Xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”: Nhiều bị cáo bị đề nghị mức án nghiêm khắc

0:00 / 0:00
0:00
Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, hành vi của các bị cáo là nhận hối lộ. Có một số bị cáo lập lờ, cho rằng đó là “cảm ơn” là sự đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, tạo tiền lệ xấu cho xã hội.

Không đánh tráo khái niệm hành vi nhận hối lộ

Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, có 21/54 bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”, xảy ra tại một số bộ, ngành, địa phương. Quá trình điều tra, truy tố và thẩm vấn công khai tại phiên tòa xác định, các bị cáo đã có hành vi nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp để đề xuất, trình duyệt, duyệt phát hành công văn để cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.

Tại phiên tòa, có một số bị cáo lập lờ, cho rằng hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp “cảm ơn”.

Theo đánh giá của Viện Kiểm sát, đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội. Do vậy, cần phải nhận thức cho đúng để loại bỏ văn hóa phong bì ra khỏi đời sống xã hội.

“Các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình, nên không thể coi là cảm ơn, khi số tiền bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước. Không thể coi là cảm ơn khi người đưa buộc phải đưa và đặc biệt không thể coi việc các bị cáo nhận một số tiền đặc biệt lớn cho cá nhân mình trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp cả nước chắt chiu quyên góp cho quỹ vắc-xin, cho công tác cứu trợ nhằm phòng chống dịch”, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, hành vi nhận tiền của các bị cáo là hành vi nhận hối lộ.

Thủ đoạn phạm tội của các bị cáo nhận hối lộ là đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá, buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền. Bên cạnh đó, nhiều bị cáo gây khó khăn trong việc thẩm định, đề xuất, duyệt cấp phép các chuyến bay, dẫn đến các doanh nghiệp chi tiền theo “luật bất thành văn” thì mới được cấp phép thực hiện chuyến bay.

Đề nghị mức án cao nhất là tử hình

Quá trình điều tra và thẩm vấn tại tòa xác định, khi cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

Bị cáo Phạm Trung Kiên được xác định là người nhận hối lộ nhiều lần nhất, số tiền nhiều nhất, hành vi trắng trợn nhất, với 253 lần nhận hơn 42 tỷ đồng. Sau khi vụ án bị khởi tố, bị cáo này đã trả lại cho các doanh nghiệp hơn 12 tỷ đồng; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp khai báo đó là tiền vay mượn cá nhân, nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Viện Kiểm sát cho rằng, cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất, do đó đã đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên mức án cao nhất là tử hình đối với bị cáo này.

Đối với cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Viện Kiểm sát đề nghị mức án 12-13 năm tù đối với hành vi nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, giúp 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp xin thủ tục cấp phép các chuyến bay.

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng bị đề nghị 7-8 năm tù; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự 18-19 năm tù; Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự 9-10 năm tù; Vũ Anh Tuấn, cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) 19-20 năm tù.

Các bị cáo khác bị đề nghị mức án thấp nhất là 12 tháng tù, cao nhất là 20 năm tù.

Theo công bố của đại diện Viện Kiểm sát, phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa cho thấy, một số bị cáo có dấu hiệu của tội rửa tiền, nên đề nghị tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án.

Tin bài liên quan