Phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát

Phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát

Xét xử 'đại án lịch sử' Vạn Thịnh Phát: Khi tiền 'xuyên thủng' tầng tầng thanh tra, giám sát

0:00 / 0:00
0:00
Tại phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (nguyên Trưởng đoàn Thanh tra SCB) thường cúi gằm mặt. Bị cáo này là “cánh cửa” cuối cùng quan trọng nhất để có thể ngăn chặn sai phạm. Nhưng bà “quan thanh tra” đã nhận “cảm ơn” là những thùng xốp đựng 5,2 triệu USD, trở thành cá nhân nhận hối lộ “khủng” nhất từ trước tới nay.

Nghỉ việc vẫn được biếu… 20 tỷ đồng

Phiên tòa xét xử “đại án lịch sử” Vạn Thịnh Phát bắt đầu bước vào giai đoạn gay cấn là phần xét hỏi lần lượt các bị cáo về hành vi phạm tội, nhằm làm rõ bản chất vụ án cũng như phương thức phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện.

Việc “soi” kỹ cáo trạng được công bố tại tòa cho thấy, nếu như các tầng giám sát chỉ cần làm đúng chức năng, nhiệm vụ, thì Trương Mỹ Lan không dễ thuê người đứng tên để rồi sở hữu tới 91% cổ phần để thao túng Ngân hàng SCB.

Tầng giám sát đầu tiên là Ban Kiểm soát của Ngân hàng SCB. Đây là bộ phận sát sườn nhất, là người “gác cổng” của các ngân hàng, giám sát cả các ông chủ nhà băng để phát hiện và ngăn chặn rủi ro sớm theo nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Do vậy, không phải ngẫu nhiên, thành viên Ban Kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại phải hội đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, thậm chí cả quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp và không phải là người có liên quan của người quản lý tổ chức tín dụng…

Tuy nhiên, Ban Kiểm soát SCB đã để suốt cả 10 năm, Trương Mỹ Lan thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức việc rút tiền của SCB…, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi Trương Mỹ Lan rút hơn 1 triệu tỷ đồng và chiếm đoạt, gây thiệt hại cho SCB gần 500.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân bởi nhiều nhân sự chủ chốt của Ban Kiểm soát SCB sai phạm. Cụ thể, giai đoạn từ ngày 20/11/2012 đến ngày 26/12/2018, SCB đã phát sinh 338 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, với 403 khoản vay, trong đó các khoản vay của các khách hàng này còn dư nợ. Tuy nhiên, Trưởng ban Kiểm soát SCB thời điểm này là Phạm Thu Phong đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của SCB, dẫn đến các khoản vay còn dư nợ đặc biệt lớn, SCB không có khả năng thu hồi nợ. Hành vi của Phạm Thu Phong đã gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 90.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý, khi Phạm Thu Phong nghỉ việc tại SCB, Trương Mỹ Lan đã cho bị cáo này tới… 20 tỷ đồng.

Tới giai đoạn từ ngày 17/4/2019 đến ngày 7/7/2022, SCB lại phát sinh 438 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, với 652 khoản vay, trong đó các khoản vay của các khách hàng này còn dư nợ. Nhưng Trưởng ban Kiểm soát SCB lúc này là Lưu Quốc Thắng, lại cũng như người tiền nhiệm, không thực hiện đầy đủ, đúng chức năng, nhiệm vụ, nên đã gây thiệt hại cho SCB số tiền lên tới hơn 344.000 tỷ đồng.

Đó là tầng giám sát đầu tiên đã bị xuyên thủng bởi quyền và tiền.

Quà Tết tiền tỷ để “bịt mồm” thanh tra, giám sát kề cận

“Cánh cổng” thứ 2 chặn Trương Mỹ Lan và SCB sai phạm là thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM và Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục II).

Đây là cơ quan trực tiếp gần nhất tại địa phương có nhiệm vụ phát hiện sai phạm nhanh nhất để báo cáo, kiến nghị cơ quan cấp cao hơn có giải pháp phù hợp.

