Các bị cáo trong phiên xét xử

Các bị cáo trong phiên xét xử

Xét xử vụ thiệt hại 240 tỷ đồng khi cổ phần hóa Cienco 1: Bị can đùn đẩy trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đang tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty cổ phần và các đơn vị có liên quan.

Theo cáo buộc, trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Tổng giám đốc, các bị cáo Phạm Dũng, Cấn Hồng Lai cùng nhóm các đồng phạm đã có hành vi vi phạm, gây thất thoát tài sản Nhà nước số tiền 240 tỷ đồng trong quá trình thực hiện cổ phần hóa.

Áp dụng giá tạm tính, bỏ qua giá thị trường khi định giá đất

Trước cáo buộc về việc không tính giá trị thực tế quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nhóm bị cáo thuộc Cienco 1 cho rằng đã thực hiện theo đề nghị của đơn vị tư vấn, đưa giá tạm tính của giá trị quyền sử dụng 4 thửa đất.

Nguồn gốc các thửa đất là do Cienco 1 nhận chuyển nhượng của các tổ chức, cá nhân, là tài sản thuộc diện phải đưa vào giá trị doanh nghiệp, gồm: 422 m2 tại số 135, Nguyễn Văn Đậu (TP.HCM); 916 m2 tại TP. Tân An (tỉnh Long An); 16.706 m2 tại huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) và 852 m2 tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Cấn Hồng Lai cho rằng, Công ty Kiểm toán A&C (Chi nhánh Hà Nội) được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phê duyệt là đơn vị tư vấn. Đây là công ty xuyên suốt trong quá trình tư vấn, định giá để xác định giá trị cổ phần hóa của Cienco 1.

Theo bị cáo Lai, trước đó, do Tổng công ty không biết, nên vẫn đi thuê Công ty TNHH Thẩm định và Tư vấn Việt để xác định giá trị các lô đất. Sau đó, kết quả thẩm định của đơn vị này xác định theo giá thị trường là 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Kiểm toán A&C (Chi nhánh Hà Nội) đã bác bỏ kết quả định giá trên và đề nghị tính giá theo cách của Công ty Kiểm toán A&C với giá tạm tính là 12 tỷ đồng.

Việc thẩm định giá phải căn cứ vào giá đất của thị trường, nhưng Công ty Kiểm toán A&C (Chi nhánh Hà Nội) lại bác bỏ kết quả thẩm định của Công ty TNHH Thẩm định và Tư vấn Việt với giá trị 24 tỷ đồng; đưa ra mức giá tạm tính theo giá năm 2011 - 2012 là 12 tỷ đồng, sau đó sử dụng kết quả này để đưa vào báo cáo thẩm định giá, thông qua Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và được Bộ GTVT, Bộ Tài chính chấp thuận.

Cũng theo bị cáo Lai, lý do để quyết định việc này là do Công ty Kiểm toán A&C được Bộ GTVT trực tiếp ký hợp đồng; đồng thời cho rằng, việc không xác định giá trị 4 thửa đất theo giá thị trường để đưa vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa là trách nhiệm của đơn vị tư vấn.

Trả lời Hội đồng Xét xử về trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra vi phạm, thất thoát lớn tài sản Nhà nước, bị cáo Lai thừa nhận: “Bản thân biết kết quả đó chỉ là tạm tính, nếu đưa vào để cổ phần hóa doanh nghiệp thì không đúng”.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, Thẩm định viên Công ty Kiểm toán A&C (Chi nhánh Hà Nội - đơn vị trúng thầu gói Tư vấn của Bộ GTVT) không thừa nhận tội danh, đồng thời cho rằng, do thời gian thực hiện của Hợp đồng tư vấn chỉ có 60 ngày, nên chưa đủ thời gian để xác định giá đất (do Cienco 1 chưa có phương án sử dụng đất, UBND các tỉnh chưa phản hồi về xác định giá trị đất).

Bị cáo này cũng cho rằng, giá tạm tính đơn vị này đưa ra là đúng, nhưng trong Biên bản xác định giá trị doanh nghiệp đưa ra, đã có khuyến nghị về việc “do chưa có phương án sử dụng đất, giá đất chưa sát với thị trường, nên chủ đầu tư cần thu khoản chênh lệch tại thời điểm giao đất”.

Tuy nhiên, Hội đồng Xét xử phản bác các lời khai của bị cáo này, đồng thời cho rằng, bị cáo không áp dụng những căn cứ chính, quy định quan trọng nhất, mà chắp vá những quy định chưa đầy đủ và đổ lỗi do thời gian ngắn, để né tránh trách nhiệm, không thừa nhận các hành vi của mình.

Tự ý xóa nợ 184 tỷ đồng để “làm đẹp sổ sách”

Trong tổng số 240 tỷ đồng được xác định bị thất thoát trong quá trình cổ phần hóa Cienco 1, có 184 tỷ đồng là khoản “xóa nợ” cho đối tác của các lãnh đạo đơn vị này.

Theo đó, trong quá trình xử lý khoản nợ 364 tỷ đồng của 50 công ty liên quan tới hoạt động hợp tác, kinh doanh, Cấn Hồng Lai và các bị cáo đã thống nhất xóa nợ hơn 184 tỷ đồng, xác định đây là “khoản nợ khó thu hồi”.

Khi thực hiện cổ phần hoá xong, Cienco 1 đã đòi được 65 tỷ đồng trong số 184 tỷ đồng trên, nhưng không bàn giao cho Nhà nước theo quy định, mà chỉ đạo chi cho các hoạt động khác, không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Khai báo về hành vi trên, bị cáo Lai thừa nhận có trách nhiệm, nhưng động cơ làm sai với mục đích “làm đẹp sổ sách kế toán”, thuận tiện việc chào bán cổ phần phục vụ công tác cổ phần hóa.

Bị cáo này cho rằng, không nắm bắt về hoạt động tài chính, kế toán, nên khi đi công tác về, được Kế toán trưởng trình ký. Việc ký duyệt văn bản này cũng xuất phát từ sự thống nhất của các thành viên trong Hội đồng Thành viên.

Trái lại, bị cáo Phạm Dũng lại cho rằng, thời điểm đó đang làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên, nhưng việc xử lý tài chính đã có Hội đồng Xử lý nợ, bản thân không nằm trong cơ cấu chuyên môn này.

Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát đưa ra căn cứ chứng minh, sau khi nhận được tờ trình, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cienco 1 Phạm Dũng đã ký quyết định chấp thuận đề nghị, song các khoản nợ vẫn phải được theo dõi, thu hồi.

Do đó, Viện Kiểm sát khẳng định, trên thực tế đã có sự thống nhất, để che giấu việc xử lý nợ trái luật; không đưa khoản nợ này vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; cũng không bàn giao cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam để quản lý, thu hồi.

Cũng theo Viện Kiểm sát, tại tòa sơ thẩm, các bị cáo đã thừa nhận có sai phạm và đề nghị được xem xét về nguyên nhân xảy ra vụ án là do áp lực yêu cầu gấp rút hoàn thành cổ phần hóa; trên thực tế, các bị cáo không tư lợi, hưởng lợi gì.

Riêng về sai phạm trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, các bị cáo Phạm Dũng, Cấn Hồng Lai thừa nhận vi phạm, nhưng không thừa nhận trách nhiệm đối với hậu quả gây thiệt hại cho Nhà nước.

Căn cứ vào các chứng cứ thu thập được và lời khai của các bị cáo tại tòa, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án 9-10 năm tù đối với bị cáo Phạm Dũng, Cấn Hồng Lai.

Tin bài liên quan