Xét xử 'đại án lịch sử' Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan phủ nhận nhiều cáo buộc

0:00 / 0:00
0:00
Phiên tòa xét xử “đại án lịch sử” Vạn Thịnh Phát vào phần gay cấn, khi các luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo để bảo vệ thân chủ. Lời khai của các bị cáo cho thấy, chỉ cần một chiêu “giải quỹ”, mà đạt được nhiều đích như cắt đứt, che giấu dòng tiền, không phải nộp thuế; và cũng cho thấy, đã có lượng tiền lớn “thoát” ra nước ngoài...
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (thứ 2, từ phải sang) tại phiên tòa

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (thứ 2, từ phải sang) tại phiên tòa

Phiên tòa xét xử “đại án lịch sử” Vạn Thịnh Phát vào phần gay cấn, khi các luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo để bảo vệ thân chủ. Lời khai của các bị cáo cho thấy, chỉ cần một chiêu “giải quỹ”, mà đạt được nhiều đích như cắt đứt, che giấu dòng tiền, không phải nộp thuế; và cũng cho thấy, đã có lượng tiền lớn “thoát” ra nước ngoài...

Giải quỹ đã thành “nếp hoạt động” của SCB

Cáo trạng xác định, để hợp thức việc rút tiền đã được SCB giải ngân theo phương án khống, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Anh, Hồ Bửu Phương, Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luân “giải quỹ” để cắt đứt dòng tiền.

Việc “giải quỹ” được thực hiện bằng cách lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, trong đó các công ty “ma” được thụ hưởng tiền giải ngân hứa mua cổ phần của các cá nhân (được thuê đứng tên sở hữu cổ phần của công ty “ma” khác).

Sau khi ký hợp đồng, các cá nhân sẽ đến SCB ký chứng từ rút tiền. Công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục “các khoản phải thu”, không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần, nên không phát sinh thuế, tránh việc bị cơ quan thuế phát hiện sai phạm. Số tiền này cuối cùng chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của Trương Mỹ Lan.

Nhận 5,2 triệu USD để… an toàn cho gia đình

Đó là lời khai của bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Trưởng đoàn Thanh tra) trước thẩm vấn của Viện Kiểm sát. Bà Nhàn khai nhận tiền của Võ Tấn Hoàng Văn là hoàn toàn thụ động, vì không có sự bàn bạc với bất cứ ai ở SCB. Đứng trước sự lựa chọn an toàn cho bản thân và gia đình với việc tạm thời vi phạm pháp luật, thì bị cáo chấp nhận nhận tiền để “an toàn cho gia đình”. Tiền nhận về, bị cáo cũng chỉ để trong góc nhà. Sau đó, bị cáo nhiều lần liên hệ để trả lại, nhưng Võ Tấn Hoàng Văn không đến lấy.

Trong thời gian từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/7/2020, Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) đã xin ý kiến Hồ Bửu Phương để tạo lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần đối với 277 khoản vay của 118 công ty tại SCB, rút ra dưới hình thức tạo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống là 190.771 tỷ đồng

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) khai, “giải quỹ” từ lâu đã thành “nếp hoạt động” của Công ty, không giải quỹ, thì không rút tiền ra được. Tuy nhiên, bị cáo này cũng khai, không được giao trách nhiệm theo dõi dòng tiền có quay trở lại hay không.

Hầu hết khoản vay của SCB chỉ để đảo nợ

Theo cáo trạng, Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) biết rõ các khoản vay của Trương Mỹ Lan, nhưng đứng tên các cá nhân, công ty “ma”, mà vẫn chỉ đạo thực hiện giải ngân, rút tiền của SCB ra trước, sau đó mới hoàn thiện hợp thức hồ sơ cho vay, chứ không thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định pháp luật. Trần Thị Mỹ Dung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 200.000 tỷ đồng và gây thiệt hại cho SCB gần 70.000 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của luật sư về việc giải ngân trước, làm hồ sơ sau, bị cáo Dung cho hay, thực tế, hầu như tất cả khoản vay ở SCB đều là khoản vay ngắn hạn, khi tới hạn chỉ có 2 phương pháp là trả vào hoặc cơ cấu. Trả vào là có khoản vay mới để đáo hạn khoản vay cũ. Khoản vay mới thì dòng tiền không đi ra ngoài, mà để trả khoản vay cũ, tức là những khoản vay này đã được rút ra từ trước.