Cáo trạng thể hiện, Tổ Giám sát do các đơn vị trên lập ra đã phát hiện ngay từ đầu sai phạm SCB, gửi tới 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra/thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt. Nhưng tất cả không được chấp nhận và cấp thanh tra, giám sát này chỉ triển khai 2 cuộc thanh tra đột xuất năm 2020 và 2022, đồng thời phạm vi thanh tra bị thu hẹp, không đúng với đề xuất của Tổ Giám sát và ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Hơn thế nữa, từ Cục trưởng Cục II là bị cáo Nguyễn Văn Dũng tới Phó cục trưởng Nguyễn Thị Phi Loan và Nguyễn Tín là cán bộ cục này còn báo cáo không trung thực thực trạng tài chính và tình hình hoạt động của SCB.

Còn Phan Tấn Trung (nguyên Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM) và nhiều cán bộ liên quan thì không chỉ báo cáo không trung thực, mà còn chỉnh sửa báo cáo giám sát theo hướng có lợi cho SCB…

Các bị can khai đã nhận tiền, quà biếu của SCB vào dịp lễ, tết, như Nguyễn Văn Dũng nhận 400 triệu đồng và 15.000 USD, Võ Văn Thuần nhận 1,8 tỷ đồng, Phan Tấn Trung nhận 1,1 tỷ đồng, Nguyễn Thị Phi Loan nhận 470 triệu đồng, bị can Nguyễn Tín nhận 500 triệu đồng.

Quà Tết tiền tỷ, nên phải “ngậm miệng”, các “quan” trên đã để cho nhóm Trương Mỹ Lan và SCB thực hiện hoạt động cho vay trái pháp luật, dẫn tới hậu quả là, tính đến ngày 17/10/2022, SCB mất thanh khoản hoàn toàn số tiền 677.286 tỷ đồng.

Bi hài những thùng xốp chứa 5,2 triệu USD hối lộ

Tầng giám sát cao nhất, có quyền lực quyết định số phận SCB là Đoàn Thanh tra liên ngành do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thành lập, giao bị cáo Đỗ Thị Nhàn làm Trưởng đoàn.

Những ngày này, tại phiên tòa xử “đại án lịch sử” Vạn Thịnh Phát, ngoài Trương Mỹ Lan, dư luận còn đặc biệt chú ý tới bị cáo Đỗ Thị Nhàn, bởi “bà quan thanh tra” đã nhận “cảm ơn” từ Trương Mỹ Lan số tiền 5,2 triệu USD, trở thành người nhận số tiền hối lộ lớn nhất từ trước tới nay.

Tình tiết bi hài và có lẽ cũng đi vào “lịch sử” hơn là, phần lớn số tiền đó được nhét cứng trong nhiều thùng xốp và bà “quan thanh tra” đã bê được những thùng xốp này về giấu trong phòng ngủ, rồi vội gửi họ hàng cất giùm khi vụ việc vỡ lỡ.

Cụ thể, theo cáo trạng, qua cả 2 đợt thanh tra SCB, Đoàn Thanh tra do bà Nhàn làm Trưởng đoàn đều phát hiện sai phạm nghiêm trọng của SCB. Bị cáo Nhàn đã tìm cách gặp Trương Mỹ Lan nhiều lần, nói thẳng sai phạm, thậm chí cũng vài lần tỏ ra thanh liêm khi từ chối “cảm ơn”.

Tuy nhiên, tới phút 89, tức giai đoạn dự thảo Kết luận thanh tra, “tay chân” của Trương Mỹ Lan đã nhét hàng triệu USD vào thùng xốp rồi cho lái xe chở thẳng tới nhà riêng bà Nhàn.

Nhận 5,2 triệu USD, bị cáo Nhàn đã chỉ đạo thành viên trong Đoàn Thanh tra báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, làm nhẹ sai phạm của SCB và kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.

