Theo đó, quý I/2021 BCC đạt doanh thu 1.060 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với quý I/2020; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 13,4 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến thời điểm 31/3/2021, tiền và tương đương tiền của BCC là 8,6 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 so với đầu năm; khoản phải thu ngắn hạn khách hàng là 358,9 tỷ đồng, tăng gấp gần 6 lần so với đầu năm.
BCC có dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 95,4 tỷ đồng và có khoản đầu tư tài chính dài hạn vào công ty con 116,2 tỷ đồng nhưng đã phải trích lập dự phòng toàn bộ.
Trong khi đó, nợ ngắn hạn là 1.924 tỷ đồng, gồm phải trả người bán ngắn hạn là 908,5 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 729,2 tỷ đồng.
Số liệu trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 42 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 10,6 tỷ đồng.
Trước đó, theo Báo cáo tài chính năm 2020, BCC đạt doanh thu 4.299 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 84 tỷ đồng, bằng nửa lợi nhuận năm 2019.
BCC có vốn điều lệ 1.232 tỷ đồng, cổ đông nhà nước là Tổng công ty Vicem nắm giữ 90,1 triệu cổ phiếu, tương đương 73,1% vốn điều lệ. Sản phẩm của BCC chủ yếu được tiêu thụ ở Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Trị Thiên. Vài năm gần đây BCC không chia cổ tức bằng tiền mặt và cuối năm 2020 vừa qua đã chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12%.
Công ty cũng vừa công bố ngày giao dịch không hưởng quyền dự ĐHCĐ thường niên, theo đó ngày đăng ký cuối cùng là 1/6/2021. Tuy nhiên, Công ty đang xin gia hạn thời gian tổ chức ĐHCĐ, dự kiến tổ chức vào tháng 6 để rà soát sửa đổi điều lệ và quy chế quản lý.
Trên thị trường, tạm chốt phiếu giao dịch sáng nay ngày 11/5, cổ phiếu BCC giảm nhẹ 0,9% xuống 11.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 320.500 đơn vị.