Với góc nhìn của một chuyên gia liên quan đến vấn đề tín dụng, theo ông, cần thiết hay không cần thiết sử dụng biện pháp “quản lý” room tín dụng hiện nay?
TS. Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước |
Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, nhưng cá nhân tôi cho rằng, trong ngắn hạn và ở thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần duy trì sử dụng biện pháp quản lý room tín dụng, bởi hai lý do.
Thứ nhất, mặt bằng “thể chất” của các tổ chức tín dụng chưa đồng đều. Số liệu cập nhật cho thấy, còn khá nhiều tổ chức tín dụng chưa hoàn thành 3 trụ cột của Basel II. Có 85 ngân hàng mới hoàn thành trụ cột 1, tức dừng lại ở việc “đo lường và đảm bảo mức độ an toàn vốn tối thiểu”, trong khi trụ cột 2 được xem khó thực hiện nhất là xây dựng “quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn” thì hầu như chưa thực hiện được. Theo đó, việc duy trì “quản lý” room tín dụng trong ngắn đối với từng ngân hàng vẫn là cần thiết.
Thứ hai, trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, khiến chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa chưa thể khôi phục trở lại bình thường như trước. Rủi ro hiện hữu khi các cuộc xung đột đã và đang diễn ra ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt là áp lực lạm phát. Hầu hết ngân hàng trung ương các nước đang phải áp dụng loạt biện pháp “chuyển trạng thái” từ nới lỏng sang thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Chỉ có một số ít các nền kinh tế áp dụng nới lỏng để kích thích kinh tế như Trung Quốc, Nga, nhưng quá trình diễn ra hết sức thận trọng.
Những vấn đề trên gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói riêng, đặc biệt khi chính sách tiền tệ vẫn đang phải đảm bảo duy trì đa mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, song vẫn phải đảm bảo hỗ trợ kinh tế phục hồi.
Trên phương diện vĩ mô, có thể chúng ta phải chấp nhận “hy sinh” một số mục tiêu để giữ vững sự ổn định trong dài hạn, kiểm soát lạm phát, duy trì phát triển các cân đối lớn của nền kinh tế. Ở thời điểm này, nếu bỏ ngay biện pháp quản lý room tín dụng thì nguy cơ có thể dẫn đến cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng, bởi nhu cầu cần sự tăng trưởng nhanh về vốn, tín dụng sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố đến ngày 9/8/2022 là 9,58% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,63%), trong khi định hướng tín dụng cả năm 2022 tăng 14%, ông có cho rằng, cơ quan này nên có động thái nới room tín dụng cho các ngân hàng?
Việc giao chỉ tiêu tín dụng không hề cứng nhắc và được thể hiện rất rõ ngay trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022. Hiện tại, dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn khá lớn (trong 4 tháng cuối năm còn khoảng 4,42%, tương đương gần 500.000 tỷ đồng), nhưng với những động thái gần đây, tôi tin rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng trong biên độ điều hành.
Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam luôn cao hơn so với tăng trưởng GDP cho thấy nền kinh tế thâm dụng vốn khá cao. Đặc biệt, hiện nay, các nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế có những hạn chế và tập trung vào hệ thống ngân hàng, nên việc các ngân hàng bị hạn chế room tín dụng có thể dẫn đến những diễn biến không tốt.
Việc phân bổ dần dần hạn mức tín dụng ngay trong quý III và tiếp tục sang quý IV/2022 sẽ giúp hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp vận hành nhịp nhàng, hài hoà trong tổng thể cùng với các yêu cầu về an toàn vốn. Thậm chí, việc nới room tín dụng cho các ngân hàng có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa huy động và cho vay, bởi dòng tiền tiết kiệm sẽ không phải sử dụng đến khi nguồn tiền vay đã sẵn sàng.
Theo đó, ngân hàng nào có “thể chất” tốt hơn, tín dụng lành mạnh hơn, tham gia nhiều hơn vào các mục tiêu chung của hệ thống và chủ trương của Chính phủ sẽ được ưu tiên nới room tín dụng.
Chúng ta cũng cần thống nhất quan điểm, việc nới room tín dụng chỉ nên ưu tiên cho các ngân hàng tập trung cho vay 5 lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ như sản xuất, dịch vụ, nhất là các ngành kinh doanh trọng điểm bao gồm thương mại, xuất nhập khẩu, nông lâm thủy sản… Với những ngân hàng có dư nợ tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và cần tiếp tục tăng cường quản lý, chúng ta tiếp tục quán triệt tinh thần không hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực này, song cần kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo hướng tới mục tiêu an toàn hệ thống. Nền kinh tế đang phục hồi, nhưng chưa đồng đều, nên nắn dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên sẽ là mục tiêu hàng đầu.
Có ý kiến cho rằng nên bỏ room tín dụng…
Bản thân Ngân hàng Nhà nước không muốn duy trì biện pháp quản lý room tín dụng, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng, cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng trong hơn 10 năm qua đã cho thấy phần nào tính ưu việt.
Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, sau giai đoạn ngành ngân hàng tăng trưởng nóng và lạm phát lên mức 2 con số, room tín dụng trở thành một trong những công cụ hiệu quả để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chất lượng cho vay cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát.
Phân tích của các chuyên gia cho thấy, lạm phát của Việt Nam đến từ yếu tố chi phí đẩy, chủ yếu là do giá xăng dầu cũng như giá nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào cho sản xuất - kinh doanh tăng cao. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy việc “nhập khẩu lạm phát” vào Việt Nam, đòi hỏi công tác điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ phải thận trọng hơn. Việc xác định rõ lạm phát của Việt Nam hiện nay đến từ chi phí đẩy, nghĩa là không xuất phát từ yếu tố tiền tệ, nhưng rủi ro trong và ngoài nước vẫn đang hiện hữu, nên việc Ngân hàng Nhà nước chưa bỏ room tín dụng là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Cá nhân tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên linh hoạt điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế trong các lĩnh vực ưu tiên. Có thể, việc duy trì quản lý room tín dụng tiếp tục là giải pháp tạm thời, nhưng về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét bỏ biện pháp này khi các tổ chức tín dụng đã đạt được chuẩn Basel II (tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế một cách đầy đủ), chỉ quản lý tăng trưởng tín dụng thông qua hệ số an toàn vốn (CAR).
Định hướng, lộ trình triển khai Basel II và Basel III
Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 (đã được phê duyệt tại Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022) có nêu mục tiêu áp dụng Basel: “Áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2023 tại các ngân hàng thương mại (không bao gồm các ngân hàng yếu kém); triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025”.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các ngân hàng thương mại về định hướng lựa chọn phương pháp để tiếp tục triển khai Basel trong thời gian tới theo 2 phương án:
l Phương án 1: Áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ (FIRB) để tính vốn cho rủi ro tín dụng kết hợp một số quy định Basel III gồm yêu cầu về thanh khoản(tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán LCR và tỷ lệ nguồn vốn ổn định NSFR).
l Phương án 2: Áp dụng phương pháp tiêu chuẩn theo quy định tại Basel III gồm yêu cầu về vốn gồm tỷ lệ vốn đệm bảo toàn vốn, tỷ lệ vốn đệm chống biến động chu kỳ, tỷ lệ vốn yêu cầu đối với các ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống, yêu cầu về thanh khoản (tỷ lệ LCR và NSFR) và tỷ lệ đòn bẩy.