì hoạt động sản xuất, nhưng vẫn không thể bù đắp cho mức tăng giá của các loại nguyên liệu đầu vào, đó là lý do Xi măng Kim Đỉnh dạng bao và rời tăng thêm 80.000 đồng/tấn”, ông Luk Jack Fung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xi măng Luks (Ninh Thuận) cho biết.
Giá xi măng “nhảy múa”, giá thép cũng không chịu đứng yên. Sau chuỗi ngày giữ ổn định, giá thép xây dựng trong nước tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng lên mức 16.610 - 18.120 đồng/kg tùy thương hiệu…
Cần phải nói thêm rằng, đợt điều chỉnh này là đợt tăng giá thứ 2 trong năm nay của xi măng, sắt thép. Hồi đầu năm, xi măng, sắt thép trong nước đã có đợt tăng giá mạnh (riêng mặt hàng sắt thép đồng loạt tăng giá từ 30% đến 40% so với quý IV/2020). Giá xi măng, sắt thép tăng sốc đã khiến các nhà thầu xây dựng cả nước đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản.
Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã phải có văn bản kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ trước tình trạng giá thép xây dựng tăng đột biến.
Đà tăng của giá xi măng, sắt thép không khó hiểu, đặc biệt trong những ngày gần đây, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, tác động trực tiếp đến giá nhập khẩu. Giá các loại quặng sắt, giá thép phế liệu nhập khẩu về để sản xuất trong nước đang tăng, đặc biệt, giá than bán cho hộ tiêu thụ lớn tăng 7-10% so với cùng kỳ.
Theo ghi nhận, giá than trên thị trường thế giới tăng liên tiếp từ tháng 7 đến nay. Tháng 7/2021, giá than là 125,25 USD/tấn; tháng 8/2021 là 150,15 USD/tấn; tháng 9/2021 là 172 USD/tấn; tháng 10/ 2021 là 230 USD/tấn.
Đại diện Vicem cho hay, giá than tăng tạo áp lực lớn cho các công ty sản xuất xi măng, bởi đây là ngành tiêu thụ nhiều than, chi phí than chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất xi măng. Không chỉ giá than tăng cao, mà dầu DO dùng để đốt khi mới sấy lò tăng giá trên 10%. Hàng loạt phụ gia dùng trong sản xuất xi măng cũng tăng giá.
Còn neo cao trong năm 2022
Các chuyên gia dự báo, giá các loại vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022.
Theo Báo cáo ngành vật liệu xây dựng từ VIRAC Research, Covid-19 được kiểm soát nhờ độ tiêm phủ vắc-xin sẽ khiến các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động hơn. Các dự án đầu tư công được triển khai mạnh mẽ, những dự án bất động sản trên toàn quốc cũng sôi động hơn, tạo đà tiêu thụ mạnh vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép khiến giá các mặt hàng này sẽ tiếp tục neo cao.
Hệ quả của đà tăng giá các mặt hàng vật liệu thiết yếu là đẩy giá công trình xây dựng lên mặt bằng mới. Bộ Xây dựng cho biết, trong quý III/2021, giá chung cư tại TP.HCM tăng khoảng 2%, Bình Dương khoảng 4%, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 5%. Trên thực tế, giá căn hộ tại nhiều địa bàn đã tăng đến 10%.
Việc giá thép tăng mạnh trong những tháng đầu năm và tiếp đà tăng giá trong quý IV đã gây ra rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư. Không ít chủ đầu tư đã không thể tiếp tục thi công vì tiếp tục làm thì lỗ, đành để mặc dự án “đắp chiếu”.
Hoạt động sản xuất của Việt Nam liên thông với thế giới và chịu tác động trực tiếp từ các đợt tăng giá nguyên liệu nhập khẩu cũng như cung cầu tại từng thời điểm. Do đó, việc điều chỉnh tăng giá là đương nhiên. Có điều, nhiều ý kiến cho rằng, khi giá nguyên liệu đầu vào giảm, các doanh nghiệp trong nước vẫn không có động thái hạ giá, như vậy là không sòng phẳng với thị trường và người tiêu dùng.