Xếp hạng tín dụng nội bộ: Công cụ quản trị ngân hàng hiệu quả

Xếp hạng tín dụng nội bộ: Công cụ quản trị ngân hàng hiệu quả

(ĐTCK) Cần phân biệt rõ khách hàng/khoản vay theo từng hạng, dựa trên các đặc điểm rủi ro tín dụng của khách hàng/khoản vay.

Sau những bất ổn của thị trường tài chính quốc tế, giới tài chính - ngân hàng toàn cầu đã có những phản ứng tích cực, trong đó việc sớm áp dụng quy định theo Hiệp ước Basel III là một cải cách về mức độ an toàn vốn và minh bạch thông tin.

Tại Việt Nam , các tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang phải đương đầu với những thử thách thực sự từ rủi ro thanh khoản và suy giảm chất lượng tín dụng. Dù cơ quan quản lý chưa đưa ra quy định cụ thể, nhưng một số TCTD đã xác định tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro và xây dựng chương trình xếp hạng tín dụng nội bộ có định hướng lượng hóa các yếu tố rủi ro, đáp ứng các yêu cầu của Basel II. (*)

Bài viết này giới thiệu xếp hạng tín dụng (XHTD) như một công cụ quản trị ngân hàng tiên tiến, hiệu quả.

 

Vai trò của xếp hạng tín dụng

XHTD là sự đánh giá mức độ tín nhiệm của bên nợ/công cụ nợ về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng cam kết. Một hệ thống XHTD tin cậy phải phân biệt rõ khách hàng/khoản vay theo từng hạng, dựa trên các đặc điểm rủi ro tín dụng của khách hàng/khoản vay.

Hệ thống XHTD thường được phát triển theo ba phương pháp: phương pháp chuyên gia, phương pháp mô hình và phương pháp hỗn hợp (kết hợp cả yếu tố chuyên gia và kết quả mô hình tính toán); trong đó, phương pháp xếp hạng hỗn hợp được các TCTD sử dụng phổ biến nhất.

TCTD có thể tự xây dựng hệ thống XHTD (XHTD nội bộ) hoặc sử dụng kết quả XHTD của hãng xếp hạng độc lập (XHTD độc lập) để đánh giá rủi ro tín dụng, trong đó hệ thống XHTD nội bộ có vai trò rất quan trọng, được khuyến khích thực hiện và là trung tâm của công tác quản trị rủi ro tín dụng.

Đối với XHTD nội bộ, Basel II nêu hai phương pháp: phương pháp XHTD cơ bản (Foundation Internal Rating Based Approach, FIRB) và phương pháp XHTD tiên tiến (Advanced Internal Rating Based Approach, AIRB).

Theo phương pháp XHTD cơ bản với khách hàng tổ chức, các TCTD ước lượng xác suất vỡ nợ (Probability of Default - PD) cho mỗi mức XHTD của khách hàng, các tham số tổn thất vỡ nợ (Loss Given at Default - LGD), rủi ro vỡ nợ (Exposure at Default - EAD) và kỳ đáo hạn hiệu dụng (M) được ước lượng bởi cơ quan quản lý, giám sát (Ngân hàng Trung ương).

Theo phương pháp XHTD tiên tiến với khách hàng tổ chức, các TCTD ước lượng các tham số PD cho mỗi mức XHTD của khách hàng, LGD cho mỗi mức xếp hạng của hợp đồng, EAD cho mỗi loại hợp đồng vay và tính toán M theo hướng dẫn của cơ quan quản lý, giám sát. Đối với khách hàng cá nhân, các tham số rủi ro PD, LGD và EAD được các TCTD ước lượng theo từng rổ khách hàng.

Đối với XHTD độc lập (còn gọi là phương pháp chuẩn), các TCTD cần lượng hóa mức độ rủi ro tín dụng tương ứng với mức xếp hạng của các hãng XHTD độc lập.

Là một công cụ đo lường, hệ thống XHTD cần phải được kiểm định và phê duyệt định kỳ trong quá trình sử dụng, nhằm đảm bảo các mức xếp hạng đã phân biệt rủi ro đầy đủ và việc ước lượng các yếu tố rủi ro dựa trên những đặc điểm của rủi ro.

Basel II quy định, XHTD nội bộ và các kết quả ước lượng xác suất vỡ nợ, mức độ tổn thất là những yếu tố quan trọng trong quá trình phê duyệt tín dụng, quản lý rủi ro tín dụng, phân bổ nguồn vốn cho vay và quản trị ngân hàng. Cụ thể hơn, kết quả XHTD và các ước lượng về xác suất vỡ nợ và mức độ tổn thất được ứng dụng vào:

- Hỗ trợ phê duyệt tín dụng: cải thiện tính chính xác và hiệu lực của việc ra quyết định cấp tín dụng, cung cấp phương tiện hỗ trợ để quá trình này trở nên hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm bớt sự can thiệp từ con người.

- Thực hiện quản trị rủi ro tín dụng: XHTD nội bộ là một công cụ để đánh giá mức rủi ro của khách hàng. Nhờ tích hợp các nguyên tắc, khung chính sách và tiêu chuẩn tín dụng căn bản của ngân hàng, hệ thống XHTD là căn cứ độc lập để TCTD đánh giá hiệu quả quá trình quản trị rủi ro của các bộ phận liên quan, bảo đảm việc cấp tín dụng được quản lý phù hợp, các tài sản có rủi ro tín dụng nằm trong các giới hạn, thống nhất với các tiêu chuẩn thận trọng và khả năng phát hiện rủi ro sớm.

