Hiện tại, hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn theo Phương pháp tiêu chuẩn của Basel II có hiệu lực từ 1/1/2020.
Tuy nhiên, vẫn còn một số TCTD được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các ngân hàng đang phải tái cơ cấu mà chưa thực hiện được theo Thông tư 41. Lộ trình hướng đến áp dụng Thông tư 41 của các ngân hàng này là năm 2023.
Tuy nhiên, diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, chưa thể xác định chính xác thời điểm phục hồi nền kinh tế, cho dù đã thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế. Vì thế, các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, chất lượng tín dụng toàn ngành có xu hướng suy giảm, nợ xấu đang gia tăng nhanh. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2020, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức 1,96%, tăng 33 điểm phần trăm so với mức 1,63% tại thời điểm 31/12/2019.
Một báo cáo vừa công bố của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, tuy chi phí dự phòng trong quý III/2020 tăng 18% so với quý trước, phần lớn trong số đó được sử dụng cho mục đích xóa nợ, nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng lên. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu chỉ nhích nhẹ lên 90,6% trong quý III từ mức 90% ở quý II. Ngoại trừ Techcombank có tỷ lệ nợ xấu giảm 0,6%, tỷ lệ nợ xấu tại phần lớn các ngân hàng thương mại khác đều tăng từ 0,2-0,7%. Tổng nợ xấu tính đến cuối quý III là 91.200 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối quý II. Việc trích lập dự phòng, theo SSI, sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến ước tính lợi nhuận của các ngân hàng và rủi ro tín dụng sẽ còn tồn tại từ năm 2021 trở đi.
“Trích lập dự phòng tăng có thể tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Theo ước tính trước đây, dựa trên kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khá lạc quan với khoảng 4% thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 vào khoảng 2,41%, nghĩa là tăng 78 điểm phần trăm so với cuối năm 2019. Còn hiện tại, với ước tính GDP năm nay khoảng 2-3% thì tỷ lệ nợ xấu chắc chắc ở mức trên 3%”, một lãnh đạo cao cấp NHNN chia sẻ.
Viện Nghiên cứu BIDV cũng ước tính, nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 có thể ở mức 3% và cuối 2021 là 4%, trong khi việc xử lý nợ xấu được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn. Ngoài ra, dịch bệnh khiến sức cầu yếu và niềm tin còn chưa cao, làm cho nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp giảm, từ đó dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định: “Nợ xấu tăng khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, nên cùng với các biện pháp giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất…, lợi nhuận của các ngân hàng bị ảnh hưởng, ước tính có thể giảm 20-25% trong cả năm 2020”.
SSI cũng tính toán, lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm 2020 của ngành ngân hàng ước giảm 22,1% so với cùng kỳ 2019 do thu nhập hoạt động (TOI) giảm 4% và chi phí dự phòng tăng 47,8%.
Thực tế cho thấy, từ nay đến cuối năm, thậm chí là sang năm 2021, nợ xấu và rủi ro tín dụng do ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế có thể tiếp tục đeo bám hoạt động của các doanh nghiệp. Vì thế, trích lập dự phòng rủi ro vẫn là bài toán buộc các ngân hàng phải cân đối, thậm chí phải tiếp tục hy sinh lợi nhuận để tăng các khoản chi phí này.
“Nợ xấu tăng khiến trích lập dự phòng rủi ro tăng theo, dẫn đến chi phí tăng và lợi nhuận giảm. Do đó, các ngân hàng không thể bổ sung vốn chủ sở hữu bằng lợi nhuận của năm 2020 nên không thể đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% như quy định tại Basel II. Trong bối cảnh khó khăn này, vấn đề tăng vốn không thể trông đợi vào các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cho nên NHNN cũng đang tính đến phương án tiếp tục nới thêm thời hạn tuân thủ Basel II cho các ngân hàng còn lại”, vị lãnh đạo NHNN nói.