Hai cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến
Từ ngày hôm nay (2/1), TAND TP. Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và các đồng phạm thâu tóm nhà đất công sản ở TP Đà Nẵng. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 15/1/2020, làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật.
Hội đồng xét xử gồm 5 người gồm 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, thẩm phán Lưu Ngọc Cảnh làm chủ tọa phiên tòa. Ba kiểm sát viên tham gia giữ quyền công tố tại tòa, trong đó có 2 kiểm sát viên cao cấp được VKSND Tối cao biệt phát để phối hợp thực hành công tố và kiểm sát việc xét xử.
Tòa còn bố trí thêm 6 thẩm phán dự khuyết, 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết và 1 kiểm sát viên dự khuyết.
Có 37 người và tổ chức có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến phiên tòa gồm Công ty Xây dựng 79, Công ty xây dựng Bắc Nam 79, Công ty I.V.C, Công ty Hưng Minh Phát, Công ty Nhất Gia Phúc, Công ty Du lịch Đà Nẵng, Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng… Nguyên đơn dân sự là UBND TP. Đà Nẵng.
Tòa cũng triệu tập 5 điều tra viên; giám định viên của các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng định giá Trung ương.
Theo truy tố, 21 bị cáo, trong đó có 2 bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011 và 2011 - 2014 là Trần Văn Minh (SN 1955) và Văn Hữu Chiến (SN 1954) và Phan Văn Anh Vũ (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng 79 và CTCP Bắc Nam 79) bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Trong số 21 bị cáo, có 3 bị cáo bị tạm giam, 18 bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Có 26 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó bị cáo Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đều có 2 luật sư bào chữa.
Theo cáo trạng, trong 9 năm (từ năm 2006-2014), bị cáo Trần Văn Minh và các đồng phạm đã giúp cho Phan Văn Anh Vũ thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận nhiều đất dự án, mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước.
Cụ thể, các bị cáo đã tạo điều kiện cho Vũ nhôm trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà đất công sản và 6/7 Dự án đất trên cơ sở tạo cơ hội cho Phan Văn Anh Vũ có quyền quyết định việc chuyển nhượng, khai thác, sử dụng… nhằm trục lợi.
Hậu quả là nhà nước bị thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng, riêng Dự án 29 ha Khu đô thị Quốc tế Đa Phước là hơn 11.200 tỷ đồng.
VKSND Tối cao cũng xác định, ngoài 4 bất động sản trị giá trên 874 tỷ đồng đã được Tòa án tuyên thu hồi tài sản cho Nhà nước (Bản án hình sự phúc thẩm số 346/2019/HSPT ngày 13/6/2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội) thì toàn bộ 42 tài sản là bất động sản liên quan đến hành vi phạm tội hoặc sở hữu của Phan Văn Anh Vũ cũng được kê biên trong vụ án này và 2 dự án gồm: 29 ha và Dự án Phú Gia Compound đã bị chuyển dịch trái pháp luật với tổng giá trị trên 15.700 tỷ đồng cần phải thu hồi để bảo vệ tài sản Nhà nước.
Theo cáo trạng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo trong vụ án là người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của UBND TP. Đà Nẵng nhưng vì động cơ khác nhau đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Đây là vụ án thứ 4 bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị đưa ra xét xử. Trước đó, năm 2018, bị cáo nàylĩnh 8 năm tù về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; 17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Năm 2019, bị cáo này lĩnh 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.