- Hỗ trợ xác định giá khoản tín dụng: mức giá chào cho khoản tín dụng phải phù hợp và đủ để bồi hoàn tổn thất tín dụng. XHTD phân loại các mức độ rủi ro và là một trong những căn cứ tin cậy để xác định giá cho các khoản tín dụng, theo nguyên tắc mức XHTD thấp (rủi ro cao) có mức giá cao và ngược lại.

- Hỗ trợ quản lý và quản trị khách hàng: quan hệ khách hàng của các TCTD phụ thuộc vào mức độ XHTD của khách hàng đó. Những khoản vay có mức rủi ro cao cần phải kiểm soát, đánh giá thường xuyên, những khách hàng vay có mức XHTD thấp cũng cần phải được chú trọng theo dõi. Ngược lại, những khách hàng tốt với mức XHTD cao sẽ được ưu ái hơn trong các quan hệ giao dịch.

- Làm căn cứ để lập dự phòng tín dụng: mức dự phòng các khoản cấp tín dụng phụ thuộc vào mức độ rủi ro của khoản tín dụng đó. XHTD nội bộ cho phép tính toán, ước lượng các yếu tố rủi ro PD, LGD và EAD. (**)

- Hỗ trợ công tác quản lý thông tin (MIS) theo danh mục và tạo lập báo cáo: dữ liệu đưa vào hệ thống XHTD là rất phong phú liên quan đến khoản vay và hoạt động kinh doanh của khách hàng. Hệ thống XHTD thường được các TCTD thiết lập trên nền tảng công nghệ tin học cao, cho phép chiết xuất, quản lý các trường thông tin theo từng danh mục yêu cầu và đưa ra hệ thống báo cáo hiệu quả.

 

XHTD tại Việt Nam và vai trò của cơ quan quản lý

Hệ thống XHTD của các TCTD và của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC, thuộc Ngân hàng Nhà nước) hầu hết được xây dựng theo phương pháp chấm điểm các tiêu chí theo ý kiến chuyên gia. Phương pháp này chỉ dừng ở cho điểm định tính và chưa lượng hóa được các yếu tố rủi ro. Nguyên nhân là do:

* Chưa có quy định, hướng dẫn, lịch trình chính thức áp dụng về XHTD theo chuẩn Basel II để các TCTD làm căn cứ thực hiện.

* Các TCTD thiếu thông tin, hoặc chưa hiểu hết sự cần thiết phải thiết lập của XHTD theo chuẩn Basel II.

* Các TCTD thiếu cán bộ đủ năng lực xây dựng các mô hình tính toán để lượng hóa các yếu tố rủi ro.

* Các TCTD thiếu dữ liệu cả về lượng (mẫu nghiên cứu) và chất (dữ liệu sạch) để đưa vào mô hình lượng hóa.

Có lẽ do vậy, hệ thống XHTD của các TCTD và CIC tồn tại trên thực tế nhưng hoạt động chưa được thực sự hiệu quả. Để nâng cao chất lượng và hiệu qủa của việc XHTD theo tiêu chuẩn Basel II, Ngân hàng Nhà nước và CIC nên phát huy vai trò và quyền hạn của mình; trong đó, tập trung vào những vấn đề chính sau:

* Ban hành các quy định, hướng dẫn và lịch trình về việc xây dựng, kiểm định và phê duyệt các hệ thống XHTD theo tiêu chuẩn Bassel II.

* Giám sát có hệ thống và chuẩn mực đối với việc xây dựng và áp dụng hệ thống XHTD của các TCTD. trong đó đề cao tính minh bạch, khoa học và nhất quán.

* Có biện pháp hỗ trợ kỹ thuật cụ thể cho các TCTD, thông qua các chương trình hợp tác, đào tạo với các tổ chức có nhiều kinh nghiệm.

* Có cơ chế khuyến khích, tạo động lực cho các TCTD xây dựng và ứng dụng hệ thống quản trị rủi ro tiên tiến; trong đó, có hệ thống XHTD nội bộ.

* Nâng cao tính minh bạch và kỷ luật thị trường trong công tác báo cáo, kế toán, kiểm toán nhằm hướng đến tính chính xác của dữ liệu đầu vào và của kết quả XHTD.

* Phát triển CIC theo hướng là một tổ chức XHTD độc lập, có hệ thống XHTD khoa học theo chuẩn mực để cung cấp các sản phẩm XHTD có chất lượng cao. “Mở cửa” kho thông tin tín dụng của CIC để các TCTD có đầy đủ dữ liệu phục vụ công tác XHTD khách hàng.

 

* Quy định của Basel II được thể hiện qua ba trụ cột: an toàn vốn tối thiểu, giám sát tuân thủ và kỷ luật thị trường. Tinh thần của Basel II là hỗ trợ các TCTD khai thác và nâng cao hệ thống quản lý rủi ro theo nguyên tắc: quy định phức tạp hơn và định hướng quản trị rủi ro, ứng phó khác nhau với các rủi ro dựa trên đặc tính của từng loại rủi ro, ứng xử khác biệt với các TCTD dựa trên độ phức tạp của hệ thống quản trị rủi ro đang áp dụng.

** Tổn thất dự kiến (Expected Loss - EL) = PD * EAD * LGD, từ đó tính được yêu cầu về vốn cho các rủi ro tín dụng.