Xét xử vụ Công ty địa ốc Alibaba, phiên tòa với nhiều “cái nhất”

0:00 / 0:00
0:00
Ngày mai (8/12), phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba lừa đảo khách hàng dự kiến diễn ra với nhiều điều chưa có tiền lệ, nhiều “kỷ lục” trong lịch sử tố tụng.
Phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba lừa đảo khách hàng dự kiến diễn ra ngày mai (8/12).

Phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba lừa đảo khách hàng dự kiến diễn ra ngày mai (8/12).

Vụ án có hơn 4.500 bị hại…

Phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba lừa đảo khách hàng dự kiến diễn ra ngày mai (8/12) sẽ lập “kỷ lục” trong lịch sử tố tụng với nhiều điều chưa có tiền lệ.

Đây là phiên tòa có nhiều bị hại nhất với hơn 4.500 người, các bị hại phân bố đều ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước và tất cả các quận huyện của TP.HCM; hồ sơ vụ án có hơn 1 triệu bút lục và để thực hiện xét xử kéo dài, TAND TP.HCM đã phải chi ra hàng tỷ đồng cho công tác tổ chức.

Theo ông Phạm Ngọc Duy, Chánh văn phòng TAND TP.HCM, dù vụ án đã kết thúc điều tra nhưng trong khoảng một tháng nay các bị hại vẫn tiếp tục đến tòa để cung cấp các tài liệu quan trọng và nêu các yêu cầu của từng người.

Để bảo vệ quyền lợi cho người bị hại trong vụ án, ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ và ra quyết định xét xử, TAND TP.HCM đã huy động nhân lực tập trung hướng dẫn các bị hại nộp các giấy tờ và yêu cầu đối với từng hợp đồng.

Vì số bị hại đông, tòa cũng không thể nào thẩm vấn trong một ngày mà xong hết nên phải chia thành các nhóm bị hại theo từng dự án. Do đó, lượng bị hại chia ra trong nhiều ngày chứ không tập trung tất cả các ngày để tránh mất thời gian đi lại và tòa cũng không bị quá tải.

Về tổ chức xét xử, do trụ sở tòa đang trùng tu nên các phòng xử không đủ sức chứa hết các bị hại và người liên quan, do đó phải dành nguyên khoảng sân trước tòa để dựng ba nhà bạt với sức chứa khoảng 2.000 người để các bị hại và lực lượng hỗ trợ phiên tòa có chỗ làm việc.

Đến nay, việc dựng nhà bạt, trang bị ghế ngồi, quạt gió đã cơ bản hoàn thành. Tòa cũng đặt màn hình và camera để truyền các hình ảnh trực tiếp từ phiên tòa ra ngoài sân để các bị hại theo dõi.

Tại khu vực sân tòa cũng đặt bục khai báo và camera để các bị hại cung cấp thông tin từ đây chứ không phải vào phòng xử để tránh mất thời gian và đi lại lộn xộn.

Do sân tòa được tận dụng để dựng nhà bạt làm nơi xét xử nên các bị hại đến tòa phải gửi xe bên ngoài. TAND Thành phố đã làm việc với các cơ quan chức năng quận 1 đề nghị hỗ trợ lực lượng thanh niên xung phong và CSGT hướng dẫn chỗ gửi xe cho các bị hại để vào tham gia phiên tòa.

Trước mắt, những người tham gia phiên tòa có thể gửi xe tại công viên Tao Đàn và công viên 30/4 rồi đi bộ vào. Ngoài ra, để hàng ngàn người làm việc liên tục gần một tháng, tòa sẽ bố trí nước uống miễn phí tại các khu vực diễn ra phiên xử.

…Và hơn 1 triệu bút lục

Bên cạnh số lượng bị hại lớn thì vụ án này cũng có một “kỷ lục” nừa là hơn 1 triệu bút lục. Tòa án nhân dân TP.HCM đã phải dành riêng một phòng để đựng hồ sơ và lắp camera giám sát 24/24 số hồ sơ này.

Quang cảnh một buổi mở bán dự án bất động sản tại tỉnh Đồng Nai của Công ty Alibaba. (Ảnh: Việt Dũng).
Quang cảnh một buổi mở bán dự án bất động sản tại tỉnh Đồng Nai của Công ty Alibaba. (Ảnh: Việt Dũng).

Riêng nhân sự phục vụ phiên tòa này khoảng 200 người, trong đó có lực lượng cảnh sát tư pháp, cảnh sát PCCC, bảo vệ, y tế (chăm sóc sức khỏe cho các bị cáo và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng) túc trực tại chỗ.

Phiên tòa đông người nên ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho bị cáo thì TAND Thành phố cũng mời lực lượng y tế của Trung tâm 115 đến chăm sóc sức khỏe cho người tham dự phiên tòa, đề phòng các tình huống phát sinh không mong muốn.

Để phục vụ công tác xét xử, TAND TP.HCM đã phải chi hàng tỷ đồng để in ấn tài liệu, giấy triệu tập, hướng dẫn gửi đến những người tham gia phiên tòa và nhiều chi phí khác nữa. Con số 200 người phục vụ phiên tòa liên tục cũng phải được chăm lo bảo đảm. Tiền này từ nguồn do TAND tối cao và TP.HCM hỗ trợ.

Năm 2017, Báo Đầu tư đã vào cuộc khi phát hiện những bất thường như: Alibaba lớn nhanh bất ngờ (được thành lập ngày 5/5/2016 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, nhưng đến ngày 26/9/2017, sau 3 lần thay đổi, thì số vốn đã tăng lên 1.600 tỷ đồng và tuyên bố sẽ nhanh chóng phát triển vươn ra 63 tỉnh, thành phố trong cả nước); rao bán hàng loạt “dự án” đất nền tại Đồng Nai và các tỉnh, thành phố lân cận, cam kết lợi nhuận “khủng”; tuyển dụng số lượng lớn nhân viên mà không cần các tiêu chí về văn hóa, trình độ…, chỉ cần có tham vọng làm giàu và “nghệ thuật” lôi kéo người khác.

Vụ án Alibaba có 23 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền” với hơn 4.500 bị hại và số tiền bị chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng, liên quan 58 dự án trên địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu

Cáo trạng xác định bị cáo Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) là người chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ quá trình hoạt động của Công ty Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc

Luyện chỉ đạo các nhân viên dưới quyền đi mua đất nông nghiệp theo khung giá đất Luyện chỉ định, sau đó chỉ đạo bộ phận thiết kế vẽ đồ họa, chia thửa đất thành nhiều lô và định giá để bán cho các khách hàng.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về Luật đất đai cũng như các quy định pháp luật khác, Luyện đã bán cho khách hàng bằng hợp đồng ký với Công ty Alibaba và các pháp nhân khác các lô đất trên cơ sở các thửa đất nông nghiệp (trên giấy) chứ không chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.

Có những thửa đất nông nghiệp Luyện chưa mua được nhưng vẫn phân lô bán cho khách hàng.

Tin bài liên quan