Sức khỏe ngành xây dựng, bất động sản đang rất có vấn đề

Sức khỏe ngành xây dựng, bất động sản đang rất có vấn đề

Xếp hạng PCI nhìn từ thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một sự tương đồng trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 vừa được công bố cho thấy, sự thụt lùi của nhiều đầu tàu kinh tế nước tới cả chục bậc xếp hạng như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… theo kèm với những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp tại các địa phương này đang phải đối mặt, đặc biệt liên quan đến thủ tục đất đai.

Nguồn lực không thông, khó thu hút đầu tư

Sự đi xuống của thị trường bất động sản là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước là TP.HCM phô bày một bức tranh nhợt nhạt trong quý I/2023 vừa qua khi tăng trưởng cả quý vừa rồi của thành phố nàychỉ đạt 0,7% so với cùng kỳ năm 2022, nằm ở nhóm cầm đèn đỏ của cả nước. Tương đồng với đó, TP.HCM cũng tụt tới 13 bậc trong bảng xếp hạng PCI. Sự thụt lùi phản ánh rõ nét sự đi xuống trong kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp về mức độ chậm trễ trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, trước mắt ở câu chuyện về vướng mắc ở thủ tục hành chính,đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép dự án.

Tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã khẳng định sự liên quan giữa sự suy trầm của bất động sản đến tăng trưởng kinh tế trên địa bàn và cho biết sẽ "rã băng" từ từ thị trường bất động sản bằng các giải pháp về vốn và pháp lý. Theo ông Mãi, chỉ có ngành bất động sản được gỡ vướng, nhiều ngành nghề khác sẽ được kích thích, việc làm của người dân được tăng thêm, kinh tế TP.HCM mới có động lực để tăng trưởng mạnh trở lại.

Vừa với vị trí một chủ đầu tư, vừa đại diện cho các nhà thầu xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP-Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, bất động sản là ngành kinh tế quan trọng, có sự lan tỏa rộng tới rất nhiều ngành nghề kinh tế khác nhau. Ảnh hưởng trực diện nhất khi bất động sản “hắt hơi, sổ mũi” là ngành xây dựng. Theo ông Hiệp, chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý I/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, quý I/2023 chỉ thực hiện được 8% kế hoạch 2023.

“Đây là trạng thái bi bét nhất từ trước tới nay”, ông Hiệp nói và cho biết thêm, khoảng 40 doanh nghiệp xây dựng thuộc Hiệp hội ở miền Trung không có việc làm. Nhóm nhà thầu phía Nam mà Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình là đơn vị dẫn đầu đã “kêu cứu” tới Thủ tướng với 21 chữ ký ủng hộ của các nhà thầu. Tại miền Bắc, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn, đủ năng lực triển khai dự án đầu tư công có việc. Trong khi đó, đa phần các nhà thầu xây dựng là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Dự án PCI cho biết, khi khó khăn, doanh nghiệp trông chờ vào chính quyền địa phương nhiều hơn. Doanh nghiệp kỳ vọng vào chất lượng thực thi của địa phương tốt hơn.

“Dẫu vậy, dường như chất lượng thực thi của chính quyền cơ sở thấp hơn nhiều năm. Khi khó khăn, sự vào cuộc của bộ máy chính quyền hết sức quan trọng với doanh nghiệp, nhưng ở một số địa phương chưa làm tốt được điều đó”, ông Tuấn nhận định.

Gấp rút cải cách thủ tục hành chính

Quay trở lại với câu chuyện về PCI, trái ngược sự tụt hạng ở một số trung tâm kinh tế, một số địa phương lại bứt phá vươn lên, tiêu biểu như tỉnh Bắc Giang tăng 29 bậc so với năm trước, vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng PCI năm 2022. Cộng đồng doanh nghiệp tại Bắc Giang đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán đồng hành với doanh nghiệp của chính quyền tỉnh.

Những năm gần đây, Bắc Giang tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp và các chương trình xúc tiến đầu tư được triển khai khá toàn diện và mạnh mẽ. Bắc Giang có 5 chỉ số thành phần tăng điểm, gồm: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, chi phí không chính thức. Bắc Giang đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nhiều địa phương vươn lên mạnh mẽ trong bảng xếp hạng như: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 5 bậc, Lào Cai tăng 14 bậc, Hậu Giang tăng 26 bậc, Khánh Hòa tăng 28 bậc...

Sự thăng hạng ở các địa phương này được nhận định chủ yếu do lãnh đạo và các sở, ngành đã ý thức hơn trong câu chuyện cải cách thủ tục hành chính để tạo nguồn lực thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng mặt khác, sự thụt lùi của các đầu tàu kinh tế lại đặt ra nhiều vấn đề trong câu chuyện dài hạn, bởi do chiếm tỷ trọng quá lớn trong rổ chỉ số GDP thì khi các địa phương này giảm thu hút đầu tư, nguồn lực kinh tế chậm lại sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế chung.

TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận, về dài hạn, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam vẫn sẽ phải ở câu chuyện của thị trường trong nước. Dư địa hiện nay cho việc khôi phục sớm của Việt Nam nằm ở dư địa về thể chế còn rất nhiều. Nếu gỡ sớm được các thủ tục hành chính còn đang vướng mắc sẽ giúp tạo nguồn lực, khơi dậy hoạt động doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho việc huy động vốn ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Dưới góc độ đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng: "Rất nhiều nhà đầu tư châu Âu nhìn nhận Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất. Vì thế, cơ hội với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn lớn. Vấn đề là chúng ta biết tận dụng thời cơ. Một trong những câu chuyện hiện nay là xu hướng chuyển dịch đầu tư tăng trưởng xanh sang các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam".

Đồng quan điểm, ông Angus Liew, Chủ tịch Công ty Gamuda Land Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đang mở ra vô số cơ hội tuyệt vời và vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng vượt trội hơn nữa, nhưng ông vẫn đặt ra vấn đề lo ngại khi vấn đề thủ tục phê duyệt dự án cho các nhà đầu tư khá chậm. Từ lúc thu mua quỹ đất đến khi sẵn sàng triển khai dự án là một khoảng thời gian dài.

Việc Chính phủ nỗ lực thực hiện biện pháp đấu giá đất và đấu thầu dự án thời gian vừa qua là rất tốt. Bởi vì khi cơ quan công quyền đứng ra thực hiện công tác đền bù giải tỏa và sau đó cho đấu thầu, thì các chủ đầu tư có thể bắt tay vào phát triển dự án ngay. Chính vì vậy, nên ông Angus Liew rất mong muốn thời gian tới Chính phủ nên tiếp tục hoàn thiện cơ chế này, sao cho quá trình đấu thầu diễn ra minh bạch và hiệu quả hơn.

“Do đó, nếu các bộ ngành có thể xử lý rốt ráo những bất cập này sẽ giúp cho doanh nghiệp rất nhiều trong thời gian tới. Một điều nữa mà tôi muốn đề xuất là chúng ta nên thành lập một tổ tư vấn chuyên biệt có sự tham gia của các chủ đầu tư trong và ngoài nước để cùng Chính phủ tìm ra phương án cải tiến thủ tục phê duyệt dự án”, ông Angus Liew nhấn mạnh và cho biết Gamuda Land và nhiều nhà đầu tư khác có thể giúp sức Chính phủ bằng việc tham gia và chia sẻ những kinh nghiệm ở thị trường quốc tế.

Tin bài liên quan