Xét xử bầu Kiên: Đại diện Viện kiểm sát chỉ ra “Đường vòng tội lỗi” ở ACB

Xét xử bầu Kiên: Đại diện Viện kiểm sát chỉ ra “Đường vòng tội lỗi” ở ACB

(ĐTCK) Đối đáp với các luật sư, các bên liên quan, các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố và chỉ ra có "đường vòng tội lỗi" ở ACB.

Lợi ích nhóm, trái pháp luật

Đánh giá chung về các hành vi Cố ý làm trái, đại diện Viện Kiểm sát nói: “Các tổ chức, doanh nghiệp trong vụ này ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật như các doanh nghiệp khác, thì còn chịu sự điều chỉnh của luật Tổ chức tín dụng”.

Qua thẩm vấn, xác định là các bị cáo biết rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn làm với động cơ riêng, vì lợi ích nhóm, lợi ích cho riêng ACB. Các bị cáo là thành viên HĐQT của ACB, cùng biết sai, cùng thực hiện hành vi trái pháp luật với động cơ vụ lợi của mình nên phải chịu trách nhiệm chung.

Về hành vi mua cổ phiếu ACB, các bị cáo đã ký biên bản để ban hành Nghị quyết về chủ trương cấp hạn mức để đầu tư một số loại cổ phiếu. Việc này được các bị cáo bàn rất sâu, rất cụ thể, thông qua ACBS và giao cho Kiên thực hiện để các nhà đầu tư, thị trường không biết việc ACB mua cổ phiếu của ACB. Đây là cạnh tranh không lành mạnh, cổ phiếu anh giá thấp, anh lại dùng biện pháp khác, đi bằng con đường trái pháp luật.

Anh cũng tính toán đến cả rủi ro của phương án này, nhưng vừa tính vừa lách luật, lách các quy định về hạn chế của ACBS cả về hạn mức và loại cổ phiếu để đảm bảo thu nhập. Các bị cáo bàn sâu chi tiết, tính cả đến rủi ro chứ không phải bàn theo kiểu trà dư tửu hậu như bị cáo nói.

Khi mua cổ phiếu, Kiên đã chỉ đạo ACBS hợp tác đầu tư với 2 công ty do mình làm Chủ tịch HĐQT và ra lệnh mua với tư cách Chủ tịch 2 công ty. Sự đan xen này xuyên suốt mục đích đầu tư của bị cáo.

Các hợp đồng mà ACBS ký với đối tác KienLongbank, Vietbank, ACI, ACI Hà Nội tách ra từng hợp đồng thì đều tuân thủ quy định pháp luật, nhưng đặt chung trong một mối quan hệ thì lại khác. Tiền của ACB quay về chính ACB và để tránh phát hiện của cơ quan chức năng, dòng tiền này núp dưới các hợp đồng vay liên ngân hàng, hợp tác đầu tư.

Đại diện Viện Kiểm sát gọi đó là “đường vòng tội lỗi”, các lời khai đều phản ánh khi ACBS phát hành trái phiếu, ACB đều xúc tiến liên hệ để KienLongBank, VietBank mua trái phiếu. 

"Tôi không gắn trách nhiệm của 2 ngân hàng này, vì họ không sai khi thấy cơ hội kinh doanh, nhưng Tổng giám đốc của KienLongBank là đại diện vốn góp của ACB, điều đó đã cho thấy sự núp bóng này. Ngay cả những cán bộ kế toán của VietBank đã thừa nhận, nếu không có nguồn tiền này thì không thể mua được trái phiếu của ACB".

Lời khai của 2 ngân hàng khẳng định rõ toàn bộ số tiền 1.500 tỷ đồng do ACB thu xếp, riêng khoản vay 500 tỷ đồng mua trái phiếu ACI là do VietBank thu xếp, nhưng hoạt động này xảy ra trước đó.

Cán bộ phụ trách kế toán của VietBank đã thừa nhận không có tiền này không thể mua trái phiếu của ACBS.

Viện Kiểm sát dẫn ra văn bản mà ACI gửi cho ông Kiên ngày 31/07/2012: “Kính gửi anh Kiên, số tiền 400 tỷ mà ACI đang vay ACB được dùng để mua cổ phiếu ACB hộ ACBS…”. Văn bản này Kiên có bút phê yêu cầu có văn bản để anh Hải xác nhận phải thu xếp khoản vay này khi đáo hạn.

Qua tài liệu báo cáo của ACBS thì đều thể hiện khuyến cáo của kiểm toán PwC chỉ ra khoản đầu tư này bất hợp pháp.