Còn khoản vay cơ cấu là khoản vay đã tới hạn, nhưng không trả, đến thời hạn trả nhưng không trả, thì được cơ cấu thời gian dài hơn cả gốc và lãi. Hầu hết các khoản vay tại SCB cơ cấu cả gốc lẫn lãi.

Bị cáo Dung nói, không thể nhớ trong số 617 hồ sơ vay vốn từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2022 có bao nhiêu khoản vay không có giải ngân mà chỉ tất toán nợ cũ, tạo nợ mới. Bởi vì, số lượng nhiều, thời gian lâu, cũng không thống kê khoản nào rút ra, khoản nào đi tiền mặt, nên không có số liệu chính xác về giải ngân bao nhiêu và nợ bao nhiêu. Có nhiều khoản vay vào thời trước khi bà Dung bị bắt, là thời điểm đến hạn rút nhiều khoản vay tại SCB, hầu hết là vay để thanh toán khoản vay cũ.

Đưa lọt ra nước ngoài số tiền rất lớn

Đây là điểm rất đáng lưu ý. Cụ thể, bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) khai, bị cáo từng thực hiện nhiều lệnh chuyển tiền ra nước ngoài cho bà Trương Mỹ Lan. Các lệnh chuyển tiền này là để thanh toán việc mua vốn góp của công ty nước ngoài ở Việt Nam; thanh toán các khoản tín dụng khi bà Lan đi nước ngoài.

Việc chuyển tiền ra nước ngoài, Trương Khánh Hoàng không được họp bàn, mà chỉ làm theo yêu cầu. Khi lập hồ sơ, bị cáo làm việc với nhóm của Nguyễn Phương Anh và bên này phụ trách thực hiện giải quỹ. Sau khi giải ngân, việc sử dụng tiền do bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung trả lời thẩm vấn tại tòa

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung trả lời thẩm vấn tại tòa

Theo công bố của đại diện Viện Kiểm sát về lời khai của bị cáo Hoàng, thì bị cáo này biết Trương Mỹ Lan đầu tư cùng đối tác nước ngoài bằng hình thức đặt cọc. Số tiền đặt cọc này rất lớn, khi chuyển cho đối tác nước ngoài có thông qua Cục Phòng chống rửa tiền. Tiền sau khi chuyển ra nước ngoài được bà Lan đầu tư dự án, đồng thời, bà Lan hủy phần đặt cọc ở Việt Nam. Nhiều lần như vậy, nên số tiền bà Lan chuyển ra nước ngoài rất lớn.

“Chết” vì làm theo chỉ đạo… miệng

Chồng bà Trương Mỹ Lan nhận sai

Tại tòa, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) khai sở hữu hơn 99% cổ phần Times Square. Bị cáo đã ký văn bản cho phép bà Lan sử dụng tài sản để thế chấp nhằm giúp tái cơ cấu ngân hàng theo đề nghị của vợ. Về lần ký văn bản thứ 2, khi ký, mặc dù bà Lan không nói gì, nhưng bị cáo vẫn ký vì nghĩ là để giúp ngân hàng.

Bị cáo Chu Lập Cơ nói, dù không biết tiếng Việt, nhưng tin tưởng vào nhân viên, trợ lý của mình, nên vẫn ký. Bị cáo không biết gì về tình hình sử dụng các tài sản, khoản vay tại SCB và hoàn toàn không nghĩ sẽ có hậu quả như hôm nay. Bị cáo không cố tình ký văn bản, bị cáo thừa nhận mình ký là sai và mong được tạo điều kiện để khắc phục.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung trong nhiều lần trả lời thẩm vấn tỏ ra cay đắng khai rằng, vì bà Trương Mỹ Lan chọn, đưa bị cáo lên làm Tổng giám đốc SCB, bị cáo lại tin tưởng, “trung thành tuyệt đối”, nên răm rắp theo “chỉ đạo miệng” của bà Lan, để giờ này...