Cụ thể, ở đợt thanh tra lần 1, bị cáo Nhàn đã trực tiếp chỉ đạo cấp dưới là Nguyễn Thị Phụng, Phó trưởng đoàn và Tổ tổng hợp (Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh) bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu 37.953,284 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro là 18.796,466 tỷ đồng và thoái dự thu 3.093,119 tỷ đồng đối với 3 dự án (Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden) tại Chi nhánh SCB Cống Quỳnh; thoái lãi dự thu khỏi thu nhập là 3.135,823 tỷ đồng các khoản bán repo cổ phiếu trả chậm, làm thay đổi toàn bộ các chỉ tiêu tài chính của SCB (nợ xấu, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế, hệ số an toàn...) theo hướng có lợi cho ngân hàng này để hợp thức, đưa vào Báo cáo Đoàn Thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra và các Báo cáo Chính phủ. Đồng thời, Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh xây dựng báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ tại cuộc họp vào các ngày 24/1/2018, 12/3/2018; 8/6/2018 và 28/6/2018, với nội dung không trung thực, không đúng về sai phạm, vi phạm của SCB và kiến nghị tạo điều kiện cho ngân hàng này tiếp tục được tái cơ cấu.

Khi thanh tra đợt 2, Đỗ Thị Nhàn là người chủ động đề xuất Nguyễn Văn Hưng thay đổi kế hoạch thanh tra nhằm thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra để không phải thanh tra các khoản vay của nhóm 71 khách hàng phát sinh sau ngày 30/6/2017 còn dư nợ đến ngày 31/3/2018, không thanh tra đối với 13 khách hàng mới có cùng địa chỉ tại số 4 - Nguyễn Thị Minh Khai phát sinh dư nợ sau ngày 30/6/2017. Từ đó, không chuyển cho cơ quan chức năng xử lý, ưu tiên thực hiện các biện pháp kinh tế để Trương Mỹ Lan, Võ Tấn Hoàng Văn chỉ đạo cấp dưới tại Vạn Thịnh Phát và SCB thực hiện việc cho vay mới, với mục đích tất toán các khoản vay phát sinh trước 30/6/2017 đối với nhóm 71 khách hàng có địa chỉ số 4 - Nguyễn Thị Minh Khai (tổng cộng 88.150 tỷ đồng).

Tất nhiên, không chỉ bà Nhàn, Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo “cảm ơn” cả cấp trên, cả thành viên Đoàn Thanh tra, thì mới “đầu xuôi, đuôi lọt”, điển hình như bị can Nguyễn Văn Hưng (nguyên Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, người trực tiếp chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn và có trách nhiệm báo cáo kết quả thanh tra lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ) đã nhận 390.000 USD…

Dù Trương Mỹ Lan phủ nhận việc chỉ đạo cấp dưới dùng 5,2 triệu USD hối lộ Đoàn Thanh tra, nhưng bị cáo Nhàn đã thừa nhận hành vi phạm tội và đã nộp lại 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Các diễn tiến trên cho thấy, cả 3 tầng giám sát, thanh tra trên đều có nghiệp vụ, khả năng và quyền lực để phát hiện, ngăn chặn sai phạm của Trương Mỹ Lan – SCB, nhưng đồng tiền đã “xuyên thấu” cả 3 tầng giám sát này, dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

- Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc SCB) thừa nhận nội dung trong cáo trạng truy tố là đúng; thừa nhận bản thân và SCB là công cụ tài chính của Trương Mỹ Lan.

- Bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng. Ký hiệu “HSTT” trên hồ sơ của Trương Mỹ Lan là “Hội sở tiếp thị”. Còn việc được bà Lan cho 20 tỷ đồng và 500.000 cổ phiếu, bị cáo này cho rằng, đó là việc chủ thưởng cho nhân viên khi làm tốt công việc được giao. Cáo trạng truy tố bị cáo gây thiệt hại cho SCB 40 tỷ đồng, bị cáo đã khắc phục được khoảng 35 tỷ đồng và sẽ tiếp tục nộp bổ sung trong quá trình xét xử.

- Bị cáo Trương Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) khai, mỗi lần bà Trương Mỹ Lan cần tiền thì sẽ thông báo. Theo chỉ đạo của bà Lan, bị cáo sẽ làm việc với các lãnh đạo có liên quan đến việc cấp tín dụng tại SCB để hỏi và làm việc. Nội dung chủ yếu là biết bà Lan cần tiền và bao nhiêu, thời gian bao lâu…, sau đó bị cáo thực hiện giải ngân. Bị cáo này… tự xin nộp 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Tin bài liên quan