Xếp hạng DNNN, nhìn từ hệ thống tiêu chí

Xếp hạng DNNN, nhìn từ hệ thống tiêu chí

(ĐTCK) Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của DN chưa phù hợp với bối cảnh nền kinh tế bị tác động bởi khủng hoảng khiến cho việc đánh giá hiệu của của DN còn mang tính hình thức và không hiệu quả.

Ngày 6/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg về hệ thống chỉ tiêu đánh giá DNNN.

Trên cơ sở quyết định này, hàng năm, các DN tự đánh giá, phân loại kết quả hoạt động của mình. Bộ quản lý ngành, Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh, tổng công ty nhà nước có trách nhiệm thẩm định và công bố xếp loại cho các DN thuộc quyền quản lý của mình theo quy định.

Hiệu quả hoạt động của DN được đánh giá trên một mặt bằng tiêu chí thống nhất, nên đã cung cấp cho Nhà nước - với vai trò là chủ sở hữu, một bức tranh chung về DNNN và có thể so sánh giữa các DN cùng ngành nghề với nhau, trên có sở đó đưa ra những quyết định về khen thưởng, trích lập các quỹ hoặc xử phạt, sắp xếp lại các DNNN làm ăn yếu kém và tái cấu trúc DN, tập đoàn, tổng công ty.

Kết quả này cũng là cơ sở để Nhà nước điều chỉnh các chính sách vĩ mô, tái cơ cấu đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống tài chính và tái cơ cấu DNNN. Hiệu quả được đánh giá theo các tiêu chí cho DN biết được ưu điểm cũng như khiếm khuyết trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình, các chủ nợ biết được khả năng thanh toán của DN để duy trì, mở rộng hoặc thu hẹp cho vay.

Tuy nhiên, các quy định về đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế.

 

Một số đối tượng “ngoài cuộc” xếp hạng

Thứ nhất, từ 1/7/2010, Luật DNNN đã hết hiệu lực, các DN cùng hoạt động theo Luật DN; các DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH một thành viên; một số tổng công ty đã chuyển đổi sang mô hình tập đoàn kinh tế. Trong khi đó, quy định hiện hành về Hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, được áp dụng đối với công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập và tổng công ty nhà nước, không điều chỉnh tập đoàn kinh tế nhà nước.

Thứ hai, về khái niệm DNNN, theo quy định tại Luật DN, DNNN là DN trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ… Phần vốn góp sở hữu nhà nước/hoặc cổ phần sở hữu nhà nước là phần vốn góp được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn khác của Nhà nước do một cơ quan nhà nước hoặc tổ chức kinh tế làm đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, hiện tại, vốn của công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư tại các công ty con, liên doanh liên kết cũng đều được coi là vốn nhà nước. Điều này là không phù hợp với quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với phần vốn đầu tư vào DN. Trên thực tế, vốn của các tổng công ty, tập đoàn góp tại các công ty thành viên nói chung lớn hơn nhiều so với vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp vào công ty mẹ của tổng công ty, tập đoàn. Do đó, đối với các DN có vốn góp của tổng công ty, tập đoàn có còn gọi là DNNN nữa hay không cũng chưa có văn bản quy định.

Thứ ba, hiện có 4 chỉ tiêu cơ bản để đánh giá DNNN, bao gồm chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả hoạt động là doanh thu hoặc sản lượng sản phẩm; lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước; khả năng thanh toán nợ ngắn hạn (đến hạn) và tình hình chấp hành các quy định pháp luật. Tuy nhiên, theo thông lệ chung thì các chỉ tiêu trên còn hạn chế, chưa cho phép đánh giá toàn diện hoạt động của DN.

