Công ty chứng khoán SME hiện đã dừng hoạt động

Công ty chứng khoán SME hiện đã dừng hoạt động

Xét xử vụ lừa đảo tại CTCK SME: Giả mạo con dấu, chữ ký của cả VSD

(ĐTCK) Tòa án nhân dân TP.Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại CTCK SME.

Tài liệu vụ án cho thấy, năm 2011, Phan Huy Chí (SN 1975, trú tại Đống Đa, Hà Nội), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK SME, đã nhận ủy thác 298 tỷ đồng từ Ngân hàng H để mua trái phiếu.

Hình thức, hai bên ký hợp đồng môi giới trái phiếu, nếu đến hạn mà SME không mua được trái phiếu cho ngân hàng thì sẽ phải trả lại tiền gốc kèm theo lãi.

Để nhận ủy thác, SME đã dùng chứng khoán của khách hàng làm tài sản bảo đảm. Giữa SME, Ngân hàng và khách hàng đã ký 12 hợp đồng cầm cố chứng khoán. Theo đó, trường hợp SME không trả được gốc và lãi, thì Ngân hàng có quyền xử lý các cổ phiếu đã cầm cố để thu hồi nợ.

Tổng giá trị chứng khoán được định giá theo 12 hợp đồng nói trên là 310 tỷ đồng.

Về 3 hợp đồng môi giới trái phiếu, hợp đồng thứ nhất ký từ tháng 3/2011, trị giá 400 tỷ đồng, Ngân hàng H đặt cọc 200 tỷ đồng, nhưng đến hạn 30/11/2011, SME không mua được trái phiếu theo thỏa thuận, cũng không trả lại được tiền.

Tương tự, 2 hợp đồng tiếp theo, đến hạn SME đều không mua được trái phiếu. Khi hợp đồng thứ hai (50 tỷ đồng) đến hạn, SME đã ký tiếp hợp đồng môi giới trái phiếu thứ 3 (48 tỷ đồng) và lấy khoản này trả cho hợp đồng thứ 2. Sau đó, hai bên ký thanh lý hợp đồng thứ 2.

Nhưng thực tế, các hợp đồng cầm cố chứng khoán đều là hợp đồng giả tạo, lập ra để hợp thức yêu cầu cần có tài sản bảo đảm.

Tại cơ quan điều tra, Phan Huy Chí khai rằng, bản chất hợp đồng môi giới trái piếu là việc SME vay vốn ngân hàng, khi đó Ngân hàng H không có nhu cầu ủy thác mua trái phiếu. Do SME không có tài sản bảo đảm, theo đúng quy trình tín dụng, ngân hàng không thể cho SME vay tiền, không thể giải ngân. Bởi vậy, sau khi Phan Huy Chí trao đổi với ông Vũ Đình Khoán, Giám đốc Ngân hàng H - Chi nhánh Hà Nội và thống nhất sẽ dùng hợp đồng môi giới trái phiếu để hợp thức việc vay vốn.

Vào tháng 12/2011, Công an Thành phố Hà Nội tiếp nhận đơn thư của một nhân viên SME, anh Đặng Việt Hưng, đề nghị làm rõ hành vi giả mạo chữ ký, chữ viết của anh trên hợp đồng cầm cố chứng khoán giữa SME và Ngân hàng H.

Tiếp đó, Công an Thành phố Hà Nội nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc VSD đề nghị làm rõ hành vi làm giả chữ ký của bà Hà và con dấu của VSD trong  yêu cầu chuyển khoản cầm cố chứng khoán do SME gửi VSD.

Kết quả điều tra cho thấy, Phan Huy Chí đã chỉ đạo các nhân viên lập chứng từ khống để nhận ủy thác 298 tỷ đồng của Ngân hàng H.

Toàn bộ 12 hợp đồng cầm cố chứng khoán này đều do Phan Huy Chí chỉ đạo nhận viên thực hiện để hợp thức theo đúng yêu cầu của ngân hàng. Số liệu chứng khoán cầm cố ghi trong hợp đồng do Đặng Việt Hưng, nhân viên công ty cung cấp cho các nhân viên soạn thảo. Các tài khoản đứng tên trong hợp đồng cầm cố là các tài khoản đứng tên 9 cá nhân. Những người này là nhân viên hoặc người quen mà CTCK SME nhờ đứng tên và sử dụng để tự doanh.

