Ngày mai, 23/9, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt gần 29 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB).
Theo đó, vợ chồng Nguyễn Sơn Hải (sinh năm 1975) và Phạm Vân Anh (sinh năm 1976), cùng trú tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Hồ sơ vụ án thể hiện, bị cáo Hải và Vân Anh giữ vai trò Giám đốc và Phó giám đốc Công ty cổ phần Cửa cuốn Úc-SmartDoor, đồng thời còn thành lập và nhờ người đứng tên 4 công ty khác.
Năm 2012, vợ chồng Hải sử dụng 5 pháp nhân trên để ký các hợp đồng mua bán hàng hóa, các giấy tờ liên quan việc mua bán nhôm, thép không gỉ; đồng thời xuất khống hóa đơn Giá trị gia tăng cho nhau.
Thực tế, hàng hóa mua bán là nhôm, thép không gỉ không có thật; không có việc mua bán hàng hóa giữa các công ty với nhau, nhưng vợ chồng Hải đã sử dụng các văn bản trên để lập hồ sơ vay vốn của Ngân hàng VIB chi nhánh Hà Nội số tiền gần 29 tỷ đồng và được giải ngân theo 12 khế ước nhận nợ.
Sau khi được ngân hàng giải ngân, Hải đã không sử dụng tiền vay theo đúng mục đích vay vốn, mà chuyển lòng vòng qua các công ty, trước khi dùng trả các khoản nợ trước đó của Công ty cổ phần Cửa cuốn Úc-SmartDoor tại Ngân hàng Techcombank, VIB hoặc để chi dùng cho hoạt động khác.
Năm 2016, Ngân hàng VIB đã gửi đơn tố giác Nguyễn Sơn Hải đến cơ quan công an, sau đó, đến ngày 20/12/2017, Hải đã khắc phục hậu quả, trả toàn bộ tiền dư nợ gốc của 12 khế ước nhận nợ trên (số tiền được xác định mua bán hàng hóa khống) cho Ngân hàng VIB, với tổng số tiền 25,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, dư nợ gốc còn lại là gần 7,7 tỷ đồng của 9 khế ước nhận nợ được xác định mua bán hàng hóa thật.
Tháng 8/2018, Ngân hàng VIB có văn bản gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội và Viện Kiểm sát cùng cấp, đề nghị rút đơn tố cáo, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vợ chồng Hải do đã khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Tuy nhiên, cơ quan tố tụng không chấp nhuận và cho rằng, hành vi phạm tội của vợ chồng giám đốc doanh nghiệp đã hoàn thành.
Tại cơ quan điều tra, ban đầu Hải thừa nhận hành vi của mình. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra bổ sung, Hải thay đổi lời khai và cho rằng, khoảng năm 2010 - 2011, do bị ốm nên không điều hành hoạt động của công ty, không ủy quyền cho ai và công ty không hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hải khẳng định không biết về các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty cổ phần Cửa cuốn Úc-SmartDoor và 4 doanh nghiệp liên quan, không chỉ đạo Vân Anh ký các khế ước nhận nợ, ủy nhiệm chi với Ngân hàng VIB, không biết về số tiền mà tổ chức tín dụng giải ngân theo các hợp đồng kinh tế. Con dấu của các công ty và dấu chữ ký của Hải do Vân Anh quản lý, sử dụng.
Bên cạnh đó, Vân Anh khẳng định có ký các khế ước nhận nợ, đề nghị vay vốn, ủy nhiệm chi mà kế toán trưởng của công ty đưa lên do Hải chỉ đạo (có ký Giấy ủy quyền); nhưng không biết ai lập các hợp đồng kinh tế mua bán hàng hóa khống, biên bản giao nhận hàng hóa; không biết ai quản lý, sử dụng con dấu của công ty và dấu chữ ký của Hải; không biết về số tiền Ngân hàng VIB giải ngân được sử dụng như thế nào, do Hải và kế toán quản lý.
Trong vụ án này, nhân viên của ngân hàng cũng bị xác định vi phạm quy chế cho vay khi xử lý hồ sơ của Công ty cổ phần Cửa cuốn Úc - SmartDoor, nhưng do hậu quả đã được khắc phục nên cơ quan tố tụng không xem xét xử lý.
Quá trình điều tra vụ án cũng xác định, Nguyễn Sơn Hải còn bị Ngân hàng TPBank tố cáo dùng pháp nhân là Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Thiên Phú, do ông Phạm Quang Hoàn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật (Hải là Phó tổng giám đốc), để vay gần 19,5 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là hàng hóa trị giá hơn 31 tỷ đồng.
Sau khi được giải ngân, Công ty Thiên Phú đã tự ý bán số tài sản đảm bảo này, nhưng không thông báo cho ngân hàng. Đến nay, phía công ty đã trả toàn bộ nợ gốc và Ngân hàng TPBank rút đơn tố cáo.
Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định tách tài liệu liên quan đến hành vi tự ý bán tải sản đảm bảo thế chấp tại ngân hàng để điều tra, xử lý sau.