Ảnh minh họa.
Thẩm tra dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán nhà nước, một số ý kiến tại Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cân nhắc việc kiểm toán chuyên đề “Việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất trên địa bàn một số quận, huyện thuộc TP.HCM, Hà Nội.
Bởi lẽ, chuyên đề này có phạm vi rất rộng.quận, huyện thuộc TP.HCM, Hà Nội, đồng thời Thanh tra Chính phủ đang thực hiện thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và quy hoạch xây dựng, cấp phép trên địa bàn Thành phố Hà Nội (thời kỳ từ năm 2011-2022).
Do đó, để bảo đảm hiệu quả công tác kiểm toán và tránh chồng chéo, đề nghị Kiểm toán nhà nước xem xét, cân nhắc việc kiểm toán chuyên đề trên. Trường hợp vẫn thực hiện kiểm toán chuyên đề về đất đai, cân nhắc chuyển thành nội dung “kiểm toán liên quan đến quản lý và sử dụng đất công, đất do thành phố Hà Nội quản lý và cho thuê”.
Vẫn về kiểm toán chuyên đề, có ý kiến đề nghị xem xét bổ sung nội dung kiểm toán về xác định giá đất, định giá, đấu giá đất do có những khó khăn khi triển khai Luật Đất đai sửa đổi; nghiên cứu, cân nhắc kết hợp kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất đai lồng ghép với việc xác định nghĩa vụ thu nộp ngân sách trong sử dụng nguồn lực đất đai để thực hiện các dự án nhà ở thương mại.
Một số ý kiến đề nghị Kiểm toán nhà nước bố trí kiểm toán các chuyên đề đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, kế hoạch tài chính, ngân sách quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Các cuộc kiểm toán có các nội dung liên quan đến các báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XV gắn với mục tiêu đánh giá cả nhiệm kỳ để phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch tài chính, ngân sách, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tiếp theo.
Để phục vụ các thông tin cho giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội năm 2025 “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung các cuộc kiểm toán chuyên đề. Như, kiểm toán hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn 5 thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh.
Kiểm toán chuyên đề việc thực hiện triển khai thực hiện, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển để đầu tư kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường, trong đó tập trung: các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp, làng nghề. Kiểm toán chuyên đề công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường trong giai đoạn 2022-2024 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số địa phương.
Báo cáo thẩm tra cũng phản ánh ý kiến đề nghị xem xét bổ sung cuộc kiểm toán chuyên đề đối với việc quản lý, sử dụng quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá và quỹ quốc gia về giải quyết việc làm; kiểm toán việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và việc thực hiện quản lý dự trữ quốc gia về xăng dầu, Quỹ dự trữ ngoại hối,…
Có ý kiến đề nghị đối với kiểm toán chuyên đề “Việc đầu tư, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ cho Đề án chuyển đổi số tại các địa phương giai đoạn 2021-2024” đề nghị kiểm toán đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật; đánh giá tính hiệu quả và hiệu lực trong quản lý và sử dụng tài chính công; chỉ rõ những vấn đề cần lưu ý khắc phục; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung một số văn bản không còn phù hợp; báo cáo kết quả với Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo quy định, theo báo cáo thẩm tra.
Năm 2025 Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 19 cuộc kiểm toán dự án đầu tư.
Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra nhất trí các cuộc kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có khối lượng thực hiện và giải ngân lớn. Các cuộc kiểm toán còn lại đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp tục rà soát để bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn NSNN, tài chính công, tài sản công, không gây thất thoát, lãng phí nguồn lực tài sản nhà nước, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán.
Về lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, có ý kiến cho rằng, từ thực trạng sai phạm đã được phát hiện tại một số ngân hàng thời gian qua, đề nghị Kiểm toán nhà nước xác định lựa chọn đánh giá thực trạng tuân thủ các quy định tại các ngân hàng thương mại nhà nước đối với những nội dung, vấn đề sai phạm, bất cập qua đó phòng, ngừa hạn chế sai phạm tương tự có thể xảy ra tại hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước.
Có ý kiến đề nghị Kiểm toán nhà nước nghiên cứu xây dựng kế hoạch kiểm toán đánh giá công tác quản lý thị trường vàng do có những tồn tại, bất cập và diễn biến tăng giảm giá bất thường trong thời gian qua.
Ý kiến khác đề xuất kiểm toán làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc quản lý để phát sinh những sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp - báo cáo thẩm tra phản ánh.