Trong Dự thảo Đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các công ty xếp hạng tín nhiệm (cụ thể là với Moody’s, S&P và Fitch) phát triển ngày càng thực chất, tin cậy và bền vững hơn; thông qua việc tiếp xúc với 3 công ty đánh giá xếp hạng tín nhiệm này sẽ thúc đẩy, tuyên truyền và giới thiệu sâu rộng hơn về tình hình Việt Nam cho các nhà đầu tư quốc tế.
Để đạt được mục tiêu, yêu cầu của việc nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, theo Bộ Tài chính, ngoài yếu tố quyết định là tiếp tục nâng cao nội lực của nền kinh tế, tăng cường chủ động và chuyên nghiệp trong công tác xếp hạng tín nhiệm còn đòi hỏi đáp ứng một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu như phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7 - 8%/năm (năm 2010, GDP bằng 2,2 lần năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 USD).
Tiếp tục xử lý tốt mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư; có chính sách khuyến khích tăng tích luỹ cho đầu tư phát triển; tỷ trọng đầu tư toàn xã hội duy trì trong khoảng từ 33-35% GDP, nâng cao hiệu quả đầu tư công, phấn đấu đưa chỉ số ICOR về mức trung bình so với các nước có cùng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11 - 12%/năm trong thời kỳ 2011 - 2020; giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020.
Phấn đấu giảm thâm hụt cán cân vãng lai, ổn định cân bằng cán cân thanh toán quốc tế và tiến tới thặng dư; tăng dự trữ ngoại hối nhà nước đạt ít nhất 12 tuần nhập khẩu, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đạt mức mức trung bình so với các nước có cùng hệ số tín nhiệm quốc gia.
Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giảm xuống dưới 4,5% GDP vào năm 2015 và giai đoạn 2016-2020 tương đương khoảng 4% GDP. Nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Theo Dự thảo Đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, muốn đạt được mục tiêu xếp hạng tín nhiệm ở mức khiêm tốn nhất là Baa3 hoặc BBB- (mức khởi điểm của nhóm xếp hạng tín nhiệm mang tính đầu tư) và sau đó cải thiện dần nhằm tăng cường uy tín quốc gia trên trường quốc tế và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì bảo đảm công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có hệ thống; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, có hiệu quả phù hợp với khả năng, nguồn lực, pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế khi hợp tác với các công ty xếp hạng tín nhiệm.
Ngoài ra, trong quá trình xếp hạng tín nhiệm phải nâng cao tính chủ động, tích cực, phối hợp đồng bộ và trách nhiệm giải trình của các bộ ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan; bảo đảm nguyên tắc minh bạch, đầy đủ, kịp thời, chính xác trong trao đổi, cung cấp thông tin cho các công ty xếp hạng tín nhiệm; đảm bảo thống nhất với các số liệu đã được công bố, công khai và phù hợp với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan phải chủ động nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các nước trong khu vực và các nước có điều kiện tương tự như Việt Nam trong công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm.
Nhằm mục đích nâng định mức xếp hạng tín tín nhiệm quốc gia, vào cuối tháng 3.2012, Bộ Tài chính đã đạt được thoả thuận với Ngân hàng Standard Chatered về việc Ngân hàng hàng đầu của Vương quốc Anh này giúp Moody’s, S&P và Fitch hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế - xã hội để có thể đưa ra những nhận xét khách quan nhất về mức xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam.
Theo đó, Standard Chatered hỗ trợ Bộ Tài chính trong quá trình làm việc với 3 cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc gia hàng đầu thế giới (Moody’s, S&P và Fitch) trong việc tăng cường trao đổi thông tin, tăng cường mối quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam và 3 cơ quan xếp hạng tín nhiệm này.
Standard Chatered cũng đồng ý chia sẻ những kinh nghiệm về công tác xếp hạng tín nhiệm của các quốc gia khác đồng thời khuyến nghị các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong quá trình chia sẻ thông tin và giải thích những quan ngại của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm về Việt Nam, giảm bớt những hiểu lầm không đáng có của các chuyên gia phân tích nhằm đạt được mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia tốt nhất có thể.