Xi măng Công Thanh lỗ 881 tỷ đồng năm 2021, âm vốn chủ sở hữu 3.998 tỷ đồng, tiếp tục lên kế hoạch lỗ 769,5 tỷ đồng năm 2022.
Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh vừa công bố báo cáo tài chính cho năm 2021. Theo đó, doanh nghiệp vẫn tiếp tục ghi nhận khoản lỗ khủng, khoảng 881 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 771 tỷ của năm 2020.
Trước tác động của đại dịch và các đợt giãn cách kéo dài, năm 2021 đã chứng kiến kết quả kinh doanh tụt dốc của doanh nghiệp.
Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất đạt hơn 4 triệu tấn sản phẩm, đạt 73% kế hoạch năm; sản lượng tiêu thụ đạt 3,12 triệu tấn, bằng 75% kế hoạch và giảm 14% so với tiêu thụ của năm 2020.
Năm qua, Công ty ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 2.493 tỷ đồng, bằng 77% kế hoạch và giảm 18% so với năm ngoái. Lỗ sau thuế kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 685 tỷ đồng nhưng kết thúc năm, khoản lỗ đã tăng lên 881 tỷ đồng, tương ứng tăng 29%.
Theo lãnh đạo Xi măng Công Thanh, sở dĩ kế hoạch sản xuất kinh doanh đạt thấp là do điều kiện kinh doanh năm qua không thuận lợi: dịch bệnh và chi phí đầu vào tăng cao, các chỉ tiêu sản lượng sản xuất cũng như tiêu thụ lẫn doanh thu chỉ đạt 70-80% kế hoạch năm.
Giãn cách xã hội kéo dài từ quý 3 đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, tác động đến công tác điều hành sản xuất; lợi nhuận của công ty không đạt kỳ vọng do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá than.
Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu sản xuất 4,73 triệu tấn sản phẩm, tăng 17% so với 2021, tiêu thụ 3,74 triệu tấn, tăng 20% (tiêu thụ nội địa 2,3 triệu tấn, tăng 91%, và xuất khẩu còn 1,42 triệu tấn, giảm 26%); doanh thu thuần 3.290 tỷ đồng, tăng 32%; kế hoạch lỗ sau thuế 769,5 tỷ đồng, giảm 13% so với 2021.
Công ty cho biết, sở dĩ đặt mục tiêu tăng mạnh lượng tiêu thụ nội địa và giảm xuất khẩu là do thị trường lớn nhất là Trung Quốc gặp nhiều khó khăn năm 2022, thị trường Philippines chịu thêm thuế tự vệ 5%, Bangladesh nâng thuế GTGT đối với xi măng nhập khẩu từ mức 15% lên 23%, điều này có thể tạo ra xu hướng áp thuế tại nhiều thị trường xuất khẩu khác của xi măng Việt Nam như Trung Quốc, Nam Phi.
Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu sơ cấp như than, dầu tăng cao. Giá than từ 60-70 USD/tấn nay đã tăng lên 220 USD/tấn và dự báo từ nay đến cuối năm còn tăng tiếp.
Triển vọng tiêu thụ nội địa gia tăng nhờ dịch Covid-19 đã được khống chế nhờ vaccine, nên Công ty sẽ đẩy mạnh các giải pháp để thúc đẩy bán hàng, theo đà phục hồi kinh tế và tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công như Cao tốc Bắc - Nam, hay đường vành đai ở các thành phố lớn sẽ được xây dựng và các dự án bất động sản, xây dựng phục hồi.
Tính đến 31/12/2021, Công ty CP Xi măng Công Thanh có quy mô tổng tài sản 12.769 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả của doanh nghiệp lên đến 16.767 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 2.727 tỷ đồng vượt tài sản ngắn hạn khoảng 1.820 tỷ đồng. Nợ dài hạn 14.039 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty chưa thực hiện chi trả theo kế hoạch khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến thời hạn trả với số tiền lên tới 921 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; khoản vay 300 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và khoản lãi vay từ các ngân hàng này 267 tỷ đồng.
Với các yếu tố trên, kiểm toán PwC đã nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty CP Xi măng Công Thanh.
Tại thời điểm lập báo cáo tài chính, ban tổng giám đốc của Xi măng Công Thanh cũng không thể cung cấp bằng chứng khả năng hoàn thành kế hoạch thanh toán do các ngân hàng đã đề ra. Điều này dẫn đến việc PwC chưa thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty cho rằng công ty vẫn có thể hoạt động liên tục vì có thể tạo ra dòng tiền để trả đáp ứng nhu cầu vốn lưu động, trả nợ. Công ty cũng cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư mới để tăng thêm vốn nhằm trả nợ ngân hàng và huy động thêm sự hỗ trợ tài chính.