Các bị cáo đều thừa nhận bản chất đây là tiền của ACB cấp tín dụng cho ACBS. Sau khi phải chấm dứt hợp đồng hợp tác, vì nhờ đứng tên hộ, nên ACB phải chịu trách nhiệm, nên mới có khoản hơn 1.000 tỷ đồng ACB phải đứng ra thu xếp.

"Bị cáo nêu, ACB khẳng định không bị thiệt hại và đây là hợp đồng bình thường, không có tính liên quan gì. Thiệt hại do thực hiện hành vi đúng pháp luật thì theo điều lệ ACB, thành viên HĐQT không phải chịu trách nhiệm, nhưng trái pháp luật thì phải bồi thường. Thẩm quyền bồi thường do ĐHCĐ quyết định. ACB có văn bản khẳng định không thiệt hại, những người ký văn bản đó, ít nhiều đều liên quan đến sai phạm này. Khẳng định không thiệt hại là để tránh trách nhiệm liên quan. Tôi nghĩ đây là điều dễ hiểu".

Về ủy thác cho vay 718 tỷ đồng: Các bị cáo và luật sư đều cho rằng chủ trương này đúng pháp luật thì Viện Kiểm sát khẳng định việc ra thông báo này là không phù hợp với quy định luật pháp. Các luật sư đều viện dẫn Thông tư 742 nhưng Thông tư này không quy định ủy thác gửi tiền, chỉ có ủy thác cho vay. Thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, chưa có hướng dẫn.

Ngoài việc thực hiện cho vay trái pháp luật, quá trình cho vay cũng có nhiều sai phạm. Tiền của ACB ủy thác cho các cá nhân đi gửi tiền, nhưng các cá nhân không phải làm gì ngoài việc đến ký để hợp thức tài khoản tại Vietinbank và sau đó về nhận thưởng.

Họ không có trách nhiệm, nghĩa vụ nào về mặt thực tế, việc tìm đối tác, thỏa thuận lãi suất do người khác thực hiện chứ không phải do các nhân viên thực hiện. Hợp đồng ủy thác và hợp đồng gửi tiền đều thực hiện trong một ngày. Nhân viên không được giữ hợp đồng, quản lý hợp đồng đều do ACB thực hiện.

"Tôi khẳng định, có đủ căn cứ pháp luật để xác định hành vi của các bị cáo là Cố ý làm trái. Công văn 350 chỉ là một căn cứ, còn nhiều căn cứ pháp lý khác bổ trợ, bổ sung để khẳng định các bị cáo vi phạm pháp luật".

Truy tố có căn cứ, đúng pháp luật

Tội Kinh doanh trái phép, với hành vi kinh doanh trái phép vàng tài khoản qua Công ty Thiên Nam, các luật sư bào chữa và bị cáo cho rằng, Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng, mà chỉ kinh doanh giá vàng. Thiên Nam được kinh doanh hàng hóa, ở đây là sản phẩm phái sinh của ACB, Kiên chỉ thông báo lệnh của ông Trung đến ACB.

Viện Kiểm sát thấy căn cứ vào hồ sơ tháng 11/2009, Công ty Thiên Nam đã ký thỏa thuận với Vietbank để nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Vietbank và ACB. Công ty Thiên Nam đã tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh vàng tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sau đó, Công ty Thiên Nam đã tất toán trạng thái mua, bán theo thỏa thuận.

Đến tháng 12/2009, Công ty Thiên Nam ký hợp đồng giao dịch vàng trạng thái với quy mô giao dịch 150.000 ounce, hạn mức chặn lỗ là 10 triệu USD. Để thực hiện hợp đồng này, ông Kiên đã đặt nhiều lệnh mua bán.

Theo đại diện VKS, căn cứ vào hồ sơ và lời khai tại phiên tòa đã đủ căn cứ hành vi kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài của Nguyễn Đức Kiên. Do đó, Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm về tội này.

Tội trốn thuế, theo đại diện Viện kiểm sát, tại phiên tòa các luật sư và bị cáo cho rằng, pháp luật không cấm kinh doanh vàng, bà Nguyễn Thúy Hương, em gái Kiên, được quyền ủy thác cho B&B rồi B&B ủy thác lại ACB và đến nay chưa có cơ quan có thẩm quyền nào tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Kiên cho rằng, nếu cho rằng phải nộp thuế thì cũng được trích lập dự phòng rủi ro và do đó Công ty lỗ không phải nộp thuế.

