Theo định hướng của Chính phủ trong “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030”, Việt Nam sẽ xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với thuốc lá để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế, nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.
Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đang nghiên cứu các ý kiến góp ý cho Đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để trình Chính phủ. Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật pháp lệnh của Quốc hội. Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.
Thuế tuyệt đối là xu hướng lựa chọn của thế giới
Từ năm 2008 - 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ 55% lên 75%. Khi cải cách thuế TTĐB trong giai đoạn này, các chuyên gia kỳ vọng chính sách thuế mới sẽ giúp thực hiện hài hòa cùng lúc nhiều mục tiêu: khuyến khích các nhà sản xuất nâng cao chất lượng thuốc lá để giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam theo Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, đóng góp vào mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần kiểm soát thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả; nuôi dưỡng nguồn thu và tăng thu ngân sách Nhà nước từ thuế bền vững; và giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt xã
Một trong những nội dung chính được sửa đổi là tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá và bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối bên cạnh thuế tỷ lệ phần trăm hiện hành. Bước tiến này được các chuyên gia đánh giá cao vì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị các quốc gia, trong đó có Việt Nam nên triển khai hệ thống thuế đơn giản và hiệu quả nhất là hệ thống thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp vì các hệ thống thuế này có nhiều ưu điểm hơn so với hệ thống thuế tương đối đơn thuần.
Theo thông lệ quốc tế, có 3 phương pháp đánh thuế chủ yếu: Thuế tương đối, áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (như doanh thu); thuế tuyệt đối, áp dụng mức thu tuyệt đối (như theo đơn vị sản phẩm); thuế hỗn hợp, áp dụng cả thuế tương đối và thuế tuyệt đối. Trong đó, thuế tương đối hiện có ít quốc gia áp dụng nhất.
Hệ thống thuế hỗn hợp được đánh giá sẽ khuyến khích nhà sản xuất đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng người tiêu dùng chuyển đổi sang tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng tốt hơn, giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe. Hệ thống thuế hỗn hợp cũng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho mục tiêu giảm sản lượng tiêu thụ sản phẩm như rượu bia, thuốc lá. Tuy vậy, ưu việt nhất vẫn là thuế tuyệt đối.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam cho rằng ở giai đoạn hiện nay, Việt Nam chuyển đã quyết định chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp. Tuy nhiên, theo xu hướng thế giới, “Việt Nam nên tăng dần thành phần tuyệt đối và giảm dần thành phần tương đối. Trong tương lai, khi phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc,” bà Vân nhận định.
Xem xét lộ trình phù hợp cho nền kinh tế
Theo các chuyên gia, việc tăng thuế cần thực hiện một cách thận trọng và có lộ trình phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội để hỗ trợ tốt nhất cho các mục tiêu mà Chính phủ đề ra, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực tới ngành thuốc lá, thị trường thuốc lá hợp pháp, cũng như tất cả người lao động tham gia vào chuỗi cung ứng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng thuế tuyệt đối nên được nâng dần mỗi năm. |
Nói về vấn đề này, tại Hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt - Hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh” được tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá nên có lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có thể điều chỉnh, sắp xếp bố trí hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vừa hạn chế thuốc lá lậu, tránh thất thu thuế, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lộ trình này cần cân nhắc cả về thời gian và mức thuế điều tiết.
“Chúng tôi ủng hộ phương án tăng thuế theo lộ trình, theo đó, trong năm đầu tiên, bên cạnh thuế suất 75% bổ sung thêm thuế tuyệt đối ở mức 500 đồng/bao. Tiếp đến nâng dần theo lộ trình 500 đồng/bao mỗi năm”, bà Cúc khiến nghị.
Cụ thể, tăng thuế TTĐB cần lộ trình hợp lý từ 2025 để tránh tác động môi trường - xã hội như nông dân bị thu hẹp vùng trồng, khi sản lượng sản xuất của các công ty lớn sụt giảm, các công ty sẽ không thể hỗ trợ người trồng thuốc lá một cách tích cực như trước đây. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến sinh kế, thu nhập của người trồng thuốc lá lẫn công nhân.
Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi sang hệ thống thuế hỗn hợp là hướng đi hoàn toàn đúng đắn khi thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá cần được thực hiện từng bước, với mức độ vừa phải để tránh gây sốc cho thị trường.
Kế hoạch tăng thuế TTĐB cần có lộ trình hợp lý và có tính định hướng dài hạn để giúp các doanh nghiệp có đủ thời gian thích ứng, lên kế hoạch sản xuất - kinh doanh, nhằm đạt được một cách hài hòa mục tiêu Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng, cũng như giúp đảm bảo sự ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước, hạn chế sự gia tăng đột biến của thuốc lá lậu, từ đó hỗ trợ chuyển đổi ngành thuốc lá sang cơ cấu sản phẩm có chất lượng tốt hơn, ít độc hại hơn.
Hiện nay, Việt Nam có 38 doanh nghiệp sản xuất thuốc lá tạo ra khoảng hơn 1,1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Con số này bao gồm khoảng 10.000 công nhân viên trong các công ty thuốc lá, khoảng 5.000 nhân viên phân phối tại hơn 500 nhà phân phối, 110.000 -120.000 nông dân trồng cây thuốc lá và khoảng 1 triệu người bán lẻ trên khắp cả nước.