Chẳng hạn, đối với CTCP, ngoài vốn nhà nước, còn có vốn của các cổ đông khác, do đó chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước dùng đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ở loại hình DN này là không phù hợp. Hoặc chỉ tiêu trong hệ thống chưa cho biết về tính độc lập hay phụ thuộc về tài chính của DN như hệ số khả năng thanh toán nợ (tổng giá trị tài sả/nợ phải trả), chỉ số về hiệu quả sử dụng tài sản (lợi nhuận trước thuế/tổng giá trị tài sản của DN), chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn đối với CTCP (lợi tức/cổ phiếu hoặc vốn cổ phần, mức cổ tức chi trả cho mỗi cổ phiếu/giá thị trường của cổ phiếu).

Ngoài ra, các chỉ tiêu trong hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của DN công ích vẫn còn mang tính chung chung, chưa cụ thể. Ví dụ, quy định hiện hành về đánh giá hiệu quả hoạt động của các DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ, sản phẩm công ích mới chỉ xem xét trên góc độ hoàn thành nhiệm vụ, chưa quan tâm tới chỉ tiêu về chất lượng hay sự vừa lòng của khách hàng.

Mặt khác, việc triển khai đánh giá xếp hạng DN đôi khi còn mang tính hình thức. Việc sử dụng kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động của DN để quyết định việc đầu tư hay thoái vốn đầu tư của chủ sở hữu còn hạn chế. Đối với DN, kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động chưa có tác dụng nhiều trong việc xem xét, xác định các vấn đề trong quản trị, điều hành.

 

Chưa đủ chế tài

Nguyên nhân của tình trạng trên là hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của DN chưa phù hợp với bối cảnh nền kinh tế bị tác động bởi khủng hoảng (chẳng hạn như quy định mức tăng trưởng từng ngành nghề để xếp loại chỉ tiêu doanh thu; hoặc luôn yêu cầu DN phải tăng trưởng về lợi nhuận).

Bên cạnh đó, DN chưa phát huy hết quyền và trách nhiệm về tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả giám sát, đánh giá hoạt động của mình. Việc giám sát đánh giá hiệu quả hoạt động của DN đối với các cơ quan nhà nước còn hạn chế. Cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu chưa có các biện pháp phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thẩm định kết quả đánh giá hoạt động của DN. Một số ít báo cáo phân loại hiệu quả hoạt động của DN chưa được các bộ quan tâm thẩm định chặt chẽ.

Các DN không báo cáo kết quả đánh giá hoặc báo cáo đánh giá theo các chỉ tiêu chưa chuẩn xác, hoặc báo cáo quá muộn so với thời gian quy định, cũng chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý.

Trên thực tế, Quyết định 224/2006/QĐ-TTg đã quy định trách nhiệm của các bộ quản lý ngành phải thẩm định kết quả phân loại DN, nhưng tại các văn bản quy định chức năng nhiệm vụ của các bộ lại không quy định cụ thể phải giám sát và thẩm định kết quả tự phân loại hiệu quả hoạt động của DN. Ngoài ra, cũng chưa có quy định cụ thể chế tài xử lý đối với các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh trong việc giám sát và thẩm định kết quả đánh giá, phân loại hoạt động của DN. Việc thẩm định kết quả đánh giá chủ yếu thực hiện trên cơ sở báo cáo của các DN, chưa thực hiện thẩm tra trực tiếp tại DN, do đó cũng hạn chế đến kết quả đánh giá chung.

Việc đánh giá xếp loại DNNN được căn cứ trên hệ thống ngành kinh tế quốc dân, dẫn đến một số DN khi thực hiện xếp ngành kinh tế thì không biết xếp vào ngành nào. Từ đó, các DN lúng túng trong việc tự xếp loại DN hoặc thực hiện nhưng áp dụng theo ngành kinh tế có quy định về mức tăng trưởng có lợi nhất cho DN.

(Còn nữa)

Xếp hạng DNNN, nhìn từ hệ thống tiêu chí ảnh 1

Xếp hạng DNNN là một ­hoạt động cần thiết, nhưng cần bổ sung tiêu chí và đối tượng