Tuy nhiên, theo Viện kiểm sát, Công ty B&B không đăng ký kinh doanh với ngành nhận ủy thác đầu tư vàng. Nguyễn Thúy Hương là cá nhân, không được đăng ký giao dịch vàng tài khoản nước ngoài, bà Hương cũng không đăng ký kinh doanh vàng theo quy định của Nhà nước. Theo hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính này, thì bà Hương không phải đặt cọc khoản tiền nào, không thực hiện giao dịch nào nhưng được hưởng 99% lợi nhuận.

Sau này, Công ty B&B xác định, kết quả lợi nhuận từ ủy thác của bà Hương là 68,8 tỷ đồng, theo đó B&B được hưởng 1% phí ủy thác. Viện kiểm sát thấy, khi Nghị quyết 32 của Quốc hội quy định miễn toàn bộ thuế Thu nhập cá nhân, dù chưa có hướng dẫn thi hành nhưng Kiên vẫn không kê khai nộp thuế cho bà Hương mà vẫn chuyển tiền vào tài khoản của Hương. Sau đó Hương chuyển lại số tiền đó cho Kiên. Như vậy, là vi phạm các quy định về quản lý thuế.

Ngày 8/9/2011, Cục Thuế Hà Nội có quyết định thanh tra thuế tại Công ty B&B trong năm 2009, 2010. Kết luận thanh tra nêu rõ, năm 2009, tổng doanh thu chịu thuế là 1.545 tỷ đồng, thuế VAT là 453 triệu đồng, số thuế đã khai phù hợp, chênh lệch so với số thuế đã khai bằng 0. Năm 2010, Công ty B&B bị truy thu thuế Thu nhập doanh nghiệp 371 triệu đồng, bị xử phạt do kê khai thuế sai. Tổng số thuế truy thu 445 triệu đồng. Như vậy, trong 2 năm này, Công ty B&B đã kê khai nộp thuế, nhưng không kê khai số thuế phát sinh từ hợp đồng trên.

Giám định viên xác định, số thuế phát sinh từ hợp đồng này là trên 25 tỷ đồng. Căn cứ vào đó có thể kết luận, Kiên đã chỉ đạo Đặng Ngọc Lan ký hợp đồng với Nguyễn Thúy Hương, sau đó bà Hương chuyển lại toàn bộ số tiền lợi nhuận cho Kiên.

Tội Lừa đảo, tại phiên toà, Kiên khai về thỏa thuận với ông Long bán lại cổ phiếu của Thép Hòa Phát giá 13.200 đồng… Nhưng tại phiên tòa, ông Long đã khẳng định, không biết việc thế chấp mà chỉ đàm phán về giá cả.

Việc mua bán này hoàn toàn không liên quan đến việc B&B chuyển nhượng số cổ phiếu của Công ty Bất động sản Hòa Phát – Á Châu. Sau đó, ngày 5/9/2012, đại diện cho Thép Hòa Phát đã đề nghị cơ quan điều tra làm rõ sự việc và thu hồi số tiền này.

Như vậy, căn cứ lời khai và tài liệu thu thập trong điều tra và tại phiên tòa có đủ căn cứ kết luận, mặc dù 3 bị cáo biết rõ việc thế chấp cổ phiếu, nhưng Kiên vẫn chỉ đạo làm thủ tục để Thanh ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phiếu Thép Hòa Phát cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát.

Sau khi chuyển tiền, Kiên đã chỉ đạo Yến rút ra để sử dụng. Yến khai làm theo chỉ đạo, nhưng là Kế toán trưởng, Yến phải chịu trách nhiệm theo quy định. Đáng lẽ khi tiền được chuyển vào tài khoản, với trách nhiệm kế toán thì Yến phải báo cáo và chuyển trả lại tiền khi mà cổ phiếu chưa được giải chấp, nhưng Yến vẫn sử dụng theo chỉ đạo của Kiên. Thanh, với vai trò là Giám đốc ACBI, không làm hết chức năng nhiệm vụ, là đồng phạm với Kiên trong hành vi lừa đảo.

Các luật sư cho rằng, Kiên không chiếm đoạt vì tiền chuyển vào tài khoản của Công ty ACBI, nhưng theo Viện Kiểm sát, lợi nhuận ACBI cũng là lợi nhuận của Kiên và Kiên sử dụng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền này.

Do đó, Viện Kiểm sát thấy rằng đã truy tố đúng căn cứ, đúng pháp luật.

Tin bài liên quan