Xét xử vụ án liên quan ông Trần Bắc Hà: "Có hàng vạn khách hàng, nhưng ông Hà có công văn riêng cho Công ty Trung Dũng?"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bị cáo Đoàn Hồng Dũng, cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng - nhận được bút phê riêng của ông Trần Bắc Hà, khai rằng không có quan hệ gì với ông Hà.
Xét xử vụ án liên quan ông Trần Bắc Hà: "Có hàng vạn khách hàng, nhưng ông Hà có công văn riêng cho Công ty Trung Dũng?"

Sáng 27/10, HĐXX vụ án gây thất thoát hơn 1.600 tỷ đồng liên quan ông Trần Bắc Hà tiếp tục thẩm vấn các bị cáo về khoản vay của Công ty Trung Dũng.

Bán hàng thế chấp để tự cứu?

Từ năm 2007 đến 2011, BIDV – chi nhánh Hà Thành đã cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng dưới 3 hình thức: bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán trái phiếu để đầu tư vào CTCP Gang thép Thái Nguyên (Công ty Tisco), cho vay ngắn hạn theo hạn mức, cấp tín dụng qua L/C.

Quá trình vay vốn, đã xảy ra hàng loạt vi phạm về hoạt động ngân hàng dẫn đến thiệt hại cho BIDV số tiền 864 tỷ đồng và hành vi lạm dụng chiếm đoạt tài sản của BIDV số tiền 263 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Đoàn Hồng Dũng, nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng khai, công ty được ngân hàng cấp hạn mức tín dụng năm 2011. Việc vay vốn và mở L/C theo trình tự thông thường. Khi ngân hàng giải ngân, bị cáo sử dụng vào hoạt động của doanh nghiệp, bị cáo không chiếm dụng.

Cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng giải trình về tình hình kinh doanh khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Theo bị cáo, lô nhập khẩu năm 2011, Công ty bị lỗ, không đủ tiền trả ngân hàng, trong khi lãi suất vay cao nhất từ trước đến nay, có lúc lên đến hơn 20%/năm. Có những khoản tiền bán hàng xong bị đối tác trừ nợ luôn.

Đối với khoản L/C, bị cáo Đoàn Hồng Dũng khai ký hợp đồng cấp L/C theo quy định ngân hàng. Toàn bộ hàng hóa nhập về phải thế chấp làm tài sản bảo đảm. Tiền bán hàng phải chuyển về tài khoản của công ty mở tại chi nhánh Hà Thành.

Thời điểm đó, bị cáo nhập phôi thép về bán cho CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) nhưng Tisco không chịu trả tiền mặt mà đòi thanh toán bù trừ bằng thép thành phẩm.

Lúc đó, Công ty đã giao được 1.000 tấn phôi thép cho Tisco. Nếu thanh toán bù trừ thì tiền bán thép thành phẩm không đủ trả cho L/C do giá thép thành phẩm xuống thấp.

Nếu chấp nhận bù trừ thì lỗ vài ba triệu 1 tấn thép. Công ty và Tisco đã làm việc nhiều lần đề nghị Tisco tạo điều kiện nhưng không được. Bị cáo có trình bày với ngân hàng nhưng ngân hàng cũng không chấp nhận.

Bị cáo Đoàn Hồng Dũng nói: “Để tự cứu lấy mình, bị cáo đã bán thép cho doanh nghiệp khác dù lỗ để lấy tiền mặt về trả ngân hàng”.

Trước câu hỏi vặn của thẩm phán Trương Việt Toàn, việc bán tài sản thế chấp mà không được ngân hàng chấp thuận bằng văn bản liệu có hợp pháp? Đó có phải là lừa đảo hay lạm dụng?

Bị cáo Đoàn Hồng Dũng thừa nhận khi bị cáo bán hàng không có đồng ý của ngân hàng, bị cáo cũng không nói cho bên mua biết đây là tài sản thế chấp. Bị cáo thừa nhận có sai phạm, có lỗi, số tiền bán thép bị cáo sử dụng để trả nợ của Công ty Trung Dũng, các chi phí công ty, chi phí cá nhân... còn hơn 263 tỷ đồng chưa thanh toán được.

“Bây giờ bị cáo trắng tay, vợ con bị cáo không có nhà ở. Đến nay đã trả cho ngân hàng được vài trăm tỷ đồng. Còn tòa văn phòng trụ sở công ty ở Thái Nguyên cũng đã bàn giao cho ngân hàng từ 2015” – bị cáo Dũng khai.

Bút phê riêng của ông Trần Bắc Hà

Theo cáo trạng, khi Công ty Trung Dũng đề nghị cấp L/C, chi nhánh Hà Thành đã từ chối phát hành. Nhưng sau đó, Công ty có văn bản gửi lên Hội sở và được ông Trần Bắc Hà bút phê yêu cầu chi nhánh đánh giá và có báo cáo đề xuất chủ trương.

Năm 2011, Công ty Trung Dũng được tái cấp tín dụng hạn mức 700 tỷ đồng. Khi tài sản bảo đảm không đảm bảo tỷ lệ theo quy định của ngân hàng, chi nhánh Hà Thành đã ngừng giải ngân. Nhưng sau đó, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo chi nhánh luân chuyển cán bộ với mục đích yêu cầu chi nhánh phải tiếp tục giải ngân.

Về mối quan hệ với ông Trần Bắc Hà, bị cáo Dũng trình bày không có quan hệ gì, “quan hệ với ông Bắc Hà, doanh nghiệp của bị cáo chưa đến lượt”.

Thẩm phán Trương Việt Toàn nêu vấn đề: không có quan hệ gì mà ông Bắc Hà sâu sát có công văn riêng chỉ đạo chi nhánh Hà Thành phải cho Công ty Trung Dũng vay? Ông Hà có hàng vạn khách hàng, mà viết riêng cho Công ty Trung Dũng?

Bị cáo Đoàn Hồng Dũng không trả lời được.

Vợ bị cáo Đoàn Hồng Dũng là Nguyễn Thị Thanh Sơn cũng bị xét xử trong vụ án này. Bị cáo Sơn khai rằng bị cáo đứng tên Giám đốc Công ty Hà Nam nhưng cả 2 công ty Trung Dũng và Hà Nam đều do bị cáo Dũng điều hành. Việc Công ty Hà Nam và Trung Dũng mua bán phôi, phế bị cáo biết nhưng không biết đây là hàng hóa đã thế chấp cho ngân hàng.

Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, bị cáo Sơn lại thừa nhận khi bị cáo Dũng bàn bạc về việc bán hàng không chuyển tiền về BIDV, bị cáo có biết và đồng ý dùng pháp nhân Công ty Hà Nam, Công ty Đầu tư Trung Dũng để mua bán, tránh sự kiểm soát của ngân hàng.

Tin bài liên quan