Trong số 9 cá nhân này, có 7 người đứng tên trên hợp đồng cầm cố đã ký theo sự nhờ vả của Phan Huy Chí, thực tế họ không sở hữu chứng khoán, không cầm cố và không biết mục đích của Phan Huy Chí khi nhờ ký vào hợp đồng, 2 cá nhân được xác định là không có cổ phần, không ký vào các hợp đồng.

Để thực hiện việc cầm cố, Phan Huy Chí đã ban hành 2 văn bản yêu cầu chuyển khoản cầm cố chứng khoán gửi VSD trong đó có chữ ký của Phó tổng giám đốc VSD Nguyễn Thị Thanh Hà và đóng dấu của VSD.

Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại VSD, kết quả cho thấy VSD không tiếp nhận, không xác nhận 2 yêu cầu nói trên. Kết quả giám định cho thấy, hình dấu của VSD được làm bằng phương pháp in laser và chữ ký trong văn bản không phải là chữ ký của bà Hà.

Sau này, qua đối chất thì Phan Huy Chí thay đổi lời khai, xác định rằng, phía Ngân hàng không biết, không tham gia việc hợp thức vay vốn bằng hợp đồng môi giới trái phiếu.

Đối với các cán bộ ngân hàng, ông Vũ Đình Khoán, nguyên Giám đốc Chi nhánh Hà Nội khẳng định, việc ký hợp đồng với SME là theo chủ trương kinh doanh của Hội sở ngân hàng và được thực hiện đúng quy định.

Khoản tiền 298 tỷ đồng được Phan Huy Chí sử dụng trả nợ cho các công ty khác của Chí. Chẳng hạn, CTCP Bất động sản ANH có hợp đồng ủy thác kinh doanh bất động sản thời hạn 6 tháng, lãi suất 16%/năm, số tiền 90 tỷ đồng. Khi hết hạn ủy thác, Công ty này không trả được nợ, nên Phan Huy Chí dùng gần 100 tỷ đồng nhận từ HDBank trả nợ.

Ngoài ra, Phan Huy Chí còn chuyển hàng chục tỷ đồng vào CTCP Tư vấn Anh để Phan Huy Chí tự chơi chứng khoán, trả nợ cho cá nhân Chí hàng chục tỷ đồng, cho người khác vay…

Phan Huy Chí còn chuyển cho CTCK Agribank (Agriseco) hơn 18 tỷ đồng để tất toán các hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán niêm yết.

Các CTCP Bất động sản ANH, Công ty Tư vấn Anh, và CTCP Đầu tư SME đều do Phan Huy Chí làm Chủ tịch HĐQT, trực tiếp điều hành, chỉ đạo hoạt động.

Cũng theo hồ sơ vụ án, vào tháng 4/2012, Công ty SME đã có công văn gửi Cơ quan điều tra đề nghị thu hồi 800.000 cổ phiếu CVN tại CTCK Golden Bridge để khắc phục hậu quả vụ án. Tuy nhiên, xét đây là quan hệ dân sự, liên quan đến rất nhiều cá nhân và tài khoản chứng khoán, cơ quan điều tra đã ra quyết định tách rút số tài liệu nói trên.

Liên quan đến khắc phục hậu quả, Phan Huy Chí và gia đình đã dùng tài sản là bất động sản tại 21 Cửa Nam (Hà Nội) trị giá 130 tỷ đồng và tại 98 Nguyễn Khuyến (Hà Nội) trị giá 98 tỷ đồng.

Giữa SME và Ngân hàng H đã đạt được thỏa thuận về cách thức thu hồi số tiền còn thiếu 38 tỷ đồng. Do đó, ngân hàng không còn kiến nghị về bồi thường dân sự.

Quá trình điều tra, bản thân Phan Huy Chí có đơn thư tố cáo 4 cá nhân làm việc tại SME đã có hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt số tiền 340 tỷ đồng của SME thông qua việc cho vay cầm cố chứng khoán, trong đó có Phạm Minh Tuấn nguyên Tổng giám đốc SME.

Việc này, theo tố cáo của Chí, dẫn đến tình trạng mất thanh khoản của SME, không có nguồn tài chính trả cho các ngân hàng. Được biết, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án đối Phạm Minh Tuấn.

Bản án sơ thẩm nhận định hành vi của Phan Huy Chí đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội nhiều lần, số tiền đặc biệt lớn nhưng do đã khắc phục phần lớn hậu quả, nhân thân tốt nên xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Phan Huy Chí bị tuyên phạt 20 năm tù giam.

Tin bài liên quan