Theo bị cáo Dung, Trương Mỹ Lan chỉ đạo miệng cho bị cáo tất cả mọi việc, từ việc đi tìm công ty thẩm định giá cho dự án lớn như Dự án Mũi Đèn Đỏ, đến lo hồ sơ vay không có thật của nhóm Vạn Thịnh Phát…

Tương tự, bị cáo Trương Khánh Hoàng cũng khai, được bà Lan đề cử làm quyền Tổng giám đốc SCB vào tháng 5/2021. Bị cáo thừa nhận đã phê duyệt các lệnh chuyển tiền ra nước ngoài theo chỉ đạo miệng của bà Lan và đa phần các lệnh chuyển tiền có thiếu sót, nhưng bị cáo biết là của bà Lan, nên phê duyệt.

Thậm chí, theo lời khai của Võ Tấn Hoàng Văn, thì đến việc đưa tiền hối lộ 5,2 triệu USD cho bà Đỗ Thị Nhàn và thành viên Đoàn Thanh tra, bà Lan cũng chỉ đạo miệng.

Không chỉ với “tay chân” tại SCB buộc phải “ẩn mình”, ngay cả với cấp dưới tại Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan cũng chỉ đạo miệng. Cụ thể, theo chính lời khai của Trương Mỹ Lan, thì khi yêu cầu Hồ Bửu Phương (Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phối hợp Nguyễn Phương Hồng (nguyên Tổng giám đốc SCB, hiện đã mất) “giải quỹ” để che dấu, cắt đứt dòng tiền, Trương Mỹ Lan đã nói với Hồ Bửu Phương: “Phương Hồng có nhờ gì thì em hỗ trợ đi, hỗ trợ SCB đi”.

Cam kết khắc phục hậu quả?

Một điểm đáng lưu ý trong các phiên thẩm vấn của luật sư chính là lời khai và cam kết của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Trả lời câu hỏi của luật sư bảo vệ mình, Trương Mỹ Lan nói, đối với việc hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo chỉ làm 3 việc là vận động bạn bè, người thân mua đủ trên 65% cổ phần để hợp nhất thành công 3 ngân hàng; cho mượn tài sản và kêu gọi đối tác nước ngoài. Thậm chí, bị cáo còn mang khách sạn Windsor để vay của ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV) 15.000 tỷ đồng và ông Hà nói, sẽ đi vay Ngân hàng Nhà nước cho SCB. Sau đó, trước 3 ngày hợp nhất, thì ông Bắc Hà rút, nên bị cáo phải giải chấp lúc nửa đêm và trả cho ông Hà 15.000 tỷ đồng. Về cáo buộc thâu tóm cổ phần hơn 91% tại SCB, bị cáo Lan nói, cổ phần không phải của bị cáo, mà của bạn bè được bị cáo kêu gọi góp sức để giúp cơ cấu SCB khi khó khăn.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cam kết… khắc phục hậu quả bằng việc đồng ý chuyển số tiền 1.000 tỷ đồng (do bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella, khắc phục) đến tài khoản của SCB để giải quyết hậu quả vụ án.

Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan còn khai có 13 dự án nằm ngoài danh mục các tài sản bị kê biên trong vụ án và đồng ý dùng các tài sản này để khắc phục. Tuy nhiên, các dự án đó có cả các nhà đầu tư nước ngoài, nên đề nghị tòa tạo điều kiện cho bị cáo đàm phán. Bị cáo cho biết thêm rằng, con gái của mình cũng đang rao bán tòa nhà ở Hà Nội trị giá 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả.

Tin